03/08/2013 06:35 GMT+7

Ảo vọng thần đồng?

NGÔ THỊ MAI
NGÔ THỊ MAI

TT - Bé V. (Q.12, TP.HCM) mới gần 3 tuổi nhưng đã nhận mặt hết bảng chữ cái, đếm từ 1-100 rất rõ ràng.

Vừa rồi tôi đến chơi, thấy mẹ bé đang dạy bé đếm từ 1-100 bằng tiếng Anh, tôi hỏi ba bé: “Ép bé học sớm quá chi cho cực?”. Chị T. (mẹ bé V.) nói xen vào: “Phải rèn cho bé học từ bây giờ kẻo không sau này bé lười học, kém thông minh”.

Chị T. nói với vẻ đầy tự hào: “Bé V. được như thế này là do vợ chồng tôi chịu khó đầu tư, từ sữa Mỹ giúp có chỉ số IQ cao, từ các loại thực phẩm ngoại đắt tiền chúng tôi đều mua về cho con ăn”. Chị T. còn kể cho tôi nghe ngày chị mới mang bầu V., chị ăn hết cả chục trứng ngỗng, uống toàn sữa ngoại, cho thai nhi nghe nhạc... để tăng sự thông minh cho bé ngay từ trong bụng mẹ. Những sự đầu tư tương tự chị T. của nhiều phụ huynh không phải hiếm. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở vấn đề gò trẻ sớm tiếp cận với các con chữ, con số, nhiều phụ huynh còn đưa con mình đi thử IQ, giải toán, tập xử lý các tình huống thông minh... khi con chưa đến 6 tuổi - tuổi chính thức trẻ được đến trường để học tập.

Sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con trẻ là cần thiết, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ quan tâm, lo lắng thái quá làm cơ thể lẫn trí tuệ non nớt của trẻ không hấp thụ kịp khiến trẻ “quá tải”, thậm chí tạo nên stress.

Việc phụ huynh tác động quá sớm vào quá trình phát triển của trẻ có thể gặp một số bất lợi sau này. Những nghiên cứu tâm lý học gần đây chỉ ra rằng việc phụ huynh cho trẻ học trước, học sớm có thể vô tình tạo thành “con dao hai lưỡi”, ảnh hưởng đến quá trình hình thành phát triển nhân cách nói chung và các kỹ năng, thói quen sống... không tốt ở các cháu. Nếu ở trong lớp học, một số trẻ đã nắm được các kiến thức mà giáo viên chuẩn bị giảng, trẻ sẽ lơ là, không tập trung vào những gì giáo viên đang giảng, xem thường các bạn chưa có cơ hội học trước. Cứ như vậy, lâu dần trở thành thói quen, tạo sức ì tâm lý rất lớn trong học tập cũng như cuộc sống sau này.

Quan tâm, đầu tư vào quá trình phát triển cho con là việc tốt, việc nên làm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc đầu tư đúng hướng, đem lại hiệu quả cao cho con hay không cần phải dựa trên những luận cứ khoa học, tránh việc đầu tư dàn trải, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ảo vọng thần đồng có thể dẫn trẻ đến tình trạng “cái gì cũng biết mà chẳng biết cái gì”, tạo nên hậu quả không tốt cho chính các cháu về sau.

LTS: Việc giáo dục từ sớm cho trẻ đang được các bậc phụ huynh quan tâm khi nhiều công trình khoa học chứng minh sáu năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vậy làm sao để giáo dục sớm không trở thành gánh nặng, áp lực với trẻ? Hoặc bạn có cho rằng dạy trẻ học trong sáu năm đầu đời là không cần thiết khi ở độ tuổi này trẻ chỉ nên được chơi đùa là chính? Mời bạn đọc cùng trao đổi với Tổ ấm qua email [email protected].

NGÔ THỊ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên