Một bức ảnh về Việt Nam trên trang CLB Sille Sanat Sarayi |
Nhiếp ảnh có sức mạnh về quảng bá hình ảnh. Điều đó có thể thấy được qua việc ngày mỗi nhiều đoàn nước ngoài vào Việt Nam du lịch nhiếp ảnh, để rồi những bức ảnh của họ tiếp tục là “đại sứ” giới thiệu đất nước, con người... Việt Nam ra thế giới.
Đều đặn từng buổi sáng của chuyến hành trình 15 ngày xuyên Việt, đoàn phototour Thổ Nhĩ Kỳ thường thức dậy lúc 4g sáng để đi chụp lúc mặt trời lên, trước khi về khách sạn ăn sáng rồi chụp những nơi khác trong ngày.
Áo dài Việt Nam trên trang của CLB Sille Sanat Sarayi |
Nhìn đâu cũng thấy hình ảnh đẹp cho nhiếp ảnh
5g sáng ở bãi biển Nhà Mát (Bạc Liêu), khi mặt trời vùng biển Tây Nam đỏ rực đang trồi lên từ mặt biển duyên hải với những cánh quạt điện gió, nhiếp ảnh gia Phan Thanh Cường đang “hò hét” các ngư dân kéo sịp dưới bãi biển:
- Qua trái... qua trái... đi chậm lại... huốt (quá) rồi. Nhanh lên cho kịp mặt trời lên mấy anh ơi!
Trên bờ, tiếng “choạp... choạp” - âm thanh đóng màn trập của máy ảnh - sau cú bấm máy của 20 nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ do nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước và hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn vang lên liên tục.
Hình ảnh ngư dân Bạc Liêu đi sịp cá là “đặc sản” của nhiếp ảnh Bạc Liêu, trong đó có nhiều giải thưởng quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì những hình ảnh rất đẹp này trên biển Bạc Liêu mà các nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ bôn ba hàng ngàn cây số đến đây.
Hay một buổi sáng khác, khi đang chụp chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), nhóm chụp ảnh Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy một chị chèo ghe bán bún. Họ thích thú với hình ảnh đó và mời chị đến:
- Nào... nghiêng qua nè, mắt nhìn hướng này nè. Mở nắp nồi ra... Một - hai - ba!
Tiếng Nguyễn Vũ Phước hướng dẫn chị bán bún. Nắp nồi được mở ra, khói bốc lên nghi ngút một góc sông. Tiếng bấm máy lại rào rào vang lên liên tục. Năm lần bảy lượt “bị” yêu cầu như vậy mà chị bán bún ở chợ nổi Phong Điền vẫn tươi cười hớn hở, mỗi lần mở nắm vung là miệng hô: “Welcome to Vietnam... ha ha!”.
Trong lúc đoàn đang chụp ở Trà Vinh thì xảy ra đảo chính đêm 15-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi sáng sau đó, trưởng đoàn Reha Bilir nhắc:
“Trong khi tình hình đất nước rối ren, đề nghị mọi người không đưa hình cười đùa vui vẻ của chuyến đi lên mạng!”.
Reha Bilir cho biết CLB nhiếp ảnh Sille Sanat Sarayi ở Thổ Nhĩ Kỳ mà anh là chủ tịch có thành viên khắp thế giới. Họ từng tổ chức các phototour đến Morocco, Syria, Bulgaria, Hungary, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Indonesia... nhưng chưa ai biết về Việt Nam.
Họ “thấy” Việt Nam chỉ qua những bức ảnh đẹp ở các cuộc thi ảnh quốc tế. Nên khi biết CLB có chuyến đến Việt Nam, nhiều thành viên hứng khởi đăng ký.
“Mỗi buổi sáng chúng tôi đều thảo luận và tất cả hạnh phúc khi ở đây. Thức ăn, văn hóa, nụ cười thân thiện của người Việt Nam... tất cả đều làm chúng tôi hạnh phúc. Chuyến đi nửa tháng nhưng nhiều người trong chúng tôi rất tiếc không ở lại được Việt Nam cả tháng vì văn hóa, phong cảnh, con người... ở đây đều đẹp. Ở Việt Nam nơi đâu cũng có những hình ảnh đẹp cho nhiếp ảnh!” - Reha Bilir cởi mở tâm sự.
Burak Senbak - một tay máy nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ - xúc động nói:
“Tại Việt Nam, ở đâu chúng tôi cũng nhận lấy nụ cười thân thiện của người dân. Khi chúng tôi chụp hình, họ tươi cười chứ không đẩy chúng tôi ra hoặc xua tay nói: “No!” như ở Morocco, Tây Ban Nha... Điều này khiến tôi muốn mình sẽ quay lại Việt Nam sớm vào một ngày nào đó!”.
Burak Senbak (trái) và Reha Bilir trong một chuyến chụp ảnh tại Cần Thơ - Ảnh: Q.T. |
“Mỏ vàng” đồng muối Hòn Khói
Chính vì sự thân thiện của người Việt Nam, các nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ bạo dạn hẳn lên. Bất cứ ở đâu, thấy có người dân là họ đi thẳng tuột vào nhà, đưa nón cho cụ già, phụ nữ... làm mẫu chụp ảnh.
Rồi họ đưa “người mẫu” của mình ra tựa cửa, ra hiệu mắt nhìn bên này, tay để bên kia... Những “người mẫu” cũng cười vui thân thiện để hợp tác với các “ông Tây” nhiếp ảnh.
Quả thật, có một “thiên đường” ảnh đời thường không giới hạn cho các nhiếp ảnh gia này. Okan Yimaz, một thành viên trong đoàn, nhận xét:
“Tôi đã đi dọc đất nước Việt Nam. Đất nước bạn phong phú về phong cảnh, văn hóa, con người... nên ở đâu cũng có cái để chụp, ở đâu cũng có thú vị riêng mà tôi không biết dừng lại thích thú cho riêng một chỗ nào...!”.
Buổi sáng trên đồng muối - Ảnh: Reha Bilir |
Vậy nơi nào “dụ” được nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài nhất? Nguyễn Vũ Phước cho biết những đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Israel... luôn đặt ưu tiên là phải chụp đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa) trước.
Điều thú vị là nhiếp ảnh gia Ngô Đức Cần - người chuyên dẫn các phototour cho khách hàng Nhật - cũng xác nhận như vậy: “Các vị khách người Nhật của tôi khi đến Việt Nam đều đòi chụp đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa), sau đó mới đi săn ảnh đời thường ở những nơi khác!”.
Ngô Đức Cần giải thích: “Ở nước ngoài cũng có những đồng muối nhưng đã công nghiệp hóa. Còn sự độc đáo của đồng muối Việt Nam là quang gánh của diêm dân vẫn còn làm bằng tre, tạo dáng rất đẹp. Chưa kể ngoài đồng muối có nhiều hình ảnh, ánh sáng, độ tương phản... khiến du khách thích thú, thỏa sức sáng tạo!”.
Ảnh người già Chăm trên trang của CLB Sille Sanat Sarayi |
Mỗi bức ảnh là một “đại sứ”
Chuyện làm phototour ở Việt Nam không phải là mới. Trước đây có Ngô Đức Cần tổ chức những tour chụp ảnh trong nước, Huỳnh Ngọc Dân tổ chức các tour Campuchia, Đông Nam Á... Nhưng những tour dành cho người nước ngoài, mời gọi du khách đến Việt Nam gần đây có thể kể tên Nguyễn Vũ Phước làm tour cho khách châu Âu, Nguyễn Đức Cần làm tour cho khách Nhật, hoặc Thái Thanh Niên hay làm tour cho khách Trung Quốc...
Có một đặc điểm mà Nguyễn Vũ Phước và Ngô Đức Cần đều thừa nhận là khách phototour nước ngoài là khách... có tiền.
Khách hàng Israel thì đi chụp ảnh toàn máy Leica xịn của Đức. Còn khách hàng Nhật của Ngô Đức Cần là người già về hưu, tích cóp cả đời, nay có thể thuê xe xuyên Việt để thỏa mãn niềm vui chụp ảnh.
Vì “sản phẩm” của phototour là hình ảnh, nên Ngô Đức Cần cho hay người làm phototour phải biết thuê người mẫu, dàn dựng và đưa ra ý tưởng cho người chụp.
“Có người chuyên nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao nhưng cũng có người mới chụp ảnh. Nếu họ chưa rành về máy ảnh mà mình tư vấn để họ chụp được những bức ảnh đẹp, họ sẽ rất vui!” - Ngô Đức Cần cho biết. Rõ ràng để tạo ra sản phẩm phototour thì phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, không thể tay mơ.
Một buổi chụp đan lưới ở Bạc Liêu của đoàn Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Q.T. |
Còn về phần đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, trưởng đoàn Reha Bilir cho hay khi về nước ông sẽ chia sẻ mọi hình ảnh “thu hoạch” từ chuyến đi cho tất cả thành viên của CLB Sille Sanat Sarayi trên khắp thế giới.
Điều này thật bất ngờ! Bởi lẽ giờ đây mỗi bức ảnh sẽ là một sứ giả văn hóa kêu gọi những người yêu nhiếp ảnh tìm đến Việt Nam.
Nguyễn Đức Cần cho biết khách Nhật thường liên hệ với các công ty tổ chức tour nhiếp ảnh sở tại, sau đó công ty Nhật liên hệ công ty Việt Nam, công ty này mời anh và trả thù lao. Nguyễn Vũ Phước thì linh hoạt hơn, có thể những công ty tổ chức tour nước ngoài thuê anh dẫn đoàn cho họ. Để đảm bảo uy tín, họ còn kèm theo một nhiếp ảnh gia nước ngoài giỏi đi theo đoàn. Nhưng những đoàn khác có thể liên hệ trực tiếp với anh để làm tour không qua công ty trung gian. Thường thì chi phí khách sạn, đi lại, ăn uống... đều được thỏa thuận trước, trừ tiền thuê mẫu khách phải tự trả vì giá cả này có thể thay đổi từng nơi, từng thời điểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận