Phóng to |
Tà áo dài trắng làm các nữ sinh trở nên duyên dáng hơn - Ảnh: MINH ĐỨC |
Kể về kỷ niệm áo dài thời học trò của mình, hoa hậu Dương Mỹ Linh chia sẻ: tuổi học trò ở quê, đạp xe đi về hàng chục cây số trong mưa, bùn... mặc áo dài nhiều khi là “cực hình” với nữ sinh. Ngoài ra ở lứa tuổi học trò, có thể học sinh chưa thể hiểu hết về nét đẹp văn hóa của áo dài.
Còn ai lưu luyến áo dài?
Nói về thực trạng chọn đồng phục ở các trường THPT trên địa bàn TP.HCM hiện nay, cô Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: “Trước đây, đại đa số các trường THPT và cả một số trường THCS trên địa bàn TP.HCM chọn đồng phục nữ sinh là áo dài trắng. Từ năm 2009, khi Bộ GD-ĐT có thông tư 26 về đồng phục lễ phục đối với học sinh và sinh viên, một trong những tiêu chí bộ nêu trong thông tư này là đồng phục đạt thẩm mỹ và phù hợp với độ tuổi học sinh. Đồng phục cũng phải phù hợp thời tiết, phù hợp và tạo thuận lợi cho học sinh trong học tập. Một yếu tố nữa khi chọn đồng phục cho học sinh là phải tính đến sự đơn giản, tiết kiệm và sự đồng thuận trong hội đồng sư phạm, đồng thuận của phụ huynh. Chính vì vậy, đồng phục trong nhà trường hiện nay đa dạng hơn. Ngoài áo dài trắng, hiện có nhiều trang phục được lựa chọn: váy - áo hoặc áo sơmi - quần tây, màu sắc cũng phong phú hơn...”.
Cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, dẫn một câu chuyện thực tế: có những học sinh rất chịu khó chăm chút khi mặc áo dài, rất ý thức việc mặc áo dài... nhưng số này không nhiều. Phần đông học sinh cảm thấy bất tiện khi mặc áo dài. Nhiều em vẫn còn tinh nghịch, thích đá cầu, chạy nhảy... Vì vậy khi được thay đổi bộ đồng phục khác, các em cảm thấy rất thoải mái, sung sướng...
Lễ phục học đường
Ở góc độ thẩm mỹ, nhà thiết kế áo dài Thuận Việt cho rằng nên giữ áo dài như một lễ phục, bởi áo dài làm cho các bạn gái duyên dáng hơn. Áo dài học sinh nên chọn chất liệu co giãn, hút ẩm tốt, không nhất thiết phải may ôm sát, cổ áo cao vừa phải, dài áo nên cách gấu quần chừng 15cm, tạo tiện lợi khi di chuyển. Gấu quần có thể ngắn hơn và hẹp hơn một chút...
Có ý kiến cho rằng nên “dẹp” áo dài trong trường học. Với ý kiến này, cô Kim Thanh đặt vấn đề lại: “Có nuối tiếc không khi thiếu vắng tà áo dài trắng trong trường học? Nên khuyến khích mặc áo dài, nhưng cần tạo thuận lợi cho học sinh và phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Trong quản lý chung, chúng tôi chỉ khuyến khích các trường cho các em mặc áo dài ngày thứ hai và ngày lễ. Thế nhưng, thực tế hiện nay nhiều trường ở TP.HCM vẫn cho các em nữ sinh mặc đồng phục áo dài suốt tuần. Tôi đi công tác nhiều trường ở miền núi, vùng sâu vẫn giữ tà áo dài trắng ngày thứ hai. Hình ảnh rất cảm xúc, đáng quý”.
Cô Dương Thu Trang chia sẻ: “Quan sát các em mặc áo dài cũng có chút thú vị. Nếu các em mặc áo dài suốt tuần thì tôi cảm thấy sự trân trọng của học sinh với áo dài sẽ giảm đi ít nhiều. Các em có thể mở cổ áo, xắn tay hoặc nhét tà áo vào lưng quần để chạy nhảy đùa nghịch cho thuận lợi. Nhưng nếu chỉ mặc ngày thứ hai để chào cờ hoặc ngày lễ, các em tỏ ra nhẹ nhàng, dịu dàng hơn, quý tà áo dài mình hơn... Áo dài không phải là trang phục bình thường. Vì vậy nên giữ đồng phục áo dài như lễ phục để học sinh mặc vào ngày chào cờ thứ hai và ngày lễ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận