Đó là khuyến cáo của PGS.TS Trần Văn Bình, chuyên gia điện (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), khi trao đổi với Tuổi Trẻ về phương án giá điện hai thành phần mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất.
Ông Bình nói: Biểu giá điện hiện tại chỉ mới tính đến lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng mà chưa tính đến lượng công suất đấu nối. Việc áp dụng biểu giá điện này là không phù hợp bởi chi phí của các đối tượng sử dụng gây ra cho hệ thống là khác nhau.
* Căn cứ vào đâu để cho rằng áp dụng giá điện hai thành phần là cần thiết, thưa ông?
- Theo nguyên tắc, khi xây dựng giá bán điện, khách hàng phải trả đủ chi phí. Các thông số cần tính đến trong biểu giá gồm lượng công suất yêu cầu từ hộ tiêu thụ, thời điểm sử dụng điện trong ngày (cao - thấp điểm), lượng điện năng mà hộ tiêu dùng đã sử dụng, điểm đấu nối của hộ tiêu dùng vào hệ thống (cấp điện áp đấu nối).
Tuy nhiên thời gian qua, biểu giá bán điện của Việt Nam chưa tính đến thành phần công suất đối với tất cả các thành phần phụ tải. Phải tính đến phụ tải (công suất) yêu cầu vào giá bán vì cung và cầu điện luôn đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối. Nếu hộ tiêu dùng yêu cầu mà hệ thống không đủ công suất đáp ứng, chất lượng điện (điện áp và tần số) sẽ giảm. Đến một giới hạn nào đó, hệ thống sẽ tự động sa thải phụ tải, thậm chí gây sự cố mất điện trên diện rộng.
Ngược lại, nếu hộ tiêu dùng không sử dụng, điều độ hệ thống lập tức phải giảm nguồn phát ngừng phát điện lên lưới. Điều này có nghĩa là khi hộ tiêu dùng ký hợp đồng đấu nối vào lưới, ngành điện phải chuẩn bị đủ công suất để đáp ứng. Phía khách hàng phải có ý thức lựa chọn mức công suất phù hợp với nhu cầu.
* Với biểu giá điện hai thành phần, người sử dụng điện nhiều hay ít hơn được lợi?
- Với biểu giá điện hai thành phần, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình = giá tính theo công suất đăng ký + giá tiền điện tiêu thụ hằng tháng. Trong đó, giá theo công suất được tính dựa vào suất chi phí tăng 1kW công suất nguồn phát của hệ thống điện.
Lượng công suất đăng ký sử dụng càng lớn, thành phần chi phí này càng cao. Để quản lý bên cạnh công tơ ghi số điện tiêu thụ, ngành điện sẽ đặt một aptomat để khống chế công suất sử dụng.
Chi phí tiền điện tiêu thụ hằng tháng được tính như hiện nay, tức là = số kWh tiêu thụ x đơn giá tiền điện.
Đơn giá tiền điện hoàn toàn có thể áp dụng phương thức càng dùng nhiều càng rẻ. Tức là với một mức công suất đăng ký mà sản lượng điện thương phẩm càng lớn, hệ số sử dụng công suất sản xuất của ngành điện càng cao, giá thành sản xuất càng hạ dẫn đến có thể định giá bán thấp hơn.
* Như phân tích của ông, với cách tính giá điện hai thành phần, tiền điện mà người dùng phải trả chắc chắn sẽ tăng?
- Trên thực tế, giá điện hai thành phần khi áp dụng, tiền điện của người dùng có tăng lên hay giảm đi còn phụ thuộc vào việc xây dựng biểu giá của cơ quan chức năng và ngành điện. Nhưng về mặt nguyên tắc lý thuyết, chi phí điện năng khi tính theo cơ chế này phải rẻ đi, song cũng tùy vào từng hộ khách hàng và từng thời điểm sử dụng điện.
Tiện đây tôi xin nói thêm là Chính phủ vừa ký ban hành quyết định 24, theo đó giá điện sẽ được điều chỉnh mỗi năm bốn lần. Giữa các chu kỳ trong năm, giá bán lẻ điện có thể tăng - giảm.
Nhưng về dài hạn, xu thế giá tăng là không thể tránh khỏi. Vì nguồn tài nguyên đầu vào (than, dầu, khí, thủy năng...) ngày càng cạn kiệt và trở nên khan hiếm. Chi phí khai thác tăng, giá tăng là không thể tránh khỏi. Người tiêu dùng cần hiểu và chuẩn bị tâm lý cho hiện tượng này.
* Cách tính này giống như gói cước viễn thông, nhưng khi có nhiều nhà mạng tham gia, giá cước viễn thông ngày càng rẻ hơn, thưa ông?
- Tuy cùng là ngành kinh tế mang tính chất mạng lưới, nhưng giữa viễn thông và điện lực có những điểm khác biệt. Với viễn thông, sau khi xây dựng xong mạng lưới, nhà đầu tư cho khách hàng thuê lại hạ tầng của mình để trao đổi thông tin. Phí dịch vụ được tính theo thời gian chiếm dụng đường truyền.
Nhà nước xây dựng hạ tầng sau đó cho các đơn vị thuê lại để kinh doanh. Do vậy, việc đưa yếu tố cạnh tranh vào không mấy khó khăn. Trong khi đó, để có điện năng cung cấp cho khách hàng, ngành điện phải có thêm các nhà máy sản xuất.
Lượng điện năng mà khách hàng sử dụng có thể được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau: thủy điện, điện nguyên tử, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, tuốc bin khí, diesel... mà mỗi loại nhà máy có những đặc tính kinh tế - kỹ thuật khác nhau.
Trong đó, những đặc tính như tốc độ mang tải, chi phí đầu tư, chi phí vận hành, giá thành sản xuất... sẽ quyết định nhà máy sẽ làm việc ở phần nào của đồ thị phụ tải hệ thống.
Toàn bộ các nhà máy (nguồn phát) được kết nối với nhau thành hệ thống, việc điều độ nhà máy nào phát điện với công suất bao nhiêu tại từng thời điểm sử dụng phải được tính toán trên cơ sở lợi ích kinh tế và năng lượng của toàn hệ thống.
Với chỉ chừng ấy lý do thôi, chúng ta thấy việc đưa yếu tố cạnh tranh vào ngành điện cũng phải được xem xét kỹ lưỡng và cần có thời gian.
* Việc áp giá điện hai thành phần có thể bị lạm dụng do EVN đang độc quyền, thưa ông?
- Tôi được biết việc thí điểm cơ chế giá điện hai thành phần sẽ áp dụng trước với công nghiệp và sản xuất, trước khi được triển khai rộng rãi. Bởi cách tính này không đơn giản, yêu cầu đặt ra cho EVN là phải tính chi phí cho sát và phải có lộ trình nghiên cứu, trong đó chi phí hệ thống phải hết sức minh bạch mới tính toán được.
Cũng phải nhìn nhận là các thông số, chi phí hệ thống vẫn chưa rõ ràng, công khai và minh bạch. Để đảm bảo tính minh bạch này, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát. Song khó khăn nhất khi đây là ngành có đặc tính kinh tế - kỹ thuật rất lớn và sâu, nên người tham gia quá trình quản lý phải hiểu bản chất ngành này mới kiểm soát được.
Vì vậy, Nhà nước phải có cơ chế hạch toán, giám sát cơ chế thực hiện cho đúng. Cũng cần có nhóm chuyên gia độc lập hiểu biết sâu ngành điện để góp ý, thẩm định việc xây dựng hệ thống biểu giá hai thành phần được chuẩn xác nhất, tránh tình trạng chỉ "bốc thuốc".
EVN và Bộ Công Thương cần xây dựng được biểu giá cơ bản chính xác, minh bạch để làm thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng theo lộ trình. Hiện chúng ta chưa biết phương pháp làm ra sao, có phù hợp hay chưa, ai sẽ kiểm tra và giám sát được. Đó là những vấn đề cần phải làm rõ và minh bạch khi thực hiện cơ chế mới về giá điện mới này.
Không ảnh hưởng đến tiền điện của khách hàng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho hay việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành).
Tuy nhiên, đây sẽ là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế.
Vì vậy, việc triển khai cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế, chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp mòn mỏi chờ chính sách điện mặt trời mái nhà
Chiều 11-4, Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp, do Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm có chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh của doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho hay do ngành dệt may cần nguồn năng lượng xanh để chuyển đổi sản xuất bền vững, đạt được các chứng chỉ xanh, nên đã có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp lắp đặt. Nhưng từ năm 2021, khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (quyết định 13/2020) hết hiệu lực, nhiều dự án phải dừng lại, hoặc đã lắp đặt nhưng chưa được đấu nối.
Việc chưa ban hành chính sách mới thay thế cho cơ chế khuyến khích trước đây đã tạo nên "khoảng trống pháp lý" khiến doanh nghiệp không thể triển khai. Theo ông Nguyễn Vũ Chiên - phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định, rất nhiều nhà máy có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà.
Tuy nhiên, từ sau khi ngành điện thông báo dừng thỏa thuận đấu nối vào hệ thống, các doanh nghiệp "mất phương hướng" trong đầu tư. Bởi theo tính toán, chi phí phải bỏ ra cho 1MW điện cần khoảng 13 tỉ đồng, trong khi nguồn điện mặt trời ở miền Bắc hạn chế, không có nhiều giờ nắng như miền Nam nên doanh nghiệp lo ngại rủi ro trong việc thu hồi vốn khi chưa có cơ chế cụ thể từ Chính phủ.
Theo ông Lã Hồng Kỳ - chuyên viên chính Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, dù chưa có thỏa thuận đấu nối, từ năm 2021 đến nay vẫn có 400MW điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp và khu thương mại được lắp đặt. Điều này xuất phát từ nhu cầu sản xuất phải có chứng chỉ xanh, phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Viết Nguyên, phó Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết tổng công suất điện mặt trời mái nhà là 9.500MW. Trong số này, hệ thống điện đã huy động được 4.500MW tại các khu công nghiệp, góp phần đảm bảo cung ứng điện. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.
Theo dự thảo nghị định vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, quy mô phát triển của điện mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu" khoảng 2.600MW. Nguồn này sẽ phát lên hệ thống điện quốc gia, với sản lượng điện dư sẽ được ghi nhận với giá 0 đồng, được Nhà nước khuyến khích lắp đặt để tự sử dụng mà không giới hạn công suất.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần làm rõ khái niệm "tự sản, tự tiêu", hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư, an toàn phòng cháy hoặc cơ chế điều tiết... để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Theo ông Lã Hồng Kỳ, cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khi lắp đặt hệ thống, gắn với việc rà soát quy định quản lý liên quan tới đất đai, xây dựng, thủ tục đăng ký... để có quy trình thống nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận