NAT là phương pháp kỹ thuật sàng lọc nhằm phát hiện chất liệu di truyền của các tác nhân gây bệnh (HBV, HCV và HIV) trong mẫu máu.
Theo bác sĩ Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, virút HBV, HBC và HIV khi xâm nhập vào cơ thể con người đều có thời gian "cửa sổ" (hay còn gọi là giai đoạn sơ nhiễm) trước khi được phát hiện bằng các phương pháp xét nghiệm hiện đại.
Với kỹ thuật huyết thanh học, giai đoạn cửa sổ của HIV là 21 ngày, HBV 59 ngày và HCV 82 ngày. So với kỹ thuật huyết thanh học, kỹ thuật NAT có độ nhạy cao hơn nên rút ngắn được thời gian cửa sổ. Cụ thể, HIV còn 11 ngày, HBV còn 25 ngày và HCV là 59 ngày. Vì thế, NAT giúp phát hiện các mẫu máu dương tính với 3 loại virút trên trong giai đoạn cửa sổ sớm hơn, độ chính xác cao hơn các phương pháp cũ.
Cũng theo bác sĩ Dũng, hiện 98% lượng máu dự trữ của TP.HCM lấy từ người tình nguyện hiến máu. Đối với lượng máu Bệnh viện Truyền máu - huyết học tiếp nhận, khoa xét nghiệm sẽ dùng kỹ thuật huyết thanh học để sàng lọc. Với các mẫu máu âm tính với HIV, HBV và HCV, bệnh viện sẽ tiếp tục dùng kỹ thuật NAT để phát hiện sớm giai đoạn cửa sổ.
Hiện 70% các bệnh viện trên thế giới sử dụng kỹ thuật NAT trong sàng lọc máu. Tại Việt Nam, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM là đơn vị đầu tiên áp dụng NAT.
Phóng to |
Các túi máu được sàng lọc bằng kỹ thuật NAT lưu trữ tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM - Ảnh: M.Mẫn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận