Người dân chờ tiêm vắc xin ở Jakarta, Indonesia, ngày 10-6. Việc tiêm ngừa ở các nước nghèo vẫn đang bị các nước giàu hơn bỏ xa - Ảnh: REUTERS
"Tại hội nghị, các lãnh đạo thế giới dự kiến công bố rằng họ sẽ cung cấp ít nhất 1 tỉ liều vắc xin chống virus corona chủng mới cho thế giới và lập ra kế hoạch mở rộng sản xuất vắc xin để đạt mục tiêu đó" - Hãng tin AFP ngày 11-6 dẫn tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Hội nghị G7 kéo dài 3 ngày sẽ bắt đầu từ ngày 11-6 tại vịnh Carbis của Anh.
Trước đó, ông Johnson đã kêu gọi nhóm các nền kinh tế G7 tham gia giúp tiêm ngừa COVID-19 cho toàn thế giới trước cuối năm 2022. Riêng Anh dự kiến sẽ quyên góp ít nhất 100 triệu liều vắc xin trong năm sau.
Có mặt tại Anh để tham dự hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Washington sẽ mua 500 triệu liều vắc xin cho 92 quốc gia nghèo có thu nhập thấp trên thế giới.
Nhiều nước châu Âu cũng đã cam kết tài trợ 100 triệu liều vắc xin, trong đó Pháp, Đức sẽ cho đi khoảng 30 triệu liều.
Việc tiêm ngừa COVID-19 hiện đang tập trung chủ yếu ở các nước giàu khi Mỹ, châu Âu, Israel và Bahrain đang vượt xa tất cả các nước khác. Thế giới hiện có 2,2 tỉ người đã được tiêm ngừa trên tổng cộng 8 tỉ dân, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Tuy nhiên, nhóm vận động cho rằng các cam kết trên vẫn chỉ như hạt cát trên sa mạc và kêu gọi đẩy nhanh hành động. Tổ chức chống đói nghèo Oxfam ước tính gần 4 tỉ người đang phụ thuộc vào chương trình chia sẻ vắc xin COVAX để được tiêm ngừa COVID-19.
"Nhóm G7 nhắm đến cung cấp 1 tỉ liều vắc xin có thể được coi là một mức rất tối thiểu, và khung thời gian cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Chúng ta đang chạy đua với con virus này và cuộc đua càng dài thì nguy cơ càng cao sẽ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn, sẽ phá hoại tiến trình toàn cầu" - Lis Wallace, nhà hoạt động của nhóm ONE, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận