Ngày 5-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết với dự án kênh đào Phù Nam Techo, Việt Nam "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Trong phần giải thích về Hiệp định Mekong 1995, Ủy hội sông Mekong (MRC) cũng cho biết "các quốc gia thành viên đã nhất trí về mục tiêu phát triển lưu vực, ưu tiên các dự án chung hoặc cùng có lợi, cũng như các nguyên tắc hoặc quy tắc ứng xử chung khi phát triển lưu vực sông Mekong và các cam kết thực chất đối với nhau liên quan đến hệ thống sông Mekong hoặc nguồn nước chung".
Các cam kết trong Hiệp định Mekong 1995
Theo MRC, tại các điều 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của hiệp định, các nước thành viên đã đưa ra những cam kết thực chất đối với nhau, thông qua hợp tác qua MRC và trực tiếp với nhau, như sau:
- Sử dụng nước trên lưu vực một cách hợp lý, công bằng (điều 5)
- Thông báo, tham vấn trước hoặc nhất trí trước (điều 5)
- Duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính. Ngăn đỉnh điểm dòng chảy hằng ngày lớn hơn mức tự nhiên trong mùa mưa (điều 6);
- Dừng và sau đó thảo luận về các hoạt động đã được chứng minh là gây thiệt hại đáng kể. Chịu trách nhiệm về thiệt hại đáng kể gây ra cho các nước thành viên khác (điều 7 và 8)
- Duy trì quyền tự do hàng hải (điều 9)
- Thông báo kịp thời các tình huống khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên khác (điều 10).
Các điều 3, 4 và 7 của hiệp định nêu rõ các cam kết chung mà các quốc gia thành viên đã nhất trí về các nguyên tắc phát triển lưu vực sông Mekong.
Các điều này đề cập đến việc bảo vệ cân bằng sinh thái, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tránh, giảm thiểu những tác động có hại.
Trước trách nhiệm ứng xử thường có cụm từ "cố gắng hết sức để", cụm từ này không chỉ có nghĩa lắng nghe những mối quan tâm của các quốc gia ven sông khác và có thể thay đổi thiết kế, hoạt động của dự án theo kế hoạch.
"Nỗ lực hết sức có nghĩa là các quốc gia thành viên phải tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết mối quan ngại của các bên khác, cho dù những biện pháp này có được thể hiện trong quy trình tham vấn trước hay không", MRC cho biết.
Đối với trách nhiệm về thiệt hại, tại điều 7, các nước thành viên nhất trí nỗ lực hết sức để tránh, giảm thiểu những tác động có hại có thể xảy ra đối với môi trường, lượng và chất lượng nước hoặc hệ sinh thái từ việc phát triển và sử dụng lưu vực sông Mekong.
Khi quốc gia "bị tổn hại" đưa ra bằng chứng phù hợp và xác đáng về thiệt hại đáng kể và thiệt hại đó là do một dự án, thì nước có dự án sẽ chấm dứt ngay lập tức nguyên nhân gây thiệt hại. Những thiệt hại này có thể bao gồm ô nhiễm liên tục, tác động đến hệ sinh thái thủy sinh hoặc thay đổi dòng chảy.
"Vì điều 7 áp dụng cho cả việc sử dụng nước dòng chính và dòng nhánh, nên các nước thành viên cần nỗ lực hết sức để tránh, giảm thiểu các tác động tiềm tàng lên các dòng nhánh trong việc thiết kế và xây dựng các đập trên dòng nhánh", MRC giải thích.
Campuchia thông báo về kênh Phù Nam Techo
Ban thư ký MRC đã nhận được thông báo từ Campuchia vào tháng 8-2023 ý định xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Sau khi nhận được thông báo, Ban thư ký MRC đã chuyển thông báo tới các nước thành viên khác.
Trong thông báo, Campuchia cho biết mục đích của dự án là nhằm phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường.
Thông báo đề cập đến kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy dài 180km, sâu 5,4m, rộng 80-100m, có sức tải tàu 1.000 DWT.
Con kênh sẽ có 3 âu thuyền để duy trì mực nước cho tàu bè qua lại và 11 cây cầu sẽ bắc qua kênh. Dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với kinh phí dự kiến 1,7 tỉ USD và kênh Phù Nam Techo sẽ hoạt động từ năm 2028.
Thông báo khẳng định sẽ không có tác động đáng kể nào đến lưu lượng dòng chảy hằng ngày và hằng năm của hệ thống sông Mekong.
Ngoài ra "tác động môi trường và xã hội của dự án sẽ ở mức rất tối thiểu trong quá trình xây dựng cũng như vận hành và sẽ có thể kiểm soát được".
Theo trang Phnom Penh Post, Việt Nam đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin, dữ liệu và bày tỏ quan ngại về tác động xuyên biên giới tiềm tàng của dự án đối với các khu vực hạ lưu, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Ban thư ký MRC đã gửi thư tới Campuchia để yêu cầu cung cấp thông tin kỹ thuật chi tiết về dự án, bao gồm các bản sao nghiên cứu tính khả thi và các báo cáo liên quan khác.
Trong tuyên bố hồi cuối tháng 4-2024, cựu thủ tướng Hun Sen của Campuchia cho rằng Hiệp định Mekong năm 1995 chỉ yêu cầu các bên ký kết thông báo cho MRC về các dự án được xây dựng trên các nhánh sông Mekong. Nó không bắt buộc các thành viên phải tìm tham vấn hoặc cần sự chấp thuận nhất trí giữa các bên ký kết.
"Hãy để tôi giải thích. Chúng tôi không sử dụng sông Mekong, chúng tôi đang sử dụng sông Bassac, vốn chỉ là một nhánh. Về vấn đề này, chúng tôi không cần tham vấn gì cả vì chúng tôi chỉ sử dụng một nhánh sông Mekong", ông Hun Sen nói. Ông cũng cho biết Campuchia sẵn sàng cung cấp thêm thông tin nếu cần thiết nhưng sẽ không nhượng bộ.
Tháng 4-1995, các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam đã ký Hiệp định về phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Thỏa thuận cho thấy nhận thức của các quốc gia thành viên trong việc phát triển hơn nữa lưu vực sông Mekong, nhưng các nước cũng nhận thấy sự phát triển này có thể dẫn đến những tác động có hại, có thể mang tính chất xuyên biên giới.
Ủy hội sông Mekong cũng được lập ra nhằm thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia và an sinh của cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận