Chất liệu gel sinh học của chiếc áo chống đạn này có thể đảm bảo an toàn cho quân nhân và cảnh sát - Ảnh: PIXABAY
Gel sinh học chứa một loại protein được tìm thấy trong tế bào người được gọi là Talin, theo trang Study Finds.
Các nhà khoa học tại Đại học Kent (Anh) cho biết loại gel sinh học này có thể sử dụng chế tạo áo chống đạn để đảm bảo an toàn cho quân nhân và cảnh sát, cũng như bảo vệ máy bay và tàu vũ trụ khỏi các mảnh vụn bay.
"Talin là bộ giảm xóc tự nhiên của tế bào. Nó chứa một loạt miền chuyển đổi nhị phân mở ra khi có lực căng và gấp lại khi lực căng giảm xuống", giáo sư Benjamin Goult, trưởng dự án, giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã liên kết các protein Talin lại với nhau bằng nước và chất keo để tạo thành lưới. Khi một thứ gì đó chạm vào nó, năng lượng sẽ mở ra lớp vỏ để bảo vệ.
Trong các thí nghiệm, một pít tông bắn các hạt bazan nhỏ và các mảnh đạn lớn hơn vào một mẫu đặt trước một tấm nhôm. Ngay cả ở tốc độ siêu thanh 1.609m/giây, nhanh gấp đôi so với đạn súng, chất gel đã ngăn chúng lại trên đường đi.
Bước đột phá này mở ra cánh cửa cho áo chống đạn thế hệ tiếp theo.
Áo chống đạn hiện tại có mặt gốm cồng kềnh với lớp nền composite được gia cố bằng sợi. Mặc dù điều này có thể tốt trong việc ngăn chặn đạn và các mảnh vụn bay ra, nhưng nó không hiệu quả đối với động năng có thể gây ra chấn thương vật lý cho cơ thể phía sau lớp giáp.
Hơn nữa, do tính toàn vẹn của cấu trúc bị giảm sút, áo giáp truyền thống thường xuyên bị hư hại vĩnh viễn sau một cú va chạm. Các giải pháp thay thế dựa trên Talin có thể là giải pháp thay thế khả thi cho các công nghệ thông thường hiện có.
Giáo sư Goult nói: "Nó cung cấp một loại áo giáp nhẹ hơn, bền hơn, bảo vệ người mặc khỏi nhiều loại chấn thương hơn, bao gồm cả những vết thương do sốc gây ra".
Ngoài ra, loại gel sinh học này cũng có thể thay thế các loại gel được sử dụng trong công nghiệp dễ bị nóng chảy do nhiệt độ tăng. Nhóm nghiên cứu hiện đang làm việc với một công ty để phát triển loại gel này như một thành phần của áo giáp.
Nghiên cứu được công bố trên trang web khoa học bioRxiv.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận