Kiều Minh Tuấn (trái, vai Phong) và Isaac (vai Lâm) trong phim Anh trai yêu quái - Ảnh: ĐPCC
Làm lại từ bản gốc My Annoying Brother (Hàn Quốc), nhưng khác với bản gốc chỉ tập trung tối đa vào mối quan hệ của hai anh em trai, bản phim Việt đào sâu hơn về tình cảm gia đình.
Phim kể về người anh ra tù, về nhà chăm sóc cậu em là vận động viên Judo bị mù vì chấn thương trên sàn đấu. Kiều Minh Tuấn (vai người anh - Phong) và Isaac (vai em trai - Lâm) đều diễn đầy cảm xúc, lại có tương tác rất tốt.
ANH TRAI YÊU QUÁI - OFFICIAL MAIN TRAILER
Tình anh em đích thực khiến đàn ông tốt đẹp hơn
Tác giả Jonathan Mead từng viết trên trang Art of Manliness về việc anh hỏi bạn bè mình: "Thiếu sót điều gì sẽ ngăn bạn trở thành người đàn ông đích thực?". Câu trả lời khá bất ngờ, không phải thiếu định hướng hay tình yêu, mà là "thiếu tình anh em". Tình anh em, hay tình bạn giữa đàn ông, là cột trụ vững chắc giúp họ phát triển nhân cách và trưởng thành.
"Tình anh em đích thực giúp họ trở thành những người đàn ông tốt hơn", Mead tổng kết. Vì vậy trong lịch sử, đàn ông luôn tìm đến nhau, cạnh tranh, chửi thề, đánh nhau, lăng mạ nhau nhưng đồng thời khích lệ, dẫn dắt và hỗ trợ lẫn nhau. Đó chính là quá trình họ trưởng thành.
Những bộ phim về tình anh em cũng làm nức lòng khán giả khi khắc họa sâu sắc mối quan hệ phức tạp, đa chiều nhưng rất hấp dẫn này.
Điện ảnh rất thích khai thác sự đối lập giữa các cặp anh em, để rồi làm bật lên tính nguồn cội và tình cảm gia đình: Michael - Sonny trong The Godfather, Gilbert và Arnie trong What’s Eating Gilbert Grape? hay thậm chí Thor và Loki trong loạt phim Marvel...
Có quan điểm cho rằng phim làm lại không phải là "sao chép y nguyên phim gốc", mà là "chuyển thể phim từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác". Hiểu theo nghĩa này, bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã thành công trong "chuyển thể" My Annoying Brother trở thành một bộ phim Việt, có cảm giác Việt đậm nét và có kiến giải riêng về tình anh em.
Mối quan hệ của hai anh em cùng cha khác mẹ trong Anh trai yêu quái được xây dựng với câu chuyện nền tảng (backstory) đầy sức nặng là bi kịch gia đình khiến họ mất cả cha lẫn mẹ. Đây cũng là điểm khác biệt tích cực so với bản gốc.
"18 tuổi, một mình tôi chôn cất cha mẹ. Đối với tôi, kể từ đó ông cũng chết luôn rồi", lời Lâm nói cho thấy rõ hố sâu tình cảm quá lớn giữa hai anh em. Vì những lời đồn ác ý và hiểu lầm đáng tiếc, họ bị chia tách khi còn nhỏ. Cả hai lớn lên như những người xa lạ, không hề muốn đoàn tụ. Khi ra tù, Phong chỉ định về sống tạm bợ trong căn nhà của Lâm, đợi hết hạn quản thúc sẽ rời đi.
Cả Phong và Lâm đều chỉ thực sự trưởng thành khi mỗi người hóa giải được những khúc mắc quá khứ với người anh em của mình. Mối quan hệ của họ từ thù hằn và chịu đựng nhau chuyển thành tình anh em gần gũi, bền chặt, lành mạnh và vui vẻ chung sống.
"Có anh hai đây rồi, không việc gì phải sợ", Phong hai lần nói với Lâm điều này. Nếu lần đầu chỉ là đùa cợt để thuyết phục người em bán nhà thì trong lần hai, câu nói hoàn toàn chân thành. Đó là giá trị của tình anh em nói riêng và tình cảm gia đình nói chung: cho người ta chỗ dựa vô hình nhưng vững chãi về tinh thần, không gì quật ngã nổi.
Đàn ông có quyền rơi nước mắt
"Đàn ông sao phải khóc?", Phong nói với Lâm câu này khi thuyết phục em trai luyện tập để thi đấu ở thế vận hội Paralympic. Nhưng câu nói này không đi vào lối mòn như nhiều người nghĩ, bởi chính Phong, trước và sau đó, cũng nhiều lần rơi nước mắt. Anh hiểu và trân trọng giọt nước mắt của Lâm, và nói câu đó như một sự dỗ dành.
Khán giả nhận xét Anh trai yêu quái để nhân vật khóc quá nhiều và phần cuối như ngập trong nước mắt. Cách xử lý này có người cho là ủy mị, có người cho là xúc động. Nhưng điều đó vẫn khẳng định lại một thông điệp: đàn ông có quyền rơi nước mắt cho những điều họ trân quý.
Bên cạnh đó, đàn ông có quyền rơi nước mắt khi cảm thấy sợ hãi và cô độc. Trước áp lực trở lại thi đấu trong tình trạng khuyết tật, Lâm nằm gập người trên sân tập, khóc và thú nhận với Phong: "Tôi sợ lắm". Sau đó, khi được em trai hỏi thăm, Phong dứt bỏ mọi kìm nén trước đó và cũng òa khóc qua điện thoại: "Đau lắm, đau không ngủ được".
Với những tình tiết như vậy, Anh trai yêu quái vượt ra ngoài khuôn khổ một phim tâm lý, hài hước nhẹ nhàng mà nhìn sâu vào tính cách đàn ông và tình anh em.
Năm 2016, tạp chí Time nhận định đây là thời đại định hình lại các giới tính. Khắp nơi, nữ giới được khuyến khích thể hiện sự chủ động, mạnh mẽ và sẵn sàng rũ bỏ những ràng buộc truyền thống. Nhưng theo Time, đàn ông cũng cần được khuyến khích thể hiện sự mềm mại, yếu đuối và khả năng chăm sóc người khác vì điều đó không hề đáng hổ thẹn.
Đặt cạnh nhận định đó, Anh trai yêu quái rất hợp thời và nhân văn. Khán giả Việt cần thêm những bộ phim về tình anh em như vậy.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Phim tốn tiếng cười và nước mắt quá.
Diễn viên Song Luân: Anh trai yêu quái là một bộ phim remake xuất sắc. Tôi đã xem bản gốc và khi xem bản Việt, tôi tìm thấy một cảm xúc hoàn toàn mới và cuốn hút ngay từ đầu.
Khán giả Ly Mai: Phim chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn mà không hề giáo điều. Một thông điệp quan trọng theo tôi là người lớn nên để ý đến lời nói với trẻ con, vì chỉ một câu nói đôi khi có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời của đứa trẻ.
Khán giả Kelvin Tống: Tương tác giữa Kiều Minh Tuấn và Isaac làm khán giả tin họ chính là hai anh em thật sự. Anh trai yêu quái chính là minh chứng cho thấy phim Việt vẫn có những tác phẩm chỉn chu và xứng đáng được ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận