Cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" có hiệu ứng tích cực đối với người yêu phở - Ảnh: NAM TRẦN
Mỗi thí sinh đều mang những bí quyết đến vòng sơ khảo "Đi tìm người nấu phở ngon" khu vực miền Bắc.
"Tô phở phải ăn ngay khi nóng, ăn vừa đủ để cảm nhận hết vị ngọt của nước xương, mùi thơm của gia vị hay cái sần sật của gầu, cái ngọt mềm của nạm và cái dai dai, thâm thấm của bánh phở..." - đầu bếp Nguyễn Ngọc Châu xuýt xoa trong cái lạnh của Hà Nội đầu đông.
Dự thi vì quá yêu phở
Ngọc Châu là Việt kiều Úc, anh là chủ và cũng là đầu bếp chính của nhà hàng Lan Anh Vietnamese Restaurant ở Sydney (Úc). Anh mê phở đến nỗi có thể ăn phở liên tục suốt năm. Anh từng gác lại việc của đầu bếp chuyên nghiệp, xin phụ bếp ở một quán phở của người Việt lớn nhất Sydney chỉ để học nấu phở.
Về nước lần này, anh muốn thử tay nghề nấu phở và muốn đem "bí kíp" mà anh học được ở khắp các quán phở ngon nức tiếng cả ở Việt Nam và ở Úc vào cuộc thi.
"Ông nội tôi ở làng Giao Cù (Nam Trực, Nam Định), bà nội tôi gốc Hà Nội, nấu ăn rất giỏi. Tôi thấy mình may mắn mang dòng máu của hai quê hương nổi tiếng nhất của phở - Ngọc Châu chia sẻ - Điều đó cũng khiến tôi phải học để nấu được phở ngon".
Theo quan điểm của Ngọc Châu, sở dĩ gia tộc họ Cồ ở Nam Định lại trở thành gia tộc nấu phở lớn nhất cả nước không chỉ có nhiều người làm nghề nấu phở mà họ có nhiều người nấu phở ngon ở Hà Nội và TP.HCM. Anh tự hào nhắc đến những thương hiệu phở nức tiếng như Phở Bát Đàn, Phở Cồ, Phở Dâu, Phở Bắc Hải...
"Tôi dám chắc công thức nấu phở của các cụ ngày xưa đơn giản hơn bây giờ. Nhưng các cụ có nguồn nguyên liệu rất ngon. Còn thế hệ sau ăn nên làm ra, xây dựng được thương hiệu lại nhờ biết điều chỉnh, tạo bí kíp riêng để chiều theo cái sự tinh tế của người Hà thành. Đấy mới làm cho phở truyền thống thăng hoa" - Ngọc Châu nhận xét.
Anh dự định khi tham dự chuỗi sự kiện Ngày của phở năm nay là học thêm những bí quyết nấu phở ngon của những người yêu phở khác.
Anh cũng có dự định trở về Hà Nội mở một quán phở để được sống hết mình với món ăn như đã chảy trong huyết quản của anh.
Hai hoa hồi vàng chuẩn bị nguyên liệu phục vụ tại chỗ cho hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong chương trình "Bay cùng phở Việt" tháng 12-2021 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đón chờ bất ngờ mới
Cùng với đầu bếp Ngọc Châu, hơn chục đầu bếp khác mang đến cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" lần thứ tư những bí quyết nấu phở riêng. Theo ban tổ chức, mỗi vòng thi là một loạt bất ngờ về phở, về những người yêu món ăn "quốc hồn quốc túy" này.
Chị Vũ Thị Nhung (ở Vũ Thư, Thái Bình) quyết chí khăn gói lên kinh kỳ ứng thí trong cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" lần thứ tư. Chị đã có một thời gian dài giúp người anh bán hàng trong một quán phở Hà Nội ngon nức tiếng... đất Đà Lạt.
Những ngày tháng ấy khiến chị yêu mê say cái mùi vừa dìu dịu vừa kích thích của nước phở lúc nào không hay. Chị về quê khởi nghiệp bằng một quán phở nho nhỏ.
Quán phở đang ăn nên làm ra thì dịch COVID-19 ập về. Chị tạm thời gác lại đam mê, đi làm công nhân. "Những ngày đi làm, đêm về vẫn đau đáu nhớ phở" - chị bộc bạch.
Thời gian nghỉ bán phở, chị vẫn lên mạng tìm tòi học hỏi cách nấu phở và nghe các tiệm phở lớn chia sẻ cách nấu. Chị quyết tâm "cua" lại món phở - tình yêu của mình.
Chị công nhân ngày đi làm ca, tối về bắc nồi thử công thức. Chị ra chợ mua xương bò từ lúc chưa tỏ mặt người. Về nhà vẫn kịp ngâm xương, bắc bếp nhờ người trông rồi chạy vào công ty. Chiều về chị tạt qua chợ treo trên xe nào hành, nào gừng, nào mùi...
Tối về, chị nấu phở, ghi chép tỉ mỉ từng lạng xương, lít nước, căn ke từng phút luộc thịt, trần bánh, đong đong đếm đếm từng cánh hồi, mẩu quế... cho vào nước xương.
Những ngày chưa mở quán, anh em và chòm xóm quanh nhà chị Nhung tha hồ ăn phở miễn phí. Chị mời đến ăn rồi chỉ để nghe họ nhận xét về nước dùng, độ ngọt, độ ngậy, hay sợi bánh mềm hay cứng?
Tại cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" lần 1, chị Nhung hào hứng đăng ký nhưng lỡ hẹn vì dịch bệnh, giãn cách. Chị lại đi làm công nhân, tự luyện tay nghề để năm nay ứng thí. Có rất nhiều người nấu phở ngon và có kinh nghiệm tham gia, chị Nhung vẫn tự tin vì chị nghĩ đây là cơ hội để chị "yêu lại phở từ đầu".
"Tôi đam mê nấu phở, tâm trí của tôi chỉ nghĩ đến hương vị của phở. Tôi mong muốn mang hương vị phở riêng đến tranh tài tại cuộc thi để được ban giám khảo là các chuyên gia có kinh nghiệm đánh giá. Nhờ đó giúp tôi có thêm tự tin để mở cửa hàng phở" - chị Nhung nói.
Năm 2022, chuỗi hoạt động Ngày của phở bước sang tuổi thứ sáu. Tính từ lần đầu tiên (năm 2017), Ngày của phở không chỉ là một vài hoạt động hội thảo, triển lãm, gala... mà đã được tổ chức thành chuỗi các hoạt động kéo dài nhiều ngày.
Chị Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân - chủ tiệm phở 34 Cao Thắng chuẩn bị phở để phục vụ tại bệnh viện Dã chiến số 3 (TP.HCM) năm 2021- Ảnh: DUYÊN PHAN
Bất ngờ đầu tiên là hiệu ứng tích cực sau cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" lần thứ nhất (năm 2019). Chị Nguyễn Tiêu Bích Trân - chủ quán phở 34 Cao Thắng (TP.HCM) - giành giải thưởng Hoa hồi vàng đầu tiên. Quán phở của chị từ một quán có lượng khách lui tới khiêm tốn trở thành một quán ăn nổi tiếng, một điểm hẹn của những người yêu phở ở khu vực miền Nam.
Ban tổ chức nhận định những hiệu ứng tích cực vượt xa mong muốn ban đầu. Từ một cuộc thi vui vẻ, mang tính chất cổ vũ và là sân chơi nho nhỏ cho những người yêu phở, cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" trở thành một hoạt động nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt thành của những người yêu phở trong và ngoài nước.
Giải Hoa hồi vàng của cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" lần thứ hai (2020) thuộc về Tony Cao Văn Luân - Việt kiều Úc. Trước khi trở thành người nấu phở ngon nhất cuộc thi năm ấy, Tony được theo chuyến xe phở hành trình từ Nam chí Bắc để học nghề nấu phở. Ngay sau cuộc thi này, Tony đã mở hai quán phở mang tên Hoa hồi vàng ở thành phố Melbourne (Úc).
Hoa hồi vàng Phạm Quang Duy phục vụ phở cho bà con ấp Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP.HCM) năm 2021 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đến lần thứ ba (năm 2021), những thí sinh giành giải thưởng Hoa hồi vàng và Hoa hồi bạc trong cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" đã có những hành trình ấm áp phục vụ hơn 16.000 tô phở cho những người ở tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Sau đó, họ lại mang phở đến vùng sâu, vùng xa như sóc Bom Bo (Bình Phước), ấp Thiềng Liềng (Cần Giờ) - những nơi mà nhiều trẻ em chưa bao giờ biết mùi phở.
Năm nay, tại Ngày của phở 12-12, ban tổ chức dự kiến tổ chức vòng chung kết "Đi tìm người nấu phở ngon" và các hoạt động gala Ngày của phở tại Nam Định - nơi được xem là một trong những thủ phủ đầu tiên và có nhiều người nấu phở ngon nhất cả nước.
Ông Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ - cho hay từ lần thứ năm trở đi, Ngày của phở đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao và các đồng nghiệp báo Quốc Tế.
Ngày 12-12 năm ngoái, Google đã treo doodle phở trên trang chủ của Google tại 19 quốc gia để tôn vinh món ăn nổi tiếng của người Việt.
Một trong những hoạt động đặc biệt của năm nay là hội thảo "Hương phở bay xa" để lắng nghe và tìm kiếm những ý tưởng đóng góp cho công cuộc đưa phở Việt chinh phục thực khách năm châu.
Phở bát đá - một trong những "bí kíp" độc đáo được phát hiện qua cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" - Ảnh: NAM TRẦN
là chuỗi sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam. Năm nay, gala chuỗi sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12 với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Nam Định cùng sự đồng hành của Acecook Việt Nam, No.1, Sassco, Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, tương ớt CHINSU.
Họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 có sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sự đồng hành của Trung tâm Phụ nữ & phát triển cùng các đơn vị trên được tổ chức vào chiều 14-10.
Sáng cùng ngày sẽ diễn ra vòng sơ khảo phía Bắc cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon". Vòng sơ khảo phía Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 19-11.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận