Bãi biển Đà Nẵng sạch đẹp là nhờ người dân và du khách được tuyên truyền, vận động không xả rác bừa bãi - Ảnh: TẤN LỰC |
Các địa phương triển khai xử phạt thế nào để quy định này có tác dụng góp phần giữ gìn đường phố sạch đẹp?
Trước đây, mức phạt đối với các hành vi vứt rác, bỏ mẩu và tàn thuốc nơi công cộng, tiểu tiện bừa bãi... đã được quy định tại nghị định 179/2013.
Thế nhưng trên thực tế tại nhiều địa phương, người dân thiếu ý thức vẫn vứt rác ra đường phố mà không bị xử phạt...
Nhiều ý kiến cho rằng để loại bỏ thói quen xả rác, tiểu bậy... không chỉ dừng ở việc xử phạt mà còn phải có nhiều biện pháp triển khai đồng bộ.
Tạo ý thức giữ vệ sinh chung trước khi xử phạt
Theo các cơ quan chức năng, trước khi áp dụng một chế tài xử phạt theo quy định mới, chính quyền Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền rầm rộ để chủ trương tới được với người dân trong thời gian dài.
Sau đó lực lượng chức năng nhắc nhở người vi phạm lần đầu, hướng dẫn du khách rồi sau đó mới áp dụng xử phạt.
Ông Huỳnh Văn Bảy, đội trưởng đội quy tắc đô thị Q.Sơn Trà (Đà Nẵng), cho biết để có được một bãi biển không rác, sạch đẹp như hiện nay, bài học mà Đà Nẵng rút ra là công tác tuyên truyền, vận động dân chúng.
Năm 2016, trước khi TP ban hành quyết định xử phạt đối với hành vi xả rác ra bãi biển, chính quyền quận đã tổ chức vận động, nhắc nhở, qua đó người dân thấy được lợi ích của mình từ bãi biển và không còn xả rác ra biển nữa.
Còn để người dân và du khách không xả rác ra đường, ông Bảy cho biết Q.Sơn Trà đã trang bị đầy đủ các thùng rác ở những vị trí thuận tiện nhất cho du khách.
“Hiện quận đang lên kế hoạch làm bản tin gửi về tận các tổ dân phố để phổ biến quy định mới của Chính phủ xử phạt về hành vi đổ xà bần, rác thải, tiểu bậy...” - ông Bảy cho biết.
Theo ông Bảy, hiện nay khi nghị định 155 có hiệu lực, trước mắt các quận ở Đà Nẵng vẫn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân.
Sau đó sẽ xử phạt nghiêm đối với người đổ xà bần, rác thải ra đường, khu vực không đúng quy định mà chính quyền đã nhiều lần cảnh báo.
“Để xử phạt được hành vi đổ xà bần và rác thải bừa bãi thì cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi của đối tượng vi phạm.
Trước hết, lực lượng quy tắc đô thị của quận và tổ quy tắc đô thị tất cả các phường thường xuyên tuần tra phát hiện vi phạm để xử lý ngay.
Đồng thời vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định của người dân để gửi tới đội quy tắc đô thị quận.
Từ các hình ảnh này chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đối chiếu rồi mời các cá nhân, tổ chức vi phạm lên để nhắc nhở, xử lý” - ông Bảy nói.
Ngoài ra, theo ông Bảy, đối với các điểm kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, lực lượng quy tắc đô thị quận sẽ phối hợp với phòng kinh tế quận và công an để kiểm tra buộc các hộ kinh doanh phải ký cam kết, vận động khách không được xả rác bừa bãi.
Nếu các hộ kinh doanh không chấp hành, để du khách xả rác, chất thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, mỹ quan đường phố thì sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép.
Mặt khác, quận sẽ phối hợp với các cơ quan báo đài đăng tải các hình ảnh xả rác bừa bãi để người dân thấy mà không dám vi phạm.
Thưởng để khuyến khích phát hiện vi phạm
Tại TP.HCM và nhiều địa phương khác, dù quy định xử phạt người xả rác, tiểu tiện bừa bãi... đã có nhiều năm nhưng hầu như không thực hiện được.
“Muốn phạt phải lập biên bản, vấn đề ai là người lập? Thẩm quyền xử phạt có giao cho nhiều lực lượng nhưng không đủ người để làm. Lâu nay, một số phường xã có triển khai xử phạt nhưng chỉ dừng lại ở việc xử lý một số đối tượng vi phạm là người dân sống ngay khu vực vi phạm và số lượng xử phạt rất ít.
Mặt khác, đối tượng xả rác trên đường phố chủ yếu là khách vãng lai, qua đường tiện tay vứt rác, tiểu bậy. Nhiều khi thấy rõ hành vi nhưng không xử phạt được” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, nói.
Hiện nay, với mức phạt quy định tại nghị định 155, bà Mỹ cho biết Sở Tài nguyên - môi trường TP đang cùng các quận huyện họp bàn để đưa ra các cách thức, giải pháp trình UBND TP xin chủ trương, chính sách thống nhất triển khai xử phạt trên toàn TP.
Có cái nhìn lạc quan hơn bà Mỹ, bà Trương Thị Minh Tín, chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân), nêu cách làm đạt hiệu quả cao tại phường này là thưởng cho lực lượng đi kiểm tra để khuyến khích anh em phát hiện vi phạm.
Bà Tín cho biết hiện nay UBND Q.Bình Tân quyết liệt giao cho các phường quản lý về môi trường, nếu trên địa bàn xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến môi trường thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Do vậy phường huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ dân phố kiểm tra, phát hiện vi phạm. Mỗi lần bắt được xe rác đổ không đúng nơi quy định, phường sẽ thưởng cho cả đội 1 triệu đồng.
Số tiền này lấy từ phần tiền 10% tổ rác dân lập nộp cho phường. Hiện nay cả phường có 14 khu phố, với khoảng 100 bảo vệ khu phố.
Trong năm 2016, phường đã xử phạt được 23 trường hợp với số tiền phạt là 34,5 triệu đồng.
“Có khuyến khích, anh em tích cực, nhiệt tình tuần tra, phát hiện vi phạm để phường xử phạt nên nạn xả rác bừa bãi trên địa bàn được hạn chế. Sắp tới, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng quy định, phường tiếp tục duy trì chế độ thưởng cho lực lượng kiểm tra, phát hiện vi phạm” - bà Tín nói.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Gia Thái Bình - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết ngoài việc lắp camera, bố trí lực lượng chốt chặn để kiểm soát, kịp thời xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, quận sẽ triển khai các phường tiếp tục đặt thùng rác dọc các tuyến đường trọng điểm, các khu phố, con hẻm để người dân bỏ rác…
Công an phường có xử phạt nhưng không nhiều Cũng như quy định trước đây, nghị định 155/2016 tiếp tục trao cho chủ tịch UBND các cấp, trưởng công an các cấp, thanh tra chuyên ngành... thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Liên quan đến việc này, thiếu tá Phan Thanh Sơn - trưởng Công an P.2, Q.3 (TP.HCM) - cho biết theo nghị định 155/2016, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của trưởng công an cấp xã (phường) chỉ ở mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2,5 triệu đồng trở xuống.
Nghĩa là trưởng công an cấp xã (phường) có thể xử phạt hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt 500.000 - 1 triệu đồng); hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt từ 1-3 triệu đồng)... Tuy nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1-2 nhưng hiện nay công an phường chưa được tập huấn nên khi phát hiện hành vi vi phạm thì nhắc nhở là chính. Một lãnh đạo Công an P.2, Q.Tân Bình cho biết công an phường không có lực lượng kiểm tra thường xuyên các vi phạm về vệ sinh môi trường. Theo vị này, trước đây công an phường có kiểm tra, xử phạt một số trường hợp vi phạm như vứt rác, tiểu bậy... theo mức phạt tại nghị định 179, nhưng số vụ công an đã phạt không nhiều bởi công an phường phải thực thi nhiều nội dung về quản lý nhà nước tại địa bàn nên việc kiểm tra, xử phạt các hành vi xả rác, đi vệ sinh bừa bãi không thể tổ chức thường xuyên. “Thông thường công an phường kết hợp việc xử phạt các hành vi trên khi thực hiện các nhiệm vụ tuần tra địa bàn” - vị này cho biết. (S.BÌNH - ÁI NHÂN) |
Sẽ có hội nghị phổ biến ở cả ba miền Trao đổi với chúng tôi về tổ chức thực hiện những điểm mới của nghị định 155, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết nghị định này đã quy định rất cụ thể về hành vi vi phạm như thế nào thì bị xử phạt bao nhiêu tiền, nên sẽ không có thông tư hướng dẫn mà chỉ tổ chức ba hội nghị lớn để phổ biến thực thi ở Hà Nội và miền Nam, miền Trung. Trước ý kiến băn khoăn về lực lượng triển khai, thực hiện, ông Nhân khẳng định nghị định 155 quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt của các cấp để triển khai. “Nghị định lần này đã đưa vai trò của lực lượng công an, cảnh sát môi trường vào nhiều hơn trong bảo vệ môi trường và thẩm quyền xử phạt. Và tới đây, trong hội nghị ở ba miền có đầy đủ các bên tham gia cũng sẽ hướng dẫn rõ, cụ thể để triển khai” - ông Nhân nói. (XUÂN LONG) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận