05/07/2019 10:27 GMT+7

Áo tiên phong cấm thuốc diệt cỏ Roundup

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Hoạt chất glyphosate, chất diệt cỏ phổ biến nhất thế giới, sắp bị cấm triệt để ở Áo. Công ty Monsanto (Mỹ) phát triển glyphosate dưới thương hiệu Roundup và được Tập đoàn Bayer (Đức) mua lại năm ngoái.

Áo tiên phong cấm thuốc diệt cỏ Roundup - Ảnh 1.

Thuốc diệt cỏ hiệu Roundup chứa hoạt chất glyphosate được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, trước khi bị cảnh báo là có thể gây ung thư cho con người - Ảnh: Reuters

Trên thế giới, hàng ngàn vụ kiện của người tiêu dùng chống lại glyphosate và thương hiệu thuốc diệt cỏ Roundup do nghi ngờ gây ung thư. Cơ quan lập pháp của nhiều nước cũng siết chặt hơn với việc sử dụng glyphosate.

Chính quyền chống, nông dân ủng hộ

Áo là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên cấm triệt để glyphosate như một biện pháp phòng ngừa, thách thức cả quy định hiện tại của khối là cho phép sử dụng glyphosate đến tháng 12-2022.

Theo Hãng tin Reuters, dự luật được thông qua dễ dàng ở Hạ viện Áo và đang được trình lên Thượng viện, nơi nhiều khả năng nó sẽ không vấp phải sự phản đối nào. Thời gian có thể chỉ được tính bằng ngày hoặc tối đa là tuần, trước khi dự luật chính thức được thông qua với chữ ký của Tổng thống Alexander Van der Bellen. Nếu được thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2020.

Bà Pamela Rendi-Wagner - lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội, đảng đề xuất dự luật - cho biết: "Các bằng chứng khoa học về khả năng gây ung thư của hóa chất diệt cỏ ngày càng tăng. Trách nhiệm của chúng tôi là cấm lưu hành chất độc này trong môi trường của mình. Tôi cũng hi vọng các nước châu Âu khác sẽ hành động như Áo".

So với các nước thành viên EU khác, Áo có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ. Số liệu của EU năm 2017 cho thấy Áo có tỉ lệ đất canh tác nông nghiệp hữu cơ cao nhất trong các nước EU, khoảng 23%, trong khi trung bình ở EU chỉ khoảng 7%. Tuy nhiên, Đảng Nhân dân mang khuynh hướng bảo thủ ở Áo, được rất nhiều nông dân ủng hộ, lại phản đối dự luật.

Mặc dù dự luật được sự ủng hộ của những người yêu môi trường và nhiều nghị sĩ, trả lời phỏng vấn của Đài FRANCE 24, nông dân Áo bày tỏ lo lắng vì dự luật này khiến họ giảm thu nhập do tăng chi phí khi dùng các biện pháp khác để diệt cỏ.

Không chỉ ở Áo, nông dân Mỹ, Canada không mặn mà với việc cấm glyphosate. Warren Sekulic, nông dân trồng cải dầu, lúa mì, đậu và yến mạch ở Alberta (Canada), trả lời Đài CBC rằng việc cấm sử dụng rộng rãi chất glyphosate là một thảm họa với nông dân, bất chấp nghi ngờ rằng chất này có thể gây ung thư.

Ông lập luận rằng thuốc diệt cỏ được sử dụng trước khi gieo trồng và nó cải thiện đất bằng cách giữ độ ẩm, giảm xói mòn và tăng chất hữu cơ cho đất.

Tranh cãi về tính an toàn

Bản quyền sáng chế đối với hoạt chất glyphosate đã hết hạn năm 2000, từ đó được nhiều công ty khác khai thác và sản xuất dưới nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ thương hiệu Roundup vẫn là nổi tiếng nhất và được sản xuất từ năm 1974.

Năm 2015, cơ quan nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo hoạt chất glyphosate có khả năng gây ung thư. Còn phía Bayer và Monsanto khẳng định nhiều nghiên cứu và cơ quan quản lý xác định glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup là an toàn.

Năm 2017, EU gia hạn sử dụng chất glyphosate thêm 5 năm trong khối sau 2 năm tranh luận căng thẳng. Cơ sở của quyết định này là do Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất châu Âu không xếp glyphosate vào nhóm các chất gây ung thư. Tuy nhiên, tính độc lập của EFSA bị nghi ngờ khi báo chí phát hiện nhiều trang báo cáo của tổ chức này thực chất được cắt dán từ một nghiên cứu do Monsanto thực hiện năm 2012.

Một năm sau đó, Chính phủ Pháp đưa ra lộ trình cấm sử dụng glyphosate trong vòng 5 năm nhưng vẫn công nhận đây là một chất hữu ích trong nông nghiệp. Tháng 1-2019, Pháp cấm bán sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup Pro 360. Các quy định hạn chế sử dụng hoạt chất này cũng được áp dụng ở Cộng hòa Czech, Ý và Hà Lan.

Các cơ quan khoa học khác nhau ở các nước cũng chưa thống nhất về tính an toàn của glyphosate. Ví dụ, cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng glyphosate gần như không có khả năng gây ra ung thư ở người. Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue từng khẳng định: "Nếu muốn có đủ lương thực cho 10 tỉ người trên thế giới vào năm 2050, chúng ta sẽ cần rất nhiều công cụ, trong đó có glyphosate".

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Đại học Washington ở Mỹ kết luận nguy cơ bị ung thư, trong đó có ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin, của người tiếp xúc với glyphosate tăng 41%.

Cấm rồi lại hủy cấm

Tại châu Á, chính quyền Sri Lanka đã cấm nhập khẩu glyphosate từ tháng 10-2015. Lệnh cấm được hủy bỏ vào tháng 5-2018, nhưng quy định sản phẩm chỉ được sử dụng cho các đồn điền trà và cao su.

Colombia cấm xịt glyphosate từ trên không từ năm 2015, nhưng tháng 3-2019 Tổng thống Ivan Duque đề nghị xét lại lệnh cấm để nhà chức trách có thể xử lý các đồn khu vực trồng thuốc phiện.

Hiện nay ở Mỹ, hàng ngàn vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ chứa glyphosate chống lại Monsanto đang được tòa án thụ lý. Công ty này đã bị xử thua trong ba vụ lớn trong vòng 1 năm qua. Vào tháng 5-2019, tòa án ở San Francisco, Mỹ buộc Monsanto phải trả hơn 2 tỉ USD thiệt hại cho một cặp vợ chồng bị ung thư.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên