12/11/2016 13:07 GMT+7

Anh trung tá công an “cải cách hành chính”

YẾN TRINH - LĨNH HỒNG
YẾN TRINH - LĨNH HỒNG

TTO - Xưa nay khi nhắc đến thủ tục hành chính, người ta thường ngao ngán vì sự rắc rối, chờ đợi mỏi mòn.

Trung tá Nguyễn Văn Trường (phải) cùng đồng nghiệp đến nhà làm thẻ căn cước cho ông Lương Sỹ
(88 tuổi, Q.12) bị liệt - Ảnh: LĨNH HỒNG
Trung tá Nguyễn Văn Trường (phải) cùng đồng nghiệp đến nhà làm thẻ căn cước cho ông Lương Sỹ (88 tuổi, Q.12) bị liệt - Ảnh: LĨNH HỒNG

“Trong quá trình làm việc, anh Trường là người đội trưởng tích cực, có những đề xuất có lợi cho dân như việc làm thủ tục cấp căn cước tại nhà. Đối với các thủ tục hành chính, anh Trường luôn trăn trở để cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, được dân yêu quý

Ông Lê Trương Hải Hiếu (chủ tịch UBND Q.12)

Nhưng cách làm của trung tá Nguyễn Văn Trường (46 tuổi, đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.12, TP.HCM) đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân nơi này.

Đặc biệt, 10 năm làm việc ở đội, trung tá Trường đã giúp nhiều người nghèo khó thoát cảnh không miếng giấy lận lưng và “hiến kế” đưa ra các chương trình về thủ tục hành chính có lợi cho dân.

Làm thẻ căn cước tại nhà

Gần trưa, anh Trường cùng một cán bộ bộ phận làm thẻ căn cước chở nhau đến nhà ông Lương Sỹ (88 tuổi, ở gần ngã tư An Sương, Q.12).

Bị liệt đã nhiều năm, ông Sỹ khổ sở vì giấy CMND đã quá cũ nhưng không thể tự đến Công an Q.12 làm lại.

Nhận được thông tin, anh Trường đã đem thiết bị gồm máy thu nhận dấu vân tay, máy tính, máy ảnh đến làm thẻ căn cước cho ông Sỹ. Rồi anh tự tay chụp ảnh, lấy dấu vân tay, điền thông tin cho ông cụ. Tất cả mất khoảng 10 phút.

Hỏi về lý do của việc cấp thẻ căn cước “lưu động” này, anh Trường cười xòa. Anh cho biết từ đầu năm 2016, cả nước thực hiện Luật căn cước công dân. Thay vì cấp CMND bằng cách thủ công như trước, người dân sẽ được làm thẻ căn cước bằng phần mềm chuyên dụng.

Anh Trường kể: “Trước đây khi làm CMND, chúng tôi cũng thường tới tận nhà những người già yếu, bệnh tật... chụp ảnh, lăn tay để họ khỏi phải mất công đến trụ sở công an. Nhưng cách làm căn cước lúc ấy đòi hỏi những người này phải tới chỗ chúng tôi vì chỉ có thiết bị đặt tại chỗ làm việc”.

Nhìn thấy những người già yếu, bị liệt phải ngồi taxi tốn kém, người nhà phải bồng bế vào đội để làm thủ tục cấp thẻ căn cước, anh Trường xót lắm.

Vậy là anh báo lên cấp trên về những trường hợp khó khăn này, đề xuất UBND Q.12 cấp cho đội bộ thiết bị để cấp thẻ căn cước “lưu động” cho người dân.

Anh nói với vẻ mừng vui: “Cuối cùng quận cũng đồng ý, cấp cho chúng tôi một máy thu nhận vân tay, máy tính có cài phần mềm chuyên dụng, máy ảnh”. Anh cùng các cán bộ của đội còn góp tiền mua chân đế máy ảnh để chụp ảnh cho dân không bị rung.

Từ khi có “đồ nghề” (tháng 5-2016) đến giờ, đội của anh Trường đã cấp được 31 thẻ căn cước cho bà con không có điều kiện tới đơn vị anh làm căn cước trực tiếp.

“Mỗi lần nhận được thông tin có người khó khăn nhưng cần làm thẻ căn cước, chúng tôi thường sắp xếp, tận dụng thời gian rảnh để tới tận nhà. Được cấp mấy thiết bị này đỡ cho dân vô cùng” - anh nói.

Q.12 cũng là nơi đầu tiên ở TP.HCM làm thẻ căn cước tại nhà cho người già yếu neo đơn, bệnh tật.

“Họ là công dân của quận mình”

Không riêng thẻ căn cước mà với thủ tục rắc rối nhất là hộ khẩu, với người neo đơn, không còn khả năng đi lại hoặc khó khăn, anh Trường sẵn sàng cử cán bộ đến tận nhà hướng dẫn thủ tục giải quyết về hộ khẩu.

Điều mà trung tá Trường luôn nhắc nhở cấp dưới đã được ghi thành châm ngôn làm việc của cả đội: “Không để dân chờ”.

Châm ngôn này đòi hỏi cán bộ phải giải đáp nhanh chóng khi dân đến hỏi hoặc làm thủ tục hành chính. Sau đó cán bộ phải giải quyết đúng thời hạn để trả hồ sơ, giấy tờ cần thiết cho dân để dân không phải đợi lâu.

Dù công việc của người đội trưởng là quản lý chung các lĩnh vực về công tác quản lý hộ khẩu, căn cước, quản lý hành chính... nhưng khi nào ít bận bịu hoặc chưa phải “giờ cao điểm”, anh Trường vẫn phụ giúp các cán bộ khác giải quyết hồ sơ cho dân.

Khi nhắc đến người đội trưởng, các anh công an ở đây vui vẻ cho biết anh Trường thường tới lui khu vực tiếp dân nhắc nhở anh em phải hòa nhã, lễ phép với dân.

Thượng úy Bùi Thị Minh Châu, bộ phận hộ tịch, chia sẻ: “Anh Trường thương dân lắm, gặp hoàn cảnh nào khó khăn về giấy tờ là ảnh giúp nhiệt tình. Ai tới đây muốn gặp trực tiếp là ảnh ra liền chứ không kiểu cách gì hết”.

Nhiều lần người dân nóng nảy cự cãi về thủ tục, anh Trường chịu khó đứng ra giải thích cặn kẽ, thậm chí chủ động dàn hòa khi gặp những người quá... manh động.

Ở đội của anh cũng cấm kỵ việc nạt nộ người dân. Dù có người không hiểu về thủ tục, hỏi đi hỏi lại nhưng anh dặn các anh em phải kiên nhẫn, hướng dẫn cặn kẽ từng điều khoản, từng dòng tờ khai để dân dễ thực hiện.

Anh cũng dặn dò anh em trong đội phải tạo điều kiện cho những người ở tỉnh xa đến Q.12 sinh sống có nhu cầu làm giấy tờ vì rất nhiều lý do mà họ phải sống không giấy tờ, không hộ khẩu.

Anh nói: “Tôi luôn tâm niệm rằng tất cả công dân sống trên địa bàn mình quản lý đều đáng được chăm lo. Người ta tới đây ở rồi thì là công dân của quận mình.

Khi người ta thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nhưng lại gặp khó khăn về thủ tục hành chính thì mình phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để giải quyết cho nhanh chóng”.

Trung tá Trường cho biết mình luôn trăn trở về những người không có giấy tờ tùy thân. “Họ không thể tham gia mọi giao dịch như làm bảo hiểm, xin việc làm, thậm chí không được đi học... Không ai dám nhận một người không có giấy tờ vào làm việc cả” - anh nói.

Nhiều người đã tìm đến anh, khổ sở đến tận cùng và sau đó vui sướng tận cùng khi nhận được CMND. Trong nhiều trường hợp, anh đã không ngại khó khăn tìm cách giúp họ sớm có giấy tờ tùy thân.

Có hộ khẩu sau 3 ngày

Cách đây vài ngày, anh Nguyễn Tuấn Tú (22 tuổi, Q.12) đã làm được giấy tờ tùy thân sau nhiều năm chịu cảnh không có miếng giấy lận lưng. Tú và mẹ ở trọ Sài Gòn hơn chục năm nay, mẹ lại già yếu lẩn thẩn.

Khi đến Q.12 xin việc ở một công ty may, Tú bị từ chối thẳng thừng. Tú liên hệ đội của anh Trường để làm giấy tờ, nhưng trong lòng nghĩ chắc phải đợi chờ lâu lắm. Thế nhưng chỉ ba ngày sau khi liên hệ, Tú đã có được sổ hộ khẩu và giấy hẹn lấy CMND.

“Chú Trường biết hoàn cảnh khó khăn nên đã ngồi tỉ mẩn viết bản tường trình, đơn kiến nghị giúp tôi. Chú cũng trực tiếp liên hệ với phường nơi tôi đang ở, nhờ họ nhanh chóng xác nhận nhân thân, xác nhận người bảo lãnh để có thể cấp sổ hộ khẩu và thẻ căn cước cho tôi sớm nhất”.

YẾN TRINH - LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên