02/12/2012 04:48 GMT+7

Anh: tranh cãi về dự luật báo chí

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Chính quyền Thủ tướng David Cameron đang bị chia rẽ khi quyết định về tương lai của báo chí Anh sau khi Ủy ban điều tra báo chí Leveson đề xuất một luật báo chí mới.

SimLTM7v.jpgPhóng to

Những người biểu tình hóa trang thành ông trùm truyền thông Rupert Murdoch (trái) và Thủ tướng David Cameron đứng bên ngoài tòa nhà nơi thẩm phán Brian Leveson công bố báo cáo điều tra về những sai phạm nghề nghiệp của báo chí Anh ngày 29-11-2012 - Ảnh: Reuters

Báo cáo của thẩm phán Brian Leveson dài gần 1.000 trang được đưa ra sau đợt điều tra từ tháng 7-2011 về những bê bối trong báo chí Anh, đặc biệt là vụ nghe lén của tờ News Of The World (hiện đã đóng cửa) thuộc sở hữu của trùm truyền thông Rupert Murdoch. Ủy ban điều tra đề xuất lập một cơ quan tự quản lý, hoạt động độc lập với sự hỗ trợ của luật mới.

Theo đề xuất, cơ quan này hoạt động độc lập với chính phủ và giới báo chí, có quyền phạt các tờ báo tới 1% tổng doanh thu mỗi năm, hoặc 1 triệu bảng Anh nếu vi phạm “nghiêm trọng và có hệ thống” các tiêu chuẩn đạo đức báo chí. Cơ quan này cũng có quyền yêu cầu báo chí xin lỗi. Tờ báo có thể chọn lựa chịu sự điều chỉnh của cơ quan này hay không, nhưng trong trường hợp không tham gia mà vi phạm thì sẽ do Ofcom (Cơ quan kiểm soát cạnh tranh độc lập cho ngành truyền thông Anh) trực tiếp điều chỉnh. Thẩm phán Leveson đã đề nghị phải có dự luật mới để hỗ trợ cơ quan mới này. Dự luật đó chính là điểm gây tranh cãi.

Chính phủ chia rẽ

Thủ tướng Anh David Cameron lập tức lên tiếng cảnh báo dự luật này có thể đe dọa tự do báo chí. Ông thừa nhận hầu hết những kết luận mà báo cáo của ủy ban đưa ra sau khi ủy ban này đã tham khảo lời khai, trao đổi từ nhà báo, chính trị gia, những người nổi tiếng là nạn nhân của những hành vi xâm nhập trái phép của báo chí. Thế nhưng, ông cho rằng một luật báo chí mới có thể đưa nước Anh tụt lại quá khứ, bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Quan điểm của ông lập tức bị phản đối, trong đó có diễn viên Hollywood điển trai Hugh Grant - nạn nhân những vụ nghe lén của báo lá cải. Phó thủ tướng Nick Clegg đồng thời là lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do, một đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền do Đảng Bảo thủ dẫn đầu, lại tuyên bố tham gia vào Công Đảng đối lập và ủng hộ luật báo chí do Ủy ban điều tra báo chí Leveson đề xuất. Ông Nick Clegg cho rằng dự luật là cần thiết để đảm bảo tính độc lập của cơ quan giám sát báo chí mới.

Báo chí Anh hiện đang hoạt động theo cơ chế tự điều chỉnh, tự quản lý, dưới sự kiểm soát của Ủy ban khiếu kiện báo chí. Đây là cơ quan có sự tham gia của biên tập viên các tờ báo. Tuy nhiên, cơ quan này đang bị chỉ trích là hoạt động không hiệu quả và phải chịu trách nhiệm một phần vì những vụ bê bối vừa qua của báo chí Anh khi không xử phạt được các nhà báo có hành vi quấy nhiễu, xâm phạm sự riêng tư và nghe lén hộp thư thoại của công dân.

n5RoBuzm.jpgPhóng to

Phó thủ tướng Anh Nick Clegg đã phản đối Thủ tướng David Cameron (phải) khi cả hai có quan điểm khác nhau về đề xuất một luật báo chí mới của thẩm phán Brian Leveson tại London ngày 29-11-2012 - Ảnh: Reuters

Dư luận tranh cãi

Báo chí Anh đã công khai chấp nhận đề xuất cần phải có một cơ quan giám sát báo chí có quyền lực hơn, nhưng cũng đã đoàn kết lại để phản đối việc đưa ra luật mới để hỗ trợ cơ quan này hoạt động. Alan Rusbridger, tổng biên tập tờ Guardian, công nhận các thành viên trong cơ quan giám sát mới không thể được nhặt ra từ chính “câu lạc bộ” của các thành viên Ủy ban khiếu kiện báo chí cũ.

“Trong đề xuất của Leveson, có rất nhiều điều tốt hơn so với cơ quan giám sát báo chí hiện nay, hay một cơ quan do báo chí đề xuất” - ông nhấn mạnh. Vì vậy, trách nhiệm của báo chí Anh bây giờ là phải chứng minh rằng họ có thể tự tạo ra một cơ quan giám sát mạnh hơn mà không cần phải có sự tham gia của luật mới. Nhưng, điều này lại không dễ thực hiện.

Gerry McCann - cha của cô bé Madeleine McCann bị mất tích và cũng là nạn nhân của các hành vi nghe lén của báo chí - cho rằng luật mới là cần thiết để đảm bảo bất kỳ một cơ quan quản lý báo chí mới nào cũng sẽ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng văn hóa Maria Miller lại cho rằng bà không tin luật mới sẽ khiến cơ chế độc lập giúp điều chỉnh báo chí hoạt động thành công. Thay vào đó, bà cho rằng báo chí Anh phải nhanh chóng đồng ý thành lập một cơ quan giám sát độc lập mới.

Độc giả Christopher Hutchings ở London viết trên tờ Independent: mấu chốt tranh cãi không phải là chuyện bảo vệ tự do báo chí trước sự kiểm soát của nhà nước. Cách duy nhất để tạo ra một cơ quan giám sát báo chí độc lập, giúp phục hồi niềm tin của công chúng với báo chí là thành lập ra một cơ quan kiểm soát báo chí mới không do báo chí hỗ trợ tiền hoạt động, không quy tụ những thành phần cốt cán là những tổng biên tập hay những chính trị gia, và cơ quan đó có quyền điều chỉnh với bất kỳ cơ quan báo chí nào.

Để đảm bảo tính độc lập của báo chí trong xã hội, các tổ chức báo chí quốc tế và các hiệp hội nghề nghiệp báo chí trên thế giới đều kêu gọi thực hiện cơ chế “tự giám sát, tự điều chỉnh” đối với các tờ báo nhằm tránh sự can thiệp của cơ quan công quyền.

Nếu Anh vẫn cứ tiến hành xây dựng luật, đây sẽ là luật báo chí đầu tiên kể từ thế kỷ 17 ở xứ sở sương mù vốn được coi là điển hình của tự do báo chí thế giới và báo chí vốn chỉ chịu sự điều chỉnh của các luật khác trong xã hội.

Nhóm Bàn tròn quy định truyền thông - với sự tham gia của các học giả, luật sư, các nhà báo - lại đề xuất thành lập Cơ quan Tiêu chuẩn truyền thông có sự hỗ trợ của các quy chế khác. Đây sẽ là một hệ thống quản lý vừa để “bảo vệ sự riêng tư, quyền về danh tiếng của mỗi cá nhân”, nhưng cũng cho phép báo chí được xuất bản những thông tin “về những vấn đề phù hợp với lợi ích của công chúng”.

Chẩn bệnh đúng, bốc thuốc sai

Dean Wright, cựu biên tập viên của Reuters và là cố vấn biên tập cho Mạng báo chí đạo đức (EJN), nhìn nhận:

Đề xuất thành lập một cơ quan độc lập, tự quản lý theo luật báo chí mới là một gợi ý nguy hiểm và không cần thiết. Vì luật mới này có thể mở cửa cho một cơ quan mạnh hơn về quản lý báo chí của các chính phủ trong tương lai, có thể không giống như những gì mà ta nghe nói hiện nay... Luật mới cũng không cần thiết khi đã có sẵn luật chống đánh cắp thông tin, nghe lén điện thoại, hối lộ nhà chức trách. Đã đến lúc phải thực thi những luật này một cách mạnh mẽ để chống lại những cơ quan báo chí vi phạm. Đã đến lúc báo chí Anh phải tạo ra cơ quan theo dõi độc lập. Trong báo cáo Leveson cũng đã chỉ rõ hai ranh giới giữa “báo chí và Internet” - điều này thật khó chịu. Khi đưa ra chi tiết về những lỗ hổng trong báo in, Leveson cũng nói về “khoảng trống đạo đức” trên Internet. Những cây viết vô đạo đức, dễ bị mua chuộc đang hoạt động ở cả báo in, báo hình và trên Internet. Những cây viết đạo đức, thành thật cũng vậy. Thái độ đạo đức không bị quyết định bởi phương tiện mà nhà báo hành nghề. Tình trạng này là do thiếu luật hay thực thi luật hiện tại một cách kém cỏi?

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên