Khán giả lâu nay đã quá quen với nữ ca sĩ Ánh Tuyết đằm thắm duyên dáng trong tà áo dài cất giọng nữ cao hát những bài nhạc tình xưa, mà ít ai hay biết rằng ngoài đời, chị khác hoàn toàn vẻ thường thấy trên sân khấu.
Ánh Tuyết rất hài hước, và cũng rất nghịch. Gặp chị, nếu là chỗ tình thân, thì chỉ có mà no cười vì khả năng kể chuyện tiếu lâm, nói giọng 3 miền rất hài hước của chị. Hèn nào lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mỗi lần gặp luôn cười bảo: Ánh Tuyết kể chuyện tiếu lâm cho anh nghe nào!
Thậm chí, khi lên bàn mổ, trước lúc bác sĩ mổ chị cũng xin vài phút để kể chuyện cười. Người con gái “trẻ đanh” của phố cổ nớ có một lô lốc những câu chuyện vui, mà có thể kể tạm ra đây một vài chuyện có tính minh họa mà thôi.
Diva bất động sản luôn hài hước
Nói chuyện với chị một hồi, ngoài đề tài văn nghệ và chuyện hài ra thì dễ lạc qua đề tài... đất đai. Ánh Tuyết rất có duyên với bất động sản. Chị cười nếu không hát thì... cạp đất mà ăn thôi. Nhiều khi ngồi nghe điện thoại của chị mà người ta không chắc là đang ngồi với một nữ ca sĩ nổi tiếng chỉ biết hát nhạc tình không nữa. Đến độ có 1 MC thân quen đã tặng cho chị “danh hiệu” là diva... bất động sản. Có dạo, ca sĩ Quang Linh gặp cứ dài giọng ra trêu: “Em thấy nhiều kẻ chả có bao nhiêu tiền, mà lên báo, lên mạng nổ rân trời, chị phải lên báo cho chúng dân biết chị là nữ ca sĩ đại gia thứ thiệt nì. Đất đai trải rộng thinh thang như quãng cao của giọng hát chị rứa tề”.
Đã nhiều năm qua, Ánh Tuyết không chịu nhận mình già, mà là người “trẻ đanh”. Ánh Tuyết bảo người miền Trung hay nói câu già đanh, để chỉ cái sự già, chị nói người ta già đanh là chuyện thường, còn tui là trẻ đanh mới đáng nói. Trẻ đanh là không còn đường để già, cứng ngắc, là già chát bền vững. Nên nếu ai khen Ánh Tuyết trẻ so với tuổi, chị sẽ luôn đính chính như rứa.
Cây si vừa bán vừa cho
“Thời sinh viên tui nhiều người theo lắm. Tui cũng rất quậy nữa, rứa mà có nhiều người để ý đó nghe, dù tui tự nhận mình không đẹp lắm, chắc nhờ có sự duyên dáng hay răng đó mà hút con trai kinh khủng”. Ánh Tuyết kể lý do vì sao mình mắc chứng bịnh gọi là bịnh của kẻ dư ăn - thừa tình, nghĩa là khi có nhiều chàng trai trồng cây si mình thì mình dễ có tâm lý xài hơi... hoang. Kiểu người có của ăn của để là các cây si muốn tranh thủ đi làm kinh tế.
Có lúc cao điểm, có tới 4 anh trồng cây si Ánh Tuyết và không hẹn mà nên vác cây tới trồng cùng lúc, ngồi chung 1 bàn chỗ ghế đá dùng tiếp khách trước phòng nội trú. Ánh Tuyết thấy mà lo lắng. “Chết rồi, kiểu ni làm răng mà nói chuyện. Không khéo lại còn mang tiếng oan là bắt cá 4 tay. Nhưng chọn 1 người để ngồi tiếp chuyện rồi kêu mấy người kia về thì kỳ. Tui sực nhớ trong 4 cây si nớ, có 1 ông mà cô bạn học ở cùng phòng ký túc xá với mình rất thích, tui mới quyết định “nhường” cho cô bạn cái ông đó, nói bà đưa tiền đi tui nhường bạn trai cho bà. Cổ đưa tui 2 chục đồng. Tui lấy tiền “nhường bồ” nớ vừa đủ để mua ổ bánh mì với dĩa bánh bột lọc ăn ngon lành. À còn đủ tiền mua chai nước nữa. Coi như tui đã thành công trong việc sang nhượng. Còn chuyện cô bạn ra ghế đá ngồi tiếp, tán được ông nớ không thì là chuyện của bả với ổng”. Chị cười hỉ hả rồi nói tiếp: “Nhưng không phải ai tui cũng bán hết, một ông còn lại, tui “biếu không” cho một cô bạn cùng phòng khác, vì cổ cũng thích có bạn trai tới tìm nhưng nhát quá, nên thôi “tặng không”. Thấy tui uyển chuyển khi tính chuyện cây si của mình không!”.
Cái dùi trống và cái hẩy vòng 3
Có lần ở quán Nhạc Sĩ cũ (một tụ điểm âm nhạc rất nổi tiếng của Sài Gòn thập niên 1990 của các nhạc sĩ nhóm Những Người Bạn như Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Từ Huy...), Ánh Tuyết tập dợt với ban nhạc chuẩn bị cho đêm diễn cuối năm, trong đó có tay trống mới tăng cường cho ban nhạc là một người quen lâu năm. Chị nửa đùa nửa thật nói, mi đánh trống cho cẩn thận, rớt nhịp là tau đi thu hồi dùi đó nghe. Mi coi ban nhạc nữ Sinco kìa, họ chỉ có 2 dùi mà đánh rất sung đó. Mi 3 dùi, hơn người ta, thì phải đánh cho đường hoàng nghe. Tay trống cãi: “Ủa, em cũng 2 dùi chớ mấy, ở đâu ra mà 3?”. Mi đếm lại đi. “Thiệt, cũng chỉ 2, xưa giờ ai sao em vậy mà!”. Ánh Tuyết tưng tửng đáp: Không, mi có điều kiện dư dả hơn tay trống của ban nhạc nữ nhiều. Đến khi thấy nụ cười tinh nghịch của cô ca sĩ, tay trống mới giật mình cười mắc cỡ, ui chao cái chị này.
Không biết có phải bị “hù dọa” trước hay không mà tối đó tay trống hơi căng thẳng, có đánh rớt nhịp thật. Thế là Ánh Tuyết vẫn hát cho tới phần nhạc giang tấu, chị cười duyên với khán giả rồi xoay người lại, hướng về tay trống mà bước tới trong tiếng nhạc, nói: Cái dùi mi mô, tau sẽ lấy.
Tay trống hốt hoảng: Chị dám? Mắc chi ta không dám. Khán giả thấy thì sao. Khán giả sẽ không để ý mô, khúc ni họ sẽ tưởng ca sĩ quay lại dặn dò giao lưu gì đó với ban nhạc thôi. Tay đánh trống ngồi sau giàn trống mà hai chân khép chặt lại rất là hoang mang không biết cô ca sĩ nói giỡn chơi hay làm thiệt. Cũng may, vừa hết phần giang tấu, Ánh Tuyết lại xoay người, cất tiếng "Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời, vui sướng đi cao tiếng ca mừng vui reo" anh chàng đánh trống mới hoàn hồn cầm dùi mà đánh tiếp theo điệu valse của bài hát.
Với ban nhạc nữ Disco, một ban nhạc toàn các thành viên nữ nổi tiếng thập niên 1980, trong một lần trình diễn chung mà ca sĩ và ban nhạc không kịp có thời gian ráp nhạc tập chung trước, Ánh Tuyết đã thỏa thuận cái sự hiểu ý nhau bằng dấu hiệu. Rằng, khi chị đứng trên sân khấu hát, hễ đưa tay xuống thấp là ban nhạc đánh chậm, đưa tay lên cao thì chơi cao trào. Nhưng đó là khi Ánh Tuyết đứng trên sân khấu, còn khi chị tiến tới sát bìa sân khấu, 2 tay bận cầm mic, giao lưu biểu diễn với khán giả thì sao - ban nhạc thắc mắc. Ánh Tuyết nghiêm giọng nói, lúc đó mấy đứa lo ngó theo... cái mông của ta nghe. Hễ ta đứng mà hẩy cái mông lên cao là bắt đầu vô chơi cao trào, còn ta đang hát mà hạ cái mông xuống thấp là chơi chậm lại. Và thế là phần trình diễn rất suôn sẻ và ăn ý giữa ca sĩ và ban nhạc dù chưa tập trước với nhau. Ánh Tuyết còn được khán giả khen tối đó không chỉ hát mà còn trình diễn quá sung và duyên dáng, rất quan tâm đến các biểu cảm hình thể.
Ánh Tuyết cười giòn tan bảo, với ban nhạc nữ mới dám làm như rứa, chớ ban nhạc nam thì sợ bị đánh giá lắm. Buổi diễn nào cũng có 'khán giả ông xã' theo ngồi xem ở dưới nữa.
Làm thơ như Ánh Tuyết
Ánh Tuyết hay cười đó rồi than đó rồi lại cười đó. Than là chủ yếu kể về những thứ bịnh mà chị đang mang trong người. Nhưng kể với giọng điệu rất hài hước nên nghe nhẹ tưng. Ở nhà thì thôi chứ ra ngoài lúc nào chị cũng có cái túi to đùng như cái nhà thuốc di động kè kè bên: “Tui là cái đại lý tổng hợp bịnh bền vững, chừ tui ngồi đây chớ trong người ốc vít tùm lum hà”. Ngay cả giọng nữ cao nổi tiếng của Ánh Tuyết cũng được chị lý giải là từ bịnh mà ra: “Hồi nhỏ hay bị... ghẻ, má tui cứ lâu lâu lại đem ra cạo đầu mà mỗi lần như rứa tui khóc ré vang nhà vang xóm. Có lẽ nhờ được trui rèn luyện thanh rứa mà sau này tui sở hữu được cái giọng nữ cao”.
Không chỉ kể chuyện hài, Ánh Tuyết cũng rất hay làm thơ. Mùi lắm, nhưng thơ mùi thì chị cất riêng mình đọc, còn thơ kiểu Ánh Tuyết thì lâu lâu chị đem ra bắt mọi người cùng thưởng thức. Kiểu như ri:
Chiều nay thuyền ngược trên sông
Từng cơn gió mát dòng nông nắng tàn
Em vui chễm chệ ngồi ngang
Hai người hì hục chèo khan chèo hoài.
Đây là xúc cảm thi vị của một người con gái “trẻ đanh” của phố cổ sau buổi thuê thuyền du ngoạn trên sông Hoài ngày cuối năm đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận