Chiều 13-7 (giờ địa phương), cựu tổng thống Donald Trump thoát chết trong gang tấc sau khi bị ám sát bất thành tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Butler, bang Pennsylvania.
Hung thủ sử dụng một khẩu súng trường bắn nhiều phát về phía ông Trump, trong đó có một viên đạn trúng tai phải của ông, để lại nhiều vết máu trên mặt cựu tổng thống.
Ngay sau đó, báo New York Times đã đăng tải bức ảnh cho thấy rõ đường đạn bay ngang qua mặt ông Trump do phóng viên kỳ cựu Doug Mills chụp được.
Không ít bên đã lên tiếng phủ nhận tính xác thực của bức ảnh, cho rằng máy ảnh thông thường không thể bắt được khoảnh khắc trên không của đạn súng trường, vốn di chuyển với tốc độ cực kỳ cao.
Tuy nhiên, New York Times dẫn lời ông Michael Harrigan, cựu đặc vụ FBI với kinh nghiệm 22 năm làm việc trong cơ quan này, khẳng định ông Mills hoàn toàn có thể chụp được tấm ảnh trên.
Sau khi xem bức ảnh ông Mills chụp ở độ phân giải cao, ông Harrigan giải thích: "Bức ảnh hoàn toàn cho thấy sự dịch chuyển của không khí do viên đạn tạo ra.
Góc của viên đạn trong tấm hình trông có vẻ hơi thấp để trúng vào tai của cựu tổng thống, tuy nhiên nó vẫn có thể là viên đạn nhắm vào ông Trump vì tay súng đã bắn nhiều lần".
Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Mills đã sử dụng chiếc máy ảnh kỹ thuật số Sony, với khả năng chụp lên đến 30 ảnh/giây. Ông đã chụp những tấm ảnh này với tốc độ màn trập 1/8.000 giây.
Một yếu tố khác cần kể đến là tốc độ viên đạn được bắn từ khẩu súng bán tự động AR-15, vũ khí được lực lượng chức năng tìm thấy bên cạnh thi thể nghi phạm.
Cựu nhân viên FBI Harrigan nhận xét: "Nếu tay súng bắn bằng khẩu AR-15, thì những viên đạn loại 5,56mm sẽ bay với tốc độ khoảng 975m/s khi rời nòng súng.
Với tốc độ màn trập 1/8.000 giây, điều này sẽ cho phép viên đạn di chuyển khoảng 0,12m khi màn trập mở".
Ông Harrigan nhận định thông thường máy ảnh dùng để chụp ảnh đạn bay thuộc các dòng thiết bị ghi hình chuyên dụng, với tốc độ chụp cực kỳ cao. Các loại máy ảnh này ít được dùng trong nhiếp ảnh thông thường.
Do đó việc chụp được ảnh đạn bay như trong hình là cơ hội "một trên một triệu lần chụp".
Ông Harrigan cũng thừa nhận: "Việc chụp được khoảnh khắc viên đạn xuyên qua không khí này gần như bất khả thi, kể cả khi người chụp biết trước viên đạn sắp được bắn ra. Nếu tôi không biết bối cảnh bức ảnh này, tôi sẽ không biết cái vạch trên bức ảnh là gì".
FBI công bố danh tính nghi phạm
Trong thông báo ngày 13-7 (giờ địa phương), Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết tay súng bắn ông Trump từ mái nhà bên ngoài khu vực tổ chức cuộc vận động tranh cử đã thiệt mạng.
Rạng sáng 14-7, FBI xác định nghi phạm trong vụ việc này là nam thanh niên tên Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, sống tại quận Bethel Park (bang Pennsylvania), không có tiền án tiền sự. Hiện chưa rõ động cơ thực sự của nghi phạm.
Xu hướng chính trị của người này không rõ ràng. Crooks đăng ký làm cử tri Đảng Cộng hòa tại Pennsylvania.
Tuy vậy báo cáo tài chính liên bang của chiến dịch bầu cử lại cho thấy người này từng góp 15 USD cho một tổ chức phi lợi nhuận gây quỹ tranh cử vào ngày 20-1-2021, ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden của Đảng Dân chủ tuyên thệ nhậm chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận