Anh Võ Xuân Tâm (áo trắng) bàn giao người bị lạc cho gia đình - Ảnh: FACEBOOK
Hẹn từ sáng sớm, nhưng phải đến hơn 18h chiều, chúng tôi mới có thể gặp được chàng thợ trẻ Võ Xuân Tâm (25 tuổi, nhà ở xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Nhắc đến chuyện mình "đốn tim" cộng đồng mạng với hành động đẹp khi đưa một phụ nữ 65 tuổi lạc đường trở về với người thân, Tâm cười hiền khô, mắt díu lại: "Có chi mô"!
Lạc mẹ trong khoảnh khắc
Cuối ngày 10-7, trên các trang mạng, Facebook và diễn đàn chiếm đông đảo thành viên tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện một status được chủ nhân ghim liên tiếp.
Thời khắc cuối ngày, những dòng tin trên mạng đó dễ bị trôi lấp bởi sự vội vã thường có. Nhưng không. Ít nhất ở một gara ôtô nhỏ, một chàng thợ trẻ trong khoảnh khắc ngồi nghỉ ngơi trên đống dầu mỡ đã dừng ngón tay trên màn hình đẻ chụp lại dòng status đó.
Vị chủ nhân đăng mẩu chuyện đó nói rằng người thân của anh - một phụ nữ 65 tuổi lẫn đẫn, lúc nhớ lúc quên trong lúc đi xe buýt từ Quảng Ngãi ra TP Đà Nẵng đã lạc con. Giữa thành phố rộng lớn đó, bà có thể đã mất phương hướng, nếu không tìm được bà trong ngày, rất có thể sẽ lành ít dữ nhiều.
Anh Phạm Thanh Tâm - người đăng status trên các trang mạng để tìm mẹ mình là Phạm Thị Huê (sống cùng vợ chồng anh tại quận Sơn Trà) kể rằng quê của hai mẹ con tại Quảng Ngãi.
Dù đã đưa mẹ ra Đà Nẵng từ nhiều năm nay, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn chở mẹ bằng xe máy về quê tại Quảng Ngãi để mẹ thăm thú. Trưa 10-7, khi xong việc thì hai mẹ con ngồi trên một xe máy để trở lại Đà Nẵng.
"Đi được một đoạn thì trời nắng quá, tôi sợ mẹ đau nên ngoặt xe chở mẹ lên bến xe TP Quảng Ngãi để mẹ đi xe buýt. Còn tôi thì chạy xe máy theo sau" - anh Tâm kể.
Anh Phạm Thanh Tâm kể lại câu chuyện đẹp mà anh được trực tiếp chứng kiến - Ảnh: B.D
Anh Tâm cho biết mẹ mình mắc chứng đãng trí, lúc nhớ lúc quên nên khi đưa mẹ lên xe anh cũng đã báo cho tài xế biết rằng khi tới Đà Nẵng thì cho bà xuống tại cây xăng Thái Lộc trên đường Trường Chinh, đoạn ngay cầu vượt Ngã ba Huế.
Đinh ninh mọi việc sẽ diễn ra như ý mình, hơn 15h khi đã chạy xe máy về đến nhà riêng tại Đà Nẵng, anh nhận được điện thoại của tài xế. Tuy nhiên lúc người này thông báo thì anh Tâm nói rằng mình đang ở cách vị trí xe trả khách quá xa.
"Tôi chạy lên đó cũng phải mất ít nhất 15 phút. Tôi cố gắng chạy thật nhanh lên nhưng không thấy mẹ tôi ở đó nữa. Người như tụt huyết áp, mọi thứ tối sầm. Tôi biết chắc mẹ đã đi lạc rồi" - anh Tâm kể.
Cố gắng dùng mọi cách để tìm kiếm vị trí nơi mẹ mình đang đứng, anh Tâm chỉ nhận được những cái lắc đầu. Anh chạy băng qua đường sắt, vào sâu các ngõ hẻm, hốt hoảng hỏi người đi đường về hình dạng một cụ bà mặc áo màu đỏ, mắc chứng đãng trí. Nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả.
"Tôi gọi điện về cho mấy người thân ở Đà Nẵng thông báo đã lạc mẹ. Mọi người hoảng hốt, rủ nhau lùng sục cả thành phố để đi tìm. Mẹ tôi đã yếu, lại đãng trí nên chắc chắn sẽ không thể tự biết đường về.
Tôi vào đồn Công an nhờ sự trợ giúp, rồi bảo anh em vào các diễn đàn mạng xã hội có đông thành viên tại Đà Nẵng để thông báo tìm người bị lạc. Tôi cố gắng tìm hi vọng từ mọi thứ nhỏ nhất, nếu qua đêm không thấy mẹ thì tình hình sẽ rất tệ" - anh Phạm Thanh Tâm kể.
Cú điện thoại bất ngờ
Anh Tâm cho biết tới 21h đêm, dù được công an các phường hết lòng giúp đỡ, bình xăng của từng chiếc xe máy đã cạn khô sau mấy giờ rảo tìm kiếm trên toàn thành phố Đà Nẵng mà không có kết quả, nên việc tìm kiếm được tạm ngưng lại.
"Mấy anh chị em tôi hẹn nhau đến một quán vỉa hè để ngồi ăn, lấy lại sức rồi tiếp tục chia nhau đi tìm. Mọi người bảo chắc chắc mẹ đã lạc đâu đó và việc tìm kiếm sẽ phải kéo dài suốt đêm" - anh Tâm nói.
Câu nói vừa dứt thì chiếc điện thoại trong túi quần của anh chợt bừng sáng, anh Tâm run lên khi thấy số lạ gọi đến. "Có phải anh có mẹ bị lạc không? Tôi đang giữ bà ở đây, nếu chính xác là mẹ anh thì anh ở đâu tôi chở đến" - giọng nói của thanh niên gốc Quảng Nam vang lên bên kia đầu dây.
Tin đến như sét đánh, sau khi hỏi vài ba câu để "kiểm tra", anh Tâm biết chắc mẹ mình đã được tìm thấy. Và người báo tin đó không phải lực lượng chức năng, không phải người thân thích mà là một anh thợ trẻ.
Anh Phạm Thanh Tâm nói rằng vị trí mẹ của anh đi lạc cách nơi bà xuống xe buýt gần chục cây số.
"Có chi mô" - chàng thợ trẻ Võ Xuân Tâm nói về việc giúp người của mình - Ảnh: B.D
Dù sẩm tối, nhưng khi thấy một bà cụ đi lẩn thẩn trên đường với dáng vẻ bất thường, anh thợ trẻ Võ Xuân Tâm đã rề xe máy theo và ra tay "giải cứu". Khi tiếp nhận tin, người thợ trẻ đã đưa bà cụ vào một quán cà phê gần đó và đọc địa chỉ để người nhà tới.
"Tìm được mẹ, mấy anh em chúng tôi mừng phát khóc. Thật xui xẻo là lâu nay biết mẹ mình đãng trí nên tôi đã làm một sợi dây, móc số điện thoại và quàng sợi dây chuyền đó vào cổ để lỡ mẹ có lạc thì sẽ có người gọi. Nhưng hôm đó khi về Quảng Ngãi không hiểu sao tôi lại tháo sợi dây chuyền ra. Mọi việc cũng vì thế mà phức tạp thêm" - anh Tâm nói và không ngớt lời khen về hành động đẹp của chàng thợ trẻ.
"Ở Đà Nẵng chúng tôi cảm nhận được tình người"
Khuya 10-7, quá xúc động với sự nghĩa hiệp của chàng thợ trẻ Võ Xuân Tâm, những người thân của cụ Phạm Thị Huê đã đăng những lời tri ân đầy xúc động cám ơn người Đà Nẵng: "Chúng tôi cám ơn người Đà Nẵng, cộng đồng mạng và đặc biệt là bạn Tâm ở Điện Tiến đã giúp chúng tôi tìm được người thân. Qua đây chúng tôi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về môi trường Đà Nẵng, thành phố này đã nuôi dưỡng và trân trọng những nỗ lực làm đẹp hình ảnh con người Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó là sự hồn hậu, chân thành hiếm gặp".
Con trai của bà Huê là Phạm Thanh Tâm cho biết anh từng sống, làm việc ở nhiều nơi nhưng nay vợ chồng anh coi Đà Nẵng là quê hương thứ hai, quyết định đưa mẹ ra phụng dưỡng hết quãng đời còn lại.
"Ở thành phố này điều chúng tôi dễ cảm nhận nhất là sự thân thuộc, chất phác theo kiểu người Quảng. Không có cảm giác mất an toàn như nơi khác, dù anh có là người đi ở trọ hay là người giàu có thì cũng được đối xử bình đẳng, chân thành giống nhau. Tôi đi ở trọ, khi mới ra cho tới nay tôi không nghĩ rằng ở Đà Nẵng này người ở trọ lại được chủ trọ đối xử thân thương như thế. Việc tôi tìm được mẹ cũng từ sự ân tình, thuần hậu, cư xử tốt với nhau như thế" - anh Tâm nói.
"Nhà xa nhưng hàng ngày tôi vẫn đi về, công việc cũng như môi trường sống rất hiền hoà. Cuối ngày rời khỏi xưởng, anh em chúng tôi lại la cà mấy quán cà phê, làm vài cốc bia trong sự bình an. Không ai đối xử tệ với ai cả. Thành phố này thực sự đáng mến và ai sống ở đây cũng cảm nhận thấy mình phải điều chỉnh hành vi, thấy làm được gì tốt thì cứ làm cho mọi người" - Chàng thợ trẻ Võ Xuân Tâm Tâm nói.
"Có chi mô"!
Võ Xuân Tâm cho biết anh làm thợ sửa ôtô tại gara nhỏ trên khu vực Hoà Cầm. Vì nhà ở cách nơi làm 10km nên hằng ngày anh vẫn đi xe máy để tới chỗ làm và trở về.
Về việc tìm thấy bà Phạm Thị Huê đi lạc, Tâm kể rằng buổi chiều lúc ngồi nghỉ ngơi anh thấy dòng thông báo tìm người bị lạc trên Facebook. Biết chắc rằng mọi con mắt, mọi sự chú ý có thể sẽ giúp được người lạc mẹ nên anh lưu dòng status đó lại.
"Hơn 21h, khi đang chạy xe về nhà, qua đến xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thì tôi thấy bà Huê lang thang bên đường. Hỏi mấy câu thì bà trả lời ú ớ, nói như người mất trí. Tôi mở điện thoại ra thì thấy bộ dạng giống với người đang bị lạc được rao tìm trên Facebook nên tôi bảo bà ngồi lên xe, vào quán cà phê gần đó để gọi cho người thân".
Nói về sự nhiệt tình, nghĩa hiệp của mình đã giúp một gia đình đoàn tụ, chàng thợ trẻ Võ Xuân Tâm gãi đầu, cười híp mắt: "Có chi mô. Ai thấy cũng phải rứa chứ hổng lẽ bơ đi?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận