Anh Nguyễn Thanh Tâm - chủ đại lý vé số Thiện (bên trái) - vừa quyết định hỗ trợ 50.000 đồng/ngày đến hết 15 ngày cho những người bán dạo khó khăn - Ảnh: CHÍ HẠNH
Đó là anh Nguyễn Thanh Tâm, 34 tuổi - chủ đại lý vé số Thiện, ở phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online chiều 30-3, anh Tâm cho hay: "Hôm qua, khi hay tin Nhà nước sẽ dừng phát hành vé số trong 15 ngày, tui lo lắm, cứ vò đầu bứt tóc nghĩ cho ra cách hỗ trợ người nghèo. Bởi vì trong số họ có người đã gắn bó với mình kể từ thuở cơ hàn...".
"Trả lương" cho người bán dạo
Gọi là đại lý, nhưng đó là nhà riêng của anh Tâm nằm ẩn sâu trong một con hẻm nhỏ, bao quanh là vườn cây ăn trái. Mỗi ngày anh chỉ bỏ mối cho khoảng 30 người bán vé số dạo thân quen và đa số đều là người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
"Lúc trước mối đông tôi bỏ một ngày cả trăm triệu tiền vé, giờ chắt lọc lại còn chừng 30 người, với khoảng 3.000 vé. Mối của tôi đủ thành phần, từ dân ở trọ, học sinh rồi có cả những người già đến 70 tuổi. Cũng có người phải gồng gánh mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo để nuôi nhiều miệng ăn.
Có gắn bó với họ lâu mình mới hiểu, mất thu nhập một ngày là cả một vấn đề lớn, chứ chưa nói là 15 ngày hay lâu hơn nữa. Lúc mới nảy sinh ý nghĩ hỗ trợ tiền tôi chỉ tính hỗ trợ cho 15 người, nhưng nghĩ kỹ hơn thì làm vậy kỳ lắm. Do đó tôi mới tuyên bố chiều hôm qua sẽ hỗ trợ tất cả mọi người, với số tiền 50.000 đồng/ngày/người cho đến hết 15 ngày như Nhà nước thông báo" - anh Tâm cho biết.
Những người dãi nắng dầm mưa đi bán vé số dạo, ngoài việc kiếm tiền mưu sinh họ cũng giúp duy trì nguồn thu cho các đại lý - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ước tính trong 15 ngày hỗ trợ chi phí cho người bán vé số dạo anh Tâm mất khoảng 22 triệu đồng, đồng thời anh cũng mất thu nhập. Hiện tại tiền lãi bỏ mối vé số của đại lý anh Tâm cũng chỉ khoảng từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ngày.
Dự kiến kể từ ngày 1-4, vào lúc 16h mỗi ngày, anh Tâm sẽ phát tiền hỗ trợ cho người bán vé số dạo tại đại lý. Nếu ai ốm đau, khó khăn thì sẽ được trợ giúp gạo, thực phẩm và kinh phí khám bệnh.
"Khi tôi tuyên bố hỗ trợ tiền cho người bán dạo, có nhiều đại lý cũng bắt đầu cà khịa vì cho rằng làm vậy sẽ bị người dân ôm vốn. Nhưng với tôi thì khác, những người bán đã gắn bó với tôi từ thuở cơ hàn, tôi hiểu rõ từng người một.
Mình làm vậy cũng như là một cách trả ơn, một phần giúp người nghèo ở nhà tránh dịch vì họ luôn đối diện với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm khá cao. Trước mắt là hỗ trợ đến 15-4, còn nếu kéo dài nữa mình mới tính tiếp. Nếu căng quá thì tôi sẽ kêu gọi bạn bè cùng chung tay trợ giúp" - anh Tâm chia sẻ.
Cho lấy vé thiếu, góp ngày
Khi chia sẻ về lý do đồng hành cùng người bán vé số dạo, anh Tâm cho biết thêm mình cũng từng có một thời cơ cực, nhà nghèo khó và phải bươn chải ngoài xã hội để mưu sinh.
Hơn 20 năm trước, con đường học hành của Tâm khá trắc trở, phải đi phụ bán ở cây xăng để kiếm tiền. "Mình vừa làm, vừa đi học thêm bổ túc rồi tích cóp tiền làm vốn. Ở tuổi đôi mươi, tôi quyết định bước ra làm đại lý vé số. Giai đoạn này được nhiều người, bạn bè giúp đỡ nên mình cũng hiểu rõ nỗi khó khăn như thế nào" - Tâm nhớ lại.
Hiện tại, những người bán vé số dạo được anh Tâm tạo điều kiện cho lấy thiếu, bán được bao nhiêu thì trả vốn, còn lời thì giữ lấy. Cũng có người được anh tạo điều kiện hết sức bằng lấy vé số góp, trả vốn từ từ. Đó là cách anh tạo cần câu để mọi người cùng kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư không cầm được nước mắt khi nhắc đến việc được chủ đại lý hỗ trợ và sắp tới không còn đường mưu sinh - Ảnh: CHÍ HẠNH
Nghiêng ngả trên chiếc xe đạp cũ giữa trời trưa nắng, bà Nguyễn Thị Anh Thư, 45 tuổi, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long cho biết đành cắn răng nhịn đói bán cho hết 150 tờ vé số còn lại vì ngày mai là không còn cơ hội đi bán.
Bà Thư cho biết hai vợ chồng có hai đứa con đã lớn đang tuổi ăn, tuổi học. Chồng bà mỗi tháng cũng phụ giúp được 700.000 đồng, còn lại mọi thứ từ ăn uống, nấu nướng bà phải lo tất.
"Hồi trước, tui lấy vé ở đại lý khác bán không hết họ không cho trả. Từ đó mới qua chỗ chú Tâm lấy vì chú luôn thương người, giúp đủ thứ. Tết thì chú cho gạo, cho lịch giúp tụi tui dữ lắm, còn không vốn lấy vé chú cũng bán thiếu luôn" - bà tâm sự.
Mỗi ngày bà Thư lấy trên dưới 300 tờ vé số và đi bán khắp nơi từ rạng sáng cho đến giờ xổ. Nói về việc phải dừng đi bán, bà Thư bật khóc nói: "Tui cũng không biết sao, tiền kiếm sống chỉ nhờ bấy nhiêu thôi. Chẳng có ai hỗ trợ hết, chỉ có chú Tâm là cho 50.000 đồng mỗi ngày, cũng đỡ bớt phần nào. Chứ gia đình tui khó khăn lắm, bán ngày nào ăn ngày nấy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận