02/06/2022 22:35 GMT+7

Áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác cát thêm 50%

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Đó là một trong nhiều ý kiến chỉ đạo của thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tăng khả năng cung ứng cát cho các công trình trọng điểm quốc gia tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.

Áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác cát thêm 50% - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm phát biểu mở đầu buổi làm việc - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Chiều 2-6, đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp nghe báo cáo về khả năng cung ứng cát cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết đã cung ứng tổng trữ lượng 2,81 triệu m3 cho 2 công trình cao tốc trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh: cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.

Đồng thời đã ưu tiên cung ứng cho công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 1,27 triệu m3 cát. Trong khi đó, riêng nhu cầu cát trong tỉnh năm 2022 là hơn 14 triệu m3, tuy nhiên tổng khối lượng khai thác và nạo vét chỉ đạt hơn 6 triệu m3. Vì vậy tỉnh rất khó để cung ứng tiếp trong thời gian tới.

Nguyên nhân là do các giấy phép cấp phép khai thác đã cấp phần lớn từ trước năm 2015 nên trữ lượng còn lại rất ít; thượng nguồn sông Mekong có nhiều đập thủy điện khiến lượng phù sa (trầm tích cát sông) từ thượng nguồn về giảm đáng kể…

Bên cạnh đó, thời gian qua các cơ quan truyền thông báo chí có nhiều bài viết về khai thác cát, tạo dư luận xã hội không đồng tình. Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo bằng văn bản về xử lý thông tin báo chí nêu. Trong đó, chỉ thị 38 yêu cầu cấp phép khoáng sản phải theo quy hoạch mới theo Luật quy hoạch.

Áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác cát thêm 50% - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải tại Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho rằng trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhiều dự án quan trọng mang tầm quốc gia, đáp ứng kỳ vọng phát triển của vùng. Đến nay, các dự án được đầu tư về kinh phí và công tác giải phóng mặt bằng đã xong, nhưng sợ nhất là không có cát.

"Các sở ngành tiếp tục tham mưu để tìm nguồn cát, nếu khai thác mỏ cát phục vụ cho dự án công trình trọng điểm quốc gia, có thể xin áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất khai thác thêm 50%. Tiếp tục có báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tư vấn, rà soát trữ lượng, chất lượng nguồn vật liệu thay thế như tro, xỉ, cát biển, cát lẫn bùn… tiến hành thí điểm và nghiên cứu đánh giá hiệu quả chất lượng", ông Lâm nói.

Ông Trần Trí Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên và môi trường rà soát lại công suất khai thác cát cũng như đẩy nhanh tiến độ trong thời gian sớm nhất theo kế hoạch; tận dụng các nguồn vật liệu khác để cung ứng cho các công trình trọng điểm của tỉnh, công trình trung ương đi qua địa bàn tỉnh.

"Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các bộ, ngành trung ương làm việc với UBND các tỉnh có dự án cao tốc đi qua, để các tỉnh rà soát đảm bảo công trình của trung ương tại địa phương. Kiến nghị Bộ Khoa học và công nghệ sớm chủ trì và phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt", ông Quang nói.

Đồng bằng sông Cửu Long lấy cát đâu làm đường? Đồng bằng sông Cửu Long lấy cát đâu làm đường?

TTO - Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết từ nay đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai đồng loạt khoảng 400km đường cao tốc với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỉ đồng. Nhưng câu hỏi khó hiện nay là: cát đâu để làm?

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên