Áo dài cách tân trên đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: VŨ THỦY |
Cách tân là làm ra cái mới trên nền cái cũ.
Cái mới bao giờ cũng dễ thu hút sự chú ý. Cái mới bao giờ cũng dễ gây ra tranh luận vì nó làm những người liên quan phải thay đổi cách sử dụng, cách nhìn thậm chí là phản ánh quan điểm sống.
Xu hướng xã hội những năm 30 là thay đổi, từ cách suy nghĩ, học hành đến tiêu thụ, thẩm mỹ với việc ra đời của hàng loạt trường phổ thông, đại học, cao đẳng, báo chí, văn đoàn. Trong bối cảnh đó việc làm cái mới được cổ vũ, áo dài cách tân thời ấy được sự ủng hộ nhiệt liệt bởi nhiều văn nghệ sỹ và người có ảnh hưởng trong xã hội.
Chiếc áo dài thời đó cũng bước ra khỏi những quan niệm thẩm mỹ thông thường: phụ nữ bỏ mặc váy mà mặc áo dài cùng quần ống dài.
Chín mươi năm sau, một số nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng đã “cách tân” cách mặc áo dài bằng cách kết hợp áo dài với váy mà không mặc quần ống dài. Thực chất đó là một sự lặp lại.
Thời trang là một vòng xoáy lặp đi lặp lại ở những cấp độ khác nhau. Chuyện hôm nay mặc quần với áo dài, mai mặc váy, ngày khác lại mặc với quần jeans, không có gì đáng ngạc nhiên. Văn hoá luôn luôn thay đổi. Thời trang là phần động của văn hóa nên thường xuyên thay đổi.
Người ta có nhiều dịp khác nhau để mặc áo dài hơn; tính chất của mỗi dịp mỗi nơi mặc áo dài cững nhiều hơn, khác nhau hơn; tính cách và nhu của người mặc cũng khác nhau và đa dạng hơn; chất liệu và màu sắc cũng phải đa dạng hơn.
Trong bối cảnh ấy cách tân áo dài xưa (vốn cũng từng được gọi là áo dài cách tân) là một việc không tránh khỏi. Trào lưu này không vi phạm thuần phong mỹ tục, hay đạo đức vì thế nó không có lỗi gì.
Một mẫu áo dài cách tân phổ biến Tết Đinh Dậu vừa qua - Ảnh: VŨ THỦY |
Điều tích cực của trào lưu mặc áo dài xuân Đinh Dậu là nó đã góp phần cổ vũ việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống (không có nghĩa là nó phải giống 100% với truyền thống, nếu không phụ nữ Việt Nam sẽ phải đi nhuộm răng, đàn ông Việt Nam phải đi xăm rồng ở đùi, rộng ra trên thế giới, đàn ông Scotland phải mặc váy, đàn ông Pháp quý tộc phải đánh phấn bột trắng và đội tóc giả khi đi ra ngoài đường).
Cũng không nên bỏ qua yếu tố quan trọng rằng càng ngày người ta càng thích đổi mới và làm điều khác biệt. Chiếc áo dài dành cho nam và nữ cho phép người ta trở nên khác biệt vì thế nó được ưa chuộng.
Đặc biệt là giá thành của các sản phẩm này không quá đắt. Cho phép người ta mặc một vài lần rồi bỏ. Một yếu tố tích cực khác từ trào lưu này đó là nó đặt bước mở đầu cho việc đưa lại chiếc áo dài nam giới như quốc phục.
Đây là điều cần thiết vì trong quá trình trao đổi văn hoá, thương mại, kinh doanh với nước ngoài trong bối cảnh khu vực hoá, toàn cầu hoá, quốc phục ngày càng trở nên một yêu cầu bức thiết cho các đoàn doanh nhân, nghệ sỹ, trí thức trong những dịp tiếp xúc này.
Thời thế đã thay đổi, áo dài cách tân xưa nay tiếp tục được cách tân là một điều hoàn toàn tự nhiên. Thời trang là thẩm mỹ, thẩm mỹ mang tính cá nhân và phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm, mức độ giao tiếp với xã hội của mỗi người.
Chính vì vậy việc tranh luận quanh những thay đổi của áo dài là điều bình thường. Điều bất bình thường là người ta lại nhân chuyện này, nhân danh văn hoá để chụp mũ và không tôn trọng người khác.
Hoa hậu Nguyễn Thị Loan trong một mẫu áo dài nền nã - Ảnh: CHANH NGUYỄN |
Chuyện cái áo dài Từ hôm tết đến nay, chuyện cái áo dài trở thành thời sự trên mạng. Tôi vốn thích mặc áo dài nên cũng ghé mắt coi trên một số trang của bạn bè và thấy chuyện không có gì đáng bàn nếu bạn thấy chuyện ăn mặc vốn là chuyện thường ngày ở huyện. Ai thích gì mặc nấy, miễn đẹp. Tuy nhiên, theo tôi, để mặc đẹp kiểu áo dài truyền thống thì khó hơn là mặc áo dài cách tân. Áo dài truyền thống hơi kén chọn dáng người. Và chỉ hợp với những dịp lễ, tết, cưới hỏi, những sự kiện có tính chất trang trọng. Trong khi đó, áo dài cách tân đơn giản hơn nhiều. Bạn có thể mặc trong bất kỳ trường hợp nào. Thậm chí đi tung tăng dạo phố cũng rất dễ chịu, chứ mặc áo dài truyền thống mà đi tung tăng thì hơi bị khó coi. Và hơn nữa, áo dài cách tân dễ phối hợp với quần, phụ kiện và giày, miễn là người mặc thấy thích và thấy đẹp là được.Khái niệm về thời trang với tôi rất đơn giản. Thời trang là cái gì mình mặc thấy thích, thấy hợp thì đó là thời trang. Vì thế áo dài truyền thống hay áo dài cách tân tôi đều thích. Điều quan trọng ở đây là người mặc phải biết phối màu áo và quần sao cho hợp. Áo dài truyền thống thì tà áo rộng và dài nên phải mặc quần dài, ống rộng thì đẹp hơn.Còn có cổ hay không cổ, tay áo dài hay ngắn tùy theo ý thích người mặc. Tôi thấy có cổ hay không cổ, tay áo dài hay ngắn, thậm chí tay ngắn cũng đẹp như thường. Còn áo dài cách tân do vạt ngắn nên mặc quần ống chật thì sẽ hợp và đẹp hơn. Thật ra áo dài truyền thống cũng đã được cải biên đi nhiều. Ngày xưa áo dài có cổ cứng và cao ba phân. Khi mặc ôm vào cổ rất khó ngọ nguậy. Cái đứa hay đi, hay chạy như tôi mà phải đứng im chừng ba phút với cái cổ áo thít chặt vào thì thà xấu xấu chút còn khỏe hơn. Giờ áo dài cổ tròn, cổ thuyền hay thậm chí còn khoét cổ rộng như áo thun, nên nhìn áo dài truyền thống có vẻ phổ thông hơn chứ không kín cổng cao tường như trước đây. Điều cần nói ở đây là đừng biến áo dài thành thảm họa thời trang như kiểu một số hình chụp gần đây đang lan truyền trên mạng. Khi đã khoác trên người chiếc áo dài, người mặc nên biết phải mặc kèm với quần gì, đi giày gì, đeo phụ kiện gì cho hợp với trang phục. Đừng mặc áo dài với quần sooc ngắn hay với cái váy đụp mà tội cho chiếc áo dài. Bản thân chiếc áo dài không có lỗi, lỗi hay ko là do người mặc nó không biết trân trọng. Xin đừng làm cho chiếc áo dài vốn đẹp đẽ, trang trọng của chúng ta trở thành một thảm họa thời trang. Mong lắm thay! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận