Châu Âu đang vượt lằn ranh đỏ
Khi được báo Die Presse hỏi về vấn đề trên, bà Tanner khẳng định: "Một lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Tôi cảm thấy mừng khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã khẳng định liên minh này sẽ không cử binh lính đến Ukraine".
Phát biểu của bà Tanner nhắc đến việc ông Stoltenberg khẳng định NATO không có kế hoạch cử lực lượng mặt đất đến Ukraine hôm 6-6.
Tuy nhiên, sang ngày 7-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại khẳng định ông sắp hoàn thành việc thành lập liên minh quốc tế nhằm chính thức cử cố vấn quân sự phương Tây đến huấn luyện binh sĩ Ukraine.
Sau đó khi được hỏi về cách Kiev có thể làm để cản bước quân đội Nga ở Kharkov, bà Tanner khẳng định "là một quốc gia trung lập về quân sự, chúng tôi không thể đánh giá".
Những chia sẻ của bà Tanner cho thấy quan điểm trái ngược nhau giữa nhiều nước châu Âu quanh mức độ viện trợ cho Ukraine.
Nhiều nước như Pháp, Đức muốn tăng cường các hình thức viện trợ. Một số nước khác, tiêu biểu là Hungary, lại muốn làm điều ngược lại để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Trong chương trình được đài TV2 phát sóng hôm 7-6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo châu Âu chỉ còn "cách xung đột trực tiếp với Nga chỉ vài centimet" .
Ông khẳng định với việc cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, phương Tây "đang đi thẳng đến chiến tranh".
Theo ông, nếu các lãnh đạo châu Âu muốn hòa bình trong hôm nay, họ có thể thúc đẩy cuộc ngừng bắn trên tiền tuyến trong 24 giờ.
"Những người chưa đánh đã hàng"
Trong khi đó, phát biểu tại Paris trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích "những người theo chủ nghĩa hòa bình" và "tâm lý chưa đánh đã hàng" đang xuất hiện nhiều nơi về vấn đề Ukraine.
"Họ là những người chưa đánh đã hàng. Đây là tâm lý chiến bại và chúng ta không như thế", tổng thống Pháp nói.
Giới quan sát nhận định thông điệp của ông Macron dường như nhắm vào phe cực hữu đối lập tại Pháp, trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9-6.
Ông Macron khẳng định rằng hòa bình tại Ukraine sẽ không thể được tái lập "nếu phe bị tấn công chấp nhận đầu hàng".
Ông tuyên bố Chính phủ Pháp "ủng hộ hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nhưng cần công nhận quyền kháng cự chính đáng của một dân tộc khi họ bị tấn công".
"Đó mới là hòa bình thực chất. Chúng ta cần gây áp lực lên Nga", ông khẳng định và cho biết quá trình thành lập liên minh cố vấn quân sự cho Ukraine sẽ bước vào giai đoạn hoàn thiện trong vài ngày tới, khẳng định Pháp đang nỗ lực tập hợp "ở quy mô lớn nhất" để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận