Ảnh stock giữa cơn lốc AI

PHAN BẢO 24/10/2024 03:17 GMT+7

TTCT - Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, dự báo sẽ thay thế con người trong nhiều ngành nghề, và chụp ảnh stock (kho ảnh thương mại có sẵn) rất có thể là nạn nhân kế tiếp.

Ảnh stock giữa cơn lốc AI - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Là một ngành thầm lặng nhưng sinh lợi, ảnh stock là ảnh chụp mọi thứ từ cảnh quan đa dạng đến sinh hoạt sôi động của con người. Các nhiếp ảnh gia tùy ý chụp nhiều chủ đề và bán tác phẩm của họ trên các trang web hoặc cho công ty, chờ khách hàng cuối mua quyền sử dụng.

Các trang web như Adobe Stock, Shutterstock, Dreamstime, 123 RF, FreePik, iStock, Depositphoto lưu trữ hàng trăm triệu ảnh stock thuộc đủ chủ đề, đối tượng. Tìm từ "kết hôn" trên Shutterstock, bạn sẽ có 3,4 triệu kết quả, còn ảnh "hoàng hôn" có hơn 14 triệu tấm.

Với Shutterstock, mô hình kinh doanh khá đơn giản: Khách hàng trả phí thuê bao hằng tháng cho một số lượt tải xuống nhất định, hoặc mua ảnh riêng lẻ. Tác giả ảnh sẽ nhận tiền bản quyền, do nền tảng chia phần trăm doanh thu (15-40%) mỗi bức ảnh được bán. Hầu hết các nhiếp ảnh gia ảnh stock kiếm được khoảng 30 cent cho mỗi tấm như vậy.

Theo Yuri Arcurs, CEO của PeopleImages, công ty chi trung bình khoảng 1 đô la tiền tác quyền cho nhiếp ảnh gia stock. Kho ảnh của Arcurs có hơn nửa triệu bức ảnh, song chỉ có vài bức thu hút nhiều người mua. Tương tự, các nhiếp ảnh gia có thể ký gửi hàng vạn tấm ảnh lên các nền tảng trên, nhưng có thể có hàng ngàn bức không bán được.

Thị trường vốn đã đông đúc, giờ càng thêm khó khi AI có thể tạo ảnh stock theo yêu cầu, bao nhiêu cũng có mà chi phí lại thấp hơn.

AI cướp chén cơm

Từ lâu, nhiều ngành công nghiệp như tiếp thị, xuất bản, âm nhạc và tin tức đã quen trực quan hóa bằng ảnh stock để tiết kiệm chi phí thuê thợ chụp ảnh theo yêu cầu. Giờ đây, họ có thêm lựa chọn mới, không chỉ rẻ mà còn nhanh hơn: chỉ cần gõ vài dòng mô tả đơn giản vào các công cụ AI tạo sinh như Bing Image Creator, Adobe Firely, Dall-E… là có thể có được bất kỳ hình ảnh nào mà họ muốn chỉ trong vài chục giây đến một phút. Đi kèm là khả năng kiểm soát kết quả hình ảnh cao - người dùng chỉ việc miêu tả đến khi có được tấm ảnh vừa ý.

Trước tình hình đó, nhiều người trong ngành lo lắng rằng AI sẽ xóa sổ nghề chụp ảnh stock như cách nó đã làm với nhiều ngành khác, bất chấp công việc này đòi hỏi tài năng nghệ thuật và hàng thập kỷ kinh nghiệm. 

"Ngành chụp ảnh stock đang lụi tàn. AI sẽ mang đến dấu chấm hết cho những tay ảnh khó khăn lắm mới có thể duy trì lợi nhuận" - nhiếp ảnh gia Tony Northrup ở bang Connecticut (Mỹ) nói với Wall Street Journal.

Ảnh stock giữa cơn lốc AI - Ảnh 2.

Hình ảnh thực tế (trái) và ảnh do AI tạo.

Shannon Fagan, một nhiếp ảnh gia ở Memphis, bang Tennessee (Mỹ), than thở ảnh tạo bằng AI sẽ khiến bộ sưu tập ảnh stock của anh lỗi thời, chẳng ai thèm mua. Cụ thể hóa bằng con số, Ayorinde Olajire, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh sản phẩm và ảnh đường phố đến từ Ibadan (Nigeria), chia sẻ với báo Business Day rằng kể từ khi có ảnh tạo bằng AI, nhu cầu mua tác phẩm của anh giảm 40% và hiện anh chỉ có thể bán được 5 ảnh mỗi tháng với giá 0,25 USD.

Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với chuỗi ngày tươi sáng trước khi AI xuất hiện.

Thời hoàng kim

Theo Wall Street Journal, vào thời hoàng kim của ngành ảnh stock độ những năm 1970, 80 và 90, những nhiếp ảnh gia hàng đầu thường kiếm được hàng ngàn USD từ các công ty quảng cáo, hãng thu âm và công ty truyền thông cho một bức ảnh.

Nhưng phải mất nhiều thập kỷ, ngành ảnh stock mới đạt tới đỉnh cao đó. 120 năm trước đây, nếu một tờ báo cần một bức ảnh dù chỉ để minh họa chung chung như cảnh gia đình đi dã ngoại, họ phải "cử phóng viên ảnh đến tận địa điểm để chụp" - người dẫn Zachary Crockett cho biết trong số podcast về ảnh stock của chương trình The Economics of Everyday Things.

Đến giữa thế kỷ 20, dịch vụ chụp hàng loạt theo yêu cầu - tiền thân của ảnh stock - xuất hiện, dù quy trình có hơi rườm rà vì ảnh được lưu trữ vật lý. Tới những năm 1990, kho lưu trữ ảnh vật lý được chuyển lên máy tính và các công ty dịch vụ ảnh bán ảnh đựng trong các đĩa CD. Nhiếp ảnh gia có ảnh lọt vào danh sách trong đĩa được trả công hậu hĩnh.

Ảnh stock giữa cơn lốc AI - Ảnh 3.

Ảnh stock do người chụp và do AI tạo.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, họ gặp "bão chồng bão" - hết nhiếp ảnh kỹ thuật số, đến sự ra đời của Internet, rồi các trang web lưu trữ cho phép mọi người tải ảnh lên và bán. "Cung hoàn toàn vượt cầu" - nhiếp ảnh gia Pete Saloutos ở bang Washington (Mỹ) nói với Wall Street Journal. 

Các công ty ảnh phải chuyển hoạt động kinh doanh lên trực tuyến, mở rộng thư viện ảnh và giảm giá bản quyền. "Từng có lúc tôi kiếm được tới 2.000 USD mỗi khi có người dùng một bức ảnh của tôi, con số đó đã giảm xuống còn 2 cent" - Saloutos nhớ lại.

Dù vậy, bước chuyển mình thời đại này cũng là cơ hội rèn giũa cho nhiều tay ảnh nghiệp dư. Muốn thành công trong một thị trường cạnh tranh cao như ngành ảnh stock lúc bấy giờ, các nhiếp ảnh gia không những cần tạo ra ảnh chất lượng cao, có nội dung, mà còn phải luôn theo kịp xu hướng, đòi hỏi phải nghiên cứu liên tục và lập kế hoạch chiến lược, Arcurs tiết lộ.

Để tạo ra những hình ảnh stock hấp dẫn đòi hỏi phải dàn dựng tỉ mỉ và thiết lập chuyên nghiệp, thường tốn hàng nghìn đô la cho mỗi lần chụp. Các nhiếp ảnh gia phải tìm những người mẫu có thể thu hút người xem, ưu tiên những khuôn mặt dễ đồng cảm hơn là vẻ ngoài thời trang. Ngoài ra, họ còn phải thạo các thủ thuật tối ưu hóa tìm kiếm - lựa chọn từ khóa giúp tác phẩm của họ có nhiều cơ hội hiển thị hơn trên một vài trang đầu tiên khi người dùng tìm ảnh.

Hàng thật vẫn hơn

Cũng theo Wall Street Journal, doanh thu bán ảnh stock năm 2023 của kho ảnh trực tuyến Getty Images đã giảm 1,1% so với năm trước xuống còn 578,7 triệu USD. Số lượng người đăng ký nền tảng cung cấp ảnh stock Shutterstock đã giảm 10,8%, mặc dù doanh số của công ty này vẫn tăng.

Bất chấp những con số trên, các công ty ảnh stock vẫn khá lạc quan. Theo các giám đốc điều hành, người tiêu dùng hiện chưa mấy thiện cảm với hình ảnh do AI tạo ra, các công ty tiếp thị cũng vậy. Họ muốn truyền tải những hình ảnh chân thực trong khi ảnh tạo bằng AI khá hên xui, khi thì kỳ quặc, lúc lại giả trân.

Paul Hennessy, CEO của Shutterstock, khẳng định hồi tháng 2 rằng ảnh thật chụp người thật vật thật vẫn được săn đón. "Chúng tôi không thấy khách hàng của mình ở bất kỳ quy mô nào có mong muốn mua và sử dụng hình ảnh do AI tạo ra" - Hennessy cho biết.

Ảnh stock giữa cơn lốc AI - Ảnh 4.

Còn theo Arcurs của PeopleImages, ảnh stock "hàng thật" vẫn lợi thế hơn ảnh AI ở chỗ không phải tốn hơi tốn sức diễn giải những điều vỡ lòng cho AI. "Bạn có thể phải tốn đến 300 câu diễn giải và khoảng 2,5 giờ làm việc để có được bức ảnh mong muốn. Thậm chí, bạn miêu tả hết nước hết cái, AI cũng chưa chắc hiểu bạn muốn gì. Hiện tại, nó vẫn chưa đủ tinh tế để thỏa mãn những designer đòi hỏi cao" - anh nói.

Nhiều thợ chụp ảnh stock cũng tự tin rằng họ có thể vượt qua cơn địa chấn công nghệ mới nhất này, bởi suy cho cùng, máy móc không thể sánh với nghệ thuật. "Những khách hàng coi trọng tính nguyên bản vẫn sẽ chọn ảnh stock. AI không thể thay thế nhiếp ảnh gia khi chụp lễ cưới và những sự kiện tương tự vì công nghệ này chỉ có thể tạo ra hình ảnh chứ không thể lưu lại những khoảnh khắc như nhiếp ảnh gia" - Olajire nói với Business Day.

Thuận theo thời thế

Nói gì thì nói, các công ty ảnh stock vẫn muốn "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Họ cho ra đời các công cụ AI sản xuất ảnh nhân tạo để phục vụ những khách hàng muốn thử nghiệm nghệ thuật AI, đồng thời cạnh tranh với những công ty như Midjourney và Dall-E, cũng như "đặt gạch" một chỗ phòng khi công nghệ AI cải tiến và nhu cầu tăng.

Năm ngoái, Adobe trình làng Firefly, một mô hình tạo hình ảnh bằng AI được đào tạo trên thư viện ảnh Adobe Stock và từ các nguồn nội dung công cộng. Shutterstock ra mắt trình tạo hình ảnh AI được hỗ trợ bởi công nghệ của OpenAI và Google AI; Getty Images hợp tác với Nvidia để tạo ra nền tảng Generative AI. Tất cả đều khẳng định họ đào tạo các mô hình này bằng những hình ảnh mà họ nắm bản quyền và đưa ra một số hình thức bồi thường cho các nhiếp ảnh gia chụp những bức ảnh đó.

Ảnh stock giữa cơn lốc AI - Ảnh 5.

Ảnh được ghi rõ là do AI tạo trên trang bán ảnh Adobe Stock.

Các công ty cũng khuyến khích nhiếp ảnh gia sử dụng AI để tạo ra nhiều hình ảnh hơn và tiếp tục thu tiền bản quyền những tấm ảnh AI đó. Ví dụ, nếu Adobe thấy có nhu cầu về ảnh phụ nữ mặc áo len đỏ, các nhiếp ảnh gia có thể sử dụng AI để chỉnh sửa ảnh phụ nữ mặc áo len xanh hoặc tím họ có sẵn để tận dụng.

Fagan cho biết anh đã nhận được khoản thanh toán đào tạo AI một lần từ Adobe Stock vào năm ngoái, tương đương 10-12% thu nhập hằng năm của anh từ công ty.

Về phía các công ty, Scott Belsky, giám đốc chiến lược và phó chủ tịch điều hành phụ trách thiết kế và sản phẩm mới nổi của Adobe, cho rằng nếu các công ty quay lưng với AI, người tiêu dùng cũng sẽ mày mò cách làm tương tự ở những "địa chỉ" bất hợp pháp và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là những nhiếp ảnh gia. "Đây là một cuộc cách mạng, đây là làn sóng máy ảnh kỹ thuật số tiếp theo và chúng ta phải nắm bắt lấy nó" - Belsky nhận định.

Trước "mối đe dọa" AI, nhiều nhiếp ảnh gia vẫn cố trụ lại với nghề bằng cách mở studio chụp ảnh tại nhà và sản xuất hàng loạt theo phong cách công nghiệp, thay vì tốn chi phí vác máy ảnh ra đường. Và họ vẫn sống khỏe.

Một trong số đó, Antonio Guillem - tác giả bức "bạn trai xao nhãng" nổi tiếng trên mạng - cho biết anh vẫn kiếm được nhiều tiền từ những bức ảnh stock mà anh chụp trong studio rộng khoảng 190 mét vuông của mình ở ngoại ô Barcelona (Tây Ban Nha), mặc dù anh không còn bán được 1.600 lượt bản quyền mỗi ngày như cách đây ba năm nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận