09/11/2015 08:47 GMT+7

Áp dụng án lệ để tránh oan sai

TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA thực hiện ([email protected])

TT - Cùng việc ban hành nghị quyết số 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, TAND tối cao đang hoàn tất các quy trình để sớm công bố tập án lệ đầu tiên.

Ông Chu Thành Quang tại buổi họp báo công bố nghị quyết về áp dụng án lệ - Ảnh: T.Lụa
Ông Chu Thành Quang tại buổi họp báo công bố nghị quyết về áp dụng án lệ - Ảnh: T.Lụa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Thành Quang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TAND tối cao - cho biết:

- Quá trình xây dựng án lệ có sự tranh cãi rất gay gắt về hình thức tồn tại của án lệ là gì, ban hành án lệ ở thời điểm này đã phù hợp chưa hay chờ các bộ luật tố tụng được thông qua?

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Việc lựa chọn, ban hành án lệ bây giờ là rất cần thiết, tạo cơ sở khi các bộ luật tố tụng có hiệu lực thì mình có án lệ để áp dụng ngay.

“Áp dụng án lệ thì hiện tượng tiêu cực sẽ giảm đi, việc chạy án hay nghi ngại cho rằng có sự khuất tất trong xét xử sẽ không còn nữa

Ông Chu Thành Quang

Án lệ của Việt Nam khác gì với các nước?

* Tại sao các nước trên thế giới không có quy trình lựa chọn án lệ mà VN lại đặt ra quy trình này, thưa ông? Án lệ của VN có gì khác so với các nước trên thế giới?

- Trên thế giới có hai truyền thống pháp luật là truyền thống thông luật và truyền thống dân luật (luật thành văn). Ở những nước theo truyền thống thông luật (Anh, Mỹ, Úc...), án lệ được coi là nguồn luật.

Nguyên tắc áp dụng án lệ ở những nước này là phán quyết của tòa án cấp trên có giá trị ràng buộc với phán quyết của tòa án cấp dưới. Những nước theo truyền thống dân luật (Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...) có quan điểm khác.

Họ coi án lệ là nguồn luật thứ cấp, tức khi không có luật mới áp dụng án lệ. Án lệ ở những nước này có hai giá trị là giải thích pháp luật và đưa ra giải pháp pháp luật.

Những nội dung trong bản án có tính chất làm rõ các quy định của pháp luật, hoặc đưa ra các giải pháp pháp luật đều được coi là án lệ và vận dụng để giải quyết những vụ việc trong tương lai.

Tôi khẳng định quy trình ở ta khác các nước. Nó chỉ giống với một vài nước có truyền thống pháp luật tương đồng với VN.

Khi Vụ Pháp chế và quản lý khoa học được giao là đơn vị tham mưu giúp cho Hội đồng thẩm phán trong việc xây dựng và áp dụng án lệ thì quan điểm của chúng tôi là phải đề xuất làm sao để án lệ của VN có đặc thù riêng, phù hợp với thực tiễn của VN.

Để khi ban hành án lệ, việc áp dụng án lệ trong xét xử phải mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân, cho xã hội chứ không phải chúng ta mang khái niệm trừu tượng từ nước ngoài vào VN để rồi tính khả thi không được bảo đảm.

* Mục tiêu của việc áp dụng án lệ là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật khi có những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, hoặc có những vấn đề chưa có quy định cụ thể.

Thứ hai, giá trị của án lệ thể hiện ở việc những lập luận, phán quyết có tính chuẩn mực của tòa án trong một vụ việc cụ thể được vận dụng để giải quyết một vụ việc cụ thể khác, bảo đảm rằng những vụ việc như nhau được giải quyết giống nhau, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Thứ ba, với thẩm phán khi nghiên cứu án lệ thì họ yên tâm hơn trong việc áp dụng pháp luật, tự tin về tính minh bạch, công bằng, năng lực xét xử được nâng lên.

Đối với các đương sự, khi tiếp cận án lệ họ tự hình dung ra vụ việc của mình sẽ đến đâu để tự quyết định có mời luật sư hay không, theo đuổi vụ việc hay không. Với phán quyết của tòa, họ cũng không ấm ức vì cho rằng mình bị xử sai vì 10 người, vụ việc như họ thì đều được giải quyết giống nhau cả.

Đối với toàn xã hội, áp dụng án lệ thì hiện tượng tiêu cực sẽ giảm đi, việc chạy án hay nghi ngại cho rằng có sự khuất tất trong xét xử sẽ không còn nữa.

* Cũng có ý kiến lo ngại nếu áp dụng án lệ sẽ tạo nên sự tùy tiện trong xét xử, bởi ý nghĩa của từ “áp dụng các sự việc tương tự” là mơ hồ và khó giải thích tuyệt đối. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Tiêu chí lựa chọn án lệ là phải có tính chuẩn mực, trong đó có nguyên tắc vụ việc tương tự nhau thì phán quyết như nhau. Vậy tương tự là như thế nào? Tôi cho rằng việc xác định như thế nào là vụ việc tương tự nhau thì đánh giá rất dễ.

Quá trình áp dụng, chúng tôi phải đi tập huấn, quán triệt trực tiếp về vấn đề tương tự nội dung và sự kiện pháp lý.

Ví dụ một vụ việc tranh chấp thừa kế, cũng là khu đất vàng của thủ đô, cũng không có di chúc để lại, cũng có mấy đứa con... thì tình tiết của vụ việc như nhau, tính pháp lý như nhau.

Khi áp dụng, thẩm phán hoàn toàn có quyền chứng minh việc họ đang thụ lý hoàn toàn khác với án lệ để không áp dụng.

Nếu họ chứng minh đúng thì không sao, nếu chứng minh sai sẽ bị tòa án cấp trên hoặc chánh án TAND tối cao kháng nghị. Việc xét xử có đảm bảo thống nhất hay không còn phải được xem xét lại chứ không phải xử xong là xong.

2-3 tháng nữa sẽ có tập án lệ đầu tiên

* Nhiều người lo ngại trước năng lực của các thẩm phán hiện nay khi áp dụng án lệ sẽ gặp khó khăn. Hoặc quá trình áp dụng án lệ sẽ vướng các quy định pháp luật khác?

- Tôi xin nhắc lại bản án được lựa chọn phát triển thành án lệ đã là chuẩn mực, vì vậy việc áp dụng phải đúng. Luật quy định rõ ràng thì anh cứ thế mà làm.

Cái hay của quy trình lựa chọn và công bố án lệ là tự thân bản án, quyết định của các tòa án được lựa chọn không phải là án lệ, mà phải qua bước phát triển, biên tập lại, mô tả lại tình tiết, lập luận ra sao để từ đó rút ra được tình tiết, vấn đề pháp lý có giá trị áp dụng là cái gì.

Án lệ có rõ ràng hay không phụ thuộc vào quá trình chọn. Nghị quyết 03/2015 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quy định rất rõ về quy trình lựa chọn này.

Hội đồng tư vấn án lệ được thành lập với các thành viên mở rộng chủ yếu trong giới học luật, vì vậy tính dân chủ, minh bạch, công khai rất cao.

Sau khi có nghị quyết 03, trước mắt chúng tôi đang đọc những quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để lựa chọn án lệ.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử, chúng tôi hệ thống những danh mục, vấn đề cần làm rõ, cần đưa ra giải pháp trong bản án, từ đó đi tìm bản án giám đốc thẩm có liên quan để đọc, lập danh mục những vụ việc cần hướng dẫn.

TAND tối cao đang cố gắng 2-3 tháng nữa sẽ thông qua tập án lệ đầu tiên.

Bắt buộc áp dụng án lệ

Theo ông Chu Thành Quang, việc bắt buộc áp dụng án lệ không phải chỉ quy định ở VN mà các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ... cũng vậy.

Nếu anh không chứng minh được việc của mình khác so với án lệ thì anh phải áp dụng án lệ. Không ai được quyền nói với thẩm phán ông phải áp dụng án lệ, tuy nhiên nếu anh không áp dụng mà không lý giải được tại sao thì tòa cấp trên sẽ hủy quyết định, bản án của anh.

Vì vậy, án lệ vừa có giá trị bắt buộc nhưng vừa tôn trọng độc lập của thẩm phán trong xét xử. Việc bắt buộc áp dụng án lệ là để cho việc xét xử được đúng pháp luật chứ không phải để can thiệp vào ý chí chủ quan của thẩm phán.

1/3 dân số thế giới chấp nhận án lệ

Trang Wikipedia (bản tiếng Anh) định nghĩa: “Thông luật (còn được gọi là “án lệ” hay “tiền lệ pháp”) là luật do các thẩm phán, tòa án và các cơ quan xét xử tương tự đặt ra, được tuyên bố trong các phán quyết mà thường để quyết định các vụ việc cụ thể nhưng lại có ảnh hưởng mang tính tiền lệ cho các vụ án khác về sau”.

Khoảng 2,3 tỉ người đang sống trong các quốc gia chấp nhận tính hợp pháp của án lệ hoặc có sự kết hợp giữa án lệ và luật dân sự. Án lệ bắt nguồn từ Anh thời Trung cổ và từ đó lan sang các nước thuộc địa của đế chế Anh, trong đó có cả Ấn Độ.

Hiện nay án lệ là phần quan trọng trong hệ thống pháp luật của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, hệ thống pháp luật liên bang và hệ thống pháp luật của 49/50 bang tại Mỹ (trừ bang Louisiana), hệ thống pháp luật liên bang và luật pháp riêng của các tỉnh và lãnh thổ ở Canada (trừ Quebec)...

Theo Oxford LibGuides, nước Đức không xem án lệ là nguồn luật pháp chính thống. Nguyên tắc tiền lệ (stare decisis) là một ngoại lệ (chẳng hạn như căn cứ theo các phán quyết của tòa bảo hiến liên bang) chứ không phải tiêu chuẩn được quy định.

Vì thế trong hầu hết trường hợp, các thẩm phán người Đức không bị bắt buộc phải tuân theo các tiền lệ pháp (án lệ). Trong khi xét xử họ chỉ xem xét các phán quyết đã có trước và tham khảo ở những điểm tương đồng.

Tại Pháp, học thuyết về nguyên tắc tiền lệ không được áp dụng, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cho rằng các án lệ hoàn toàn không có ảnh hưởng gì trong việc thiết lập những tiêu chuẩn trong xét xử.

Người dân có thể tiếp cận với các phán quyết của tòa án ở Pháp trên mạng hoặc ít nhất là ở dạng văn bản in với các phán quyết của các tòa án cấp cao hơn.

D.KIM THOA ([email protected])

TÂM LỤA thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên