31/08/2021 10:26 GMT+7

Anh shipper đến xóm!

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Tiếng reo của người dân trong khu phố khi thấy anh shipper đến xóm sau nhiều ngày chờ đợi.

Có đơn hàng 3-4 ngày sau mới được giao, người lớn có thể bóp bụng qua bữa nhưng trẻ con không thể thiếu sữa, người bệnh không thể chờ thuốc. Dù lúc này có nhiều lực lượng cùng hỗ trợ đưa hàng thiết yếu đến với người dân như quân đội, công an, người ở phường xã... nhưng vẫn rất cần anh chị shipper chuyên nghiệp.

"Mùa này ai cũng phải ở trong nhà, ai giao lương thực cho bà con?" - anh Ngọc, tình nguyện viên tham gia giao hàng thiện nguyện cho phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, nói trong những chuyến giao hàng bận rộn những ngày cuối tháng 8. 

Từng là tài xế cho một hãng xe công nghệ, anh Ngọc có hơn 2 tháng nằm nhà do khu phố bị phong tỏa. Nghỉ chạy và mất thu nhập nhưng khi phường tuyển tình nguyện viên giao hàng thiện nguyện, hỗ trợ đi chợ để bà con yên tâm ở nhà chống dịch, anh liền đăng ký tham gia.

Các anh chị tình nguyện, chú bộ đội, anh chị công an dù đã làm gấp đôi, gấp ba nhưng bà con vẫn phải chờ. Cũng đúng thôi, giãn cách, ít người mà. Vì vậy, có shipper tâm sự đi giao hàng gặp nhiều cảnh rớt nước mắt, họ dặn nhau khi đi giao, những trường hợp nào có nhu cầu đặc biệt thiết yếu thì lưu số lại, chạy thêm vòng nữa để hỗ trợ bà con.

Cả TP đang sống trong những ngày giãn cách, shipper trở thành huyết mạch quan trọng trong dòng chảy của hàng hóa đến người tiêu dùng. Không có họ, khó lòng mọi người yên tâm ở nhà chống dịch.

Chỉ cần vắng hoặc thiếu shipper, mọi thứ sẽ đảo lộn, phí vận chuyển tăng cao, bao người chờ lương thực, thực phẩm, thuốc men… là bấy nhiêu tâm tư, bức xúc. Thêm shipper, bớt chờ đợi, bức xúc cũng giảm đi. Vì vậy, càng giãn cách nghiêm ngặt càng cần thêm shipper. Giãn cách nghiêm ngặt, phải xem shipper chuyên nghiệp là lực lượng của tuyến đầu.

Thay vì hạn chế shipper chuyên nghiệp, vì họ có thể là nguồn lây nhiễm do đi lại và tiếp xúc nhiều, hãy đầu tư nhiều hơn để họ có thể làm việc bằng hai bằng ba so với bình thường. Ngoài tiêm ngừa đủ hai mũi để bảo vệ chính họ, hãy tập huấn, kể cả cung cấp những phương tiện, kỹ năng phòng chống dịch bệnh. 

Khi xem shipper là người ở tuyến đầu chống dịch, từ đó đưa ra những yêu cầu buộc các nền tảng công nghệ phải có trách nhiệm bảo vệ những người đang cộng tác với họ, thay vì xem là "đối tác" như lâu nay rồi lơ là trách nhiệm bảo vệ shipper, không chỉ an toàn trước dịch mà cả vật chất, trả công xứng đáng. Chính sách rõ ràng sẽ là tấm lá chắn bảo vệ các shipper chuyên nghiệp.

TP.HCM đã rõ chủ trương xét nghiệm miễn phí (trong một tuần), một số nơi cũng sẵn sàng tạo điều kiện tiêm mũi 2 cho các shipper tham gia giao hàng thiện nguyện. Vậy đã đủ chưa? Chăm lo vật chất còn phải tính đến tinh thần. 

Không phải vô cớ mà Hiệp hội Thương mại điện tử VN từng kiến nghị lên Thủ tướng yêu cầu các lực lượng kiểm soát chốt chống dịch cần coi người giao hàng như đang làm nhiệm vụ chống dịch. Các shipper chắc hẳn làm việc hăng say hơn khi xã hội nhìn nhận "mình cũng là người trong tuyến đầu chống dịch".

Tăng tính bảo vệ, tăng chế độ đãi ngộ cho các tài xế trong lúc này chính là một phần đảm bảo các vấn đề an sinh để người dân lo cho người dân thành phố. Bảo vệ shipper cũng là giải pháp sống chung với đại dịch lâu dài.

Xét nghiệm cho shipper Xét nghiệm cho shipper 'vùng đỏ' từ 31-8: Gần 'giờ G' vẫn chưa biết xét nghiệm ở đâu

TTO - Từ ngày 31-8, TP.HCM cho phép shipper giao hàng cho người dân ở 'vùng đỏ' và tài xế sẽ được xét nghiệm miễn phí hằng sáng, nhưng đến chiều tối 30-8, nhiều trạm y tế nói chưa biết sẽ xét nghiệm cho tài xế ở đâu vì 'chưa được triển khai'.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên