Cán bộ, công chức Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế mặc áo dài dự lễ chào cờ đầu tuần - Ảnh: Sở VH-TT Thừa Thiên Huế
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của người trong cuộc và nhà nghiên cứu.
Anh CÁI VĂN LỰC (nhân viên kế toán Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế):
Nam nữ đều bình đẳng mặc áo dài
Tôi rất ủng hộ việc mặc áo dài đến nơi làm việc vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng. Bản thân tôi không thấy bất tiện, vướng víu gì cả, thậm chí rất thích mặc, bởi áo dài ngũ thân đẹp lại rất bình đẳng với chị em phụ nữ.
Lâu nay chỉ có chị em trong văn phòng mặc áo dài đi làm vào ngày đầu tuần, nay thấy anh em nam giới mặc áo dài thì các chị rất thích thú. Áo dài nam ngũ thân vừa đẹp, sang trọng vừa giữ được nét truyền thống xưa của cha ông.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ mặc áo dài, đội khăn xếp, tiếp đại sứ Australia tại Việt Nam hôm 10-7-2020 - Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA:
Nên lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp
Áo dài rõ ràng đã trở thành quốc phục và lễ phục của người Việt Nam. Tuy nhiên, khác với sự phổ biến của áo dài nữ, áo dài nam chưa được người dân sử dụng nhiều trong đời sống bình thường, thậm chí còn bị mai một dần và bị gắn cái mác cổ hũ, không mấy thiện cảm với một số người.
Việc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiên phong triển khai cho cán bộ, người lao động mặc áo dài, đặc biệt là áo dài nam, ở công sở là nhằm quảng bá hình ảnh áo dài truyền thống Việt Nam. Đây là việc làm đáng khích lệ và phù hợp với chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương bằng cơ chế đặc thù trên nền tảng bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA - Ảnh: NHẬT LINH
Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu người lao động mặc áo dài đi làm ở công sở là trái với quy định trang phục công sở là không đúng. Quyết định về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2007 ghi rõ: "khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự".
Việc mặc áo dài, đặc biệt là áo dài ngũ thân của nam giới, khi đi làm là gọn gàng, lịch sự và sang trọng, rất phù hợp với quy định trên.
Tuy nhiên, Sở Văn hóa - thể thao nên lắng nghe ý kiến của cộng đồng để có một quy định về trang phục tại cơ quan của mình cho phù hợp. Đối với nữ có thể cho phép mặc áo dài nhiều màu sắc hơn và những màu liên quan đến Huế, như tím, xanh thiên thanh...
Ông TRỊNH BÁCH (nhà nghiên cứu trang phục):
Đã mặc thì phải mặc cho đúng!
Ông Trịnh Bách - Ảnh: Tư liệu
Đàn ông mặc áo dài đi làm công sở là bình thường thôi. Ông cha ta xưa cũng đã mặc vậy đến công đường rồi. Vì vậy Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế muốn mặc mỗi tháng một lần thì tốt thôi, nhưng đã mặc thì phải mặc cho đúng.
Chiếc áo dài vải thô xanh xám của vải thanh cát mà các vị ấy mặc là không đúng, vì vải thanh cát chỉ dùng cho áo rộng. Áo dài nam từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến thời Bảo Đại đều may bằng vải đoạn, lụa hay lương màu thâm, tức màu đen.
Màu đen phù hợp với lễ nghi hoặc nơi công đường. Chỉ ngày lễ vui thì mặc cát phục. Trong trường hợp đó, vua mặc áo dài màu vàng, hoàng tử áo dài màu đỏ, nhưng quan lại thì vẫn mặc áo dài đen, theo đúng với cấp bậc của họ.
Đại sứ Phạm Việt Anh trình quốc thư của chủ tịch nước lên nhà vua Hà Lan - Ảnh: báo Thế giới & Việt Nam
Ngoài ra, cái thẻ bài mà các công chức sở này đeo cũng không đúng ở chỗ cái sợi lòng thòng bên dưới. Cái kim tòng của thẻ bài ngày xưa bện bằng sợi, hình con bướm, được đeo dấu hoàn toàn đằng sau bài. Về sau người ta không đeo cái đệm đó nữa. Bài và khánh có nguyên tắc để đeo chứ không tùy tiện được. Cũng nên nhớ là bên văn đội khăn chữ nhân, bên võ đội khăn chữ nhất.
Có người nói xưa thì vậy, nhưng nay mà mặc áo dài làm việc suốt ngày ở công sở thì bất tiện lắm. Tôi nghĩ chưa chắc bộ Âu phục comlê đã tiện hơn. Những người thợ các nghề ngày xưa hay các nữ tiếp viên hàng không ngày nay làm lụng cả ngày vẫn mặc áo dài, thì công việc văn phòng so với công việc của họ còn nhẹ nhàng hơn chứ.
Các quan chức, công chức thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa có nhiều vị mặc Âu phục đi làm, nhưng có nhiều người, như cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Nguyễn Văn Tố, vẫn luôn luôn mặc chiếc áo dài đen. Bây giờ nếu ai thấy thích hợp trang phục nào thì cứ mặc trang phục đó mà đi làm, nhưng đã mặc thì phải mặc cho đúng.
Quan chức triều Nguyễn mặc áo dài đi làm việc bên ngoài công đường - Ảnh tư liệu
Thăm dò ý kiến
Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế vừa triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động của sở này mặc áo dài trong ngày thứ hai đầu mỗi tháng. Đặc biệt, nam sẽ mặc áo dài ngũ thân. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ông TRẦN HỮU AN (chánh văn phòng Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế):
Không bắt buộc phải mặc áo dài cả ngày
Hiện sở chúng tôi mới triển khai thử nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại văn phòng cơ quan mặc áo dài tại buổi chào cờ vào ngày thứ hai đầu tháng và ngày lễ.
Sau khi chào cờ xong thì cán bộ, nhân viên có thể thay áo dài để mặc trang phục phù hợp với công việc chứ không bắt buộc phải mặc áo dài làm việc cả buổi hay cả ngày như nhiều người hiểu nhầm.
Sở sẽ cố gắng duy trì việc này và trong tương lai sẽ đưa việc mặc áo dài đến công sở vào quy định chung về trang phục của cán bộ, nhân viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận