Trong chuyến kiểm tra thực địa tại một số địa phương vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu phải có giải pháp sử dụng, điều tiết nguồn nước vì hiện nhiều ao, hồ trơ đáy, hàng ngàn héc ta cây trồng có nguy cơ chết khát...
Nỗ lực tìm nước ứng phó nguy cơ cây cối chết khát
Giữa cái nắng gay gắt của mùa khô, vợ chồng ông Đinh Phú Hải (trú thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) hì hục nối thêm 3m ống để lấy nước từ hố mới được nạo vét giữa lòng hồ Đắk Ken. Thế nhưng, dù nối đến điểm sâu nhất của hồ, vợ chồng ông cũng không lấy được nước vì hố cũng trơ đáy.
Rẫy cà phê 1.000 gốc của nhà ông Hải nằm cách hồ Đắk Ken khoảng 1km, đã tưới được ba đợt. Hiện cà phê đang bước vào giai đoạn ra hoa và đậu quả non, nhưng nắng nóng gay gắt kéo dài, thiếu nước tưới nghiêm trọng khiến cây héo lá.
Nắng hạn khô khốc, cây cà phê nguy cơ chết khát, trong khi giá cà phê tăng cao đến 100.000 đồng/kg khiến gia đình ông Hải còn... nóng ruột hơn cả nhiệt độ ngoài trời.
Không chỉ gia đình ông Hải, tại hồ Đắk Ken, có khoảng 20 máy bơm "kèn cựa" chờ nước mạch rỉ ra những hố sâu đào sẵn giữa hồ. Chỉ cần có chút nước, các máy bơm thi nhau hút chuyền lên các hồ đào sẵn gần rẫy, rồi một máy khác hút chuyền, tưới cho cây trồng (khoảng cách hồ quá xa rẫy, hai máy bơm phải tăng bo mới tưới được - PV).
Để kịp thời tưới chống hạn cho cà phê, ông Nguyễn Bá Quân (trú xã Đắk Lao, Đắk Mil) đã thuê 1 máy bơm nước từ hồ Đội 1 dẫn về hồ 40, với chiều dài 3km để tưới cho rẫy cà phê 2ha của gia đình.
Giá để "bơm chuyền" nước là 120.000 đồng/giờ, nhưng ông Quân và nhiều người dân vẫn phải chấp nhận, nếu không cà phê đối mặt nguy cơ chết khát. "Chi phí tưới nước đã tăng gấp 3 lần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu trời sẽ mưa. Không biết có đủ nước và chi phí để cứu cây cà phê hay không", ông Quân không giấu được lo lắng.
Ông Trương Xuân Hùng - phó chủ tịch UBND xã Đắk Lao - cho biết toàn xã có khoảng 5.400ha cà phê, hồ tiêu nhưng chỉ có 7 hồ đập lớn cung cấp nước tưới cho cây trồng và chỉ duy nhất hồ Đội 1 còn nước, các hồ khác đã trơ đáy. Người dân phải đào ao trong hồ hoặc bơm chuyền từ các nơi có nước về để cứu cây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, các huyện như Đắk Mil, Krông Nô và Cư Jút đang có trên 8.000ha cây trồng các loại, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày, có nguy cơ thiếu nước tưới. Nếu trời không đổ mưa trong những ngày tới, hàng ngàn héc ta cây trồng này có nguy cơ chết khát.
Điều nước cứu nguy vùng hạn
Ông Lê Văn Hoàng - chủ tịch UBND huyện Đắk Mil - cho biết toàn huyện có 34.207ha cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu tưới, trong đó cà phê 21.200 ha, còn lại là tiêu, cây ăn quả và cây trồng khác.
Thế nhưng hiện đã có 1/3 trong số 39 hồ chứa nước đã trơ đáy, 1.670ha cây trồng nguy cơ chết khát.
Trong khi đó ông Doãn Gia Lộc - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô - cho rằng nếu mùa khô kéo dài đến tháng 5, tháng 6, một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối mặt với khô hạn.
Để cứu nguy cho cây trồng vùng hạn, Đắk Nông đưa ra phương án điều nước về cứu nguy cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Đại - giám đốc chi nhánh huyện Krông Nô của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông - cho biết đã làm việc với các huyện lân cận như Đắk Mil và Đắk Song để điều tiết nước từ các hồ chứa lớn về chống hạn.
Hiện đơn vị đã thống nhất với UBND huyện Đắk Mil điều tiết nước từ hồ Tây (dung tích hơn 3 triệu m3) về huyện Krông Nô qua kênh dẫn về suối Đắk Sôr với chiều dài khoảng 40km.
Việc điều tiết nước về dòng suối này nhằm phục vụ nhu cầu nước tưới cho khoảng 1.500ha cây công nghiệp tại các xã Đắk Sôr và Nam Xuân - 2 khu vực đang thiếu nước trầm trọng nhất huyện Krông Nô.
"Công ty cũng đã làm việc với UBND huyện Đắk Mil để thực hiện giải pháp điều tiết nguồn nước về suối Đắk Sôr đã cạn kiệt. Dự kiến điều tiết 2 đợt về trên suối Đắk Sôr và thời gian 1 đợt là từ 12 -15 ngày, khối lượng nước dự kiến điều tiết từ 300.000 - 500.000m3/đợt.
Tùy theo tình hình thực tế có thể tăng cường thêm thời gian hoặc tăng cường thêm lượng nước về suối", ông Đại nói.
Bên cạnh đó, các địa phương đã làm việc với các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Chư Pông Krông để chủ động điều tiết nước trong mùa khô hạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận