04/05/2019 05:59 GMT+7

'Anh Sáu Nam nghiêm khắc nhưng rất bao dung'

MY LĂNG ghi
MY LĂNG ghi

TTO - "Anh Sáu Nam cao lắm, giọng nói vang sang sảng. Anh Sáu Nam sống tình cảm lắm, rất thương lính, gần gũi với lính" - đại tá Nguyễn Bạch Vân kể.

Anh Sáu Nam nghiêm khắc nhưng rất bao dung - Ảnh 1.

Ông Bạch Vân - người có những kỷ niệm không thể quên với chỉ huy Lê Đức Anh trong thời gian kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: MY LĂNG

Đại tá Nguyễn Bạch Vân (Nguyễn Đình Viên), 85 tuổi, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Thái Lan, chuyên viên Tổng cục 2, nhớ lại: Tôi gặp anh Sáu Nam từ năm 1964 trong chiến trường miền Nam. Khi đó tôi được phân công về Bộ chỉ huy Miền, là trợ lý nghiên cứu công tác địch tình tại Phòng quân báo (Phòng 2).

Anh Sáu Nam khi đó là Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền. Anh là người chỉ huy có tầm nhìn chiến lược nhưng cũng rất sâu sát vào những vấn đề rất cụ thể, rất chi tiết phục vụ cho chiến đấu và chiến dịch.

Cuối năm 1964, khi ta chuẩn bị mở chiến dịch Bình Giã, Bộ Chỉ huy Miền nghiên cứu xem còn các hướng khác như thế nào. Một trong các hướng là Bình Long, Phước Long. Anh Sáu Nam chỉ đạo Phòng 2 báo cáo tình hình địch ở Bình Long, Phước Long. Anh Tư Bình (Lê Quang Vũ) là trưởng phòng 2 và tôi lên báo cáo trực tiếp với anh.

Đó là lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp anh. Anh Sáu Nam cao lắm, giọng nói vang sang sảng. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chiến trường, địch tình, lực lượng chủ lực, lực lượng bảo an và dân vệ..., anh Sáu Nam bất ngờ hỏi: "Thế lực lượng thanh niên chiến đấu của địch có bao nhiêu?"

Tôi bất ngờ quá! Quân chủ lực thì mình nắm được, không ngờ anh Sáu còn hỏi cả đến lực lượng thanh niên địch. Nhưng tôi vẫn trả lời được. Anh Sáu lại hỏi tiếp: "Thế trang bị bao nhiêu súng?" Hỏi đến đó thì tôi chịu chết!

Anh Sáu Nam không hài lòng, bảo: "Thế không lẽ chỉ đánh với quân chủ lực của địch, còn đám thanh niên chiến đấu có vũ khí đánh mình thì mình không đánh lại à?" Anh Tư Bình đỡ lời nói hộ tôi, bảo: "Thủ trưởng thông cảm, cậu ấy mới vào gần một năm, chưa nắm hết được..."

Lần đầu tiên làm việc với thủ trưởng mà bị sai sót như vậy là gay go lắm. Tôi sợ mình sẽ bị anh Sáu Nam ấn tượng xấu, bị ghét bỏ. Vậy mà anh Sáu Nam không vì một lần mình thể hiện không tốt mà đánh giá ngay. Anh vẫn tin dùng tôi.

Anh Sáu Nam nghiêm khắc nhưng rất bao dung - Ảnh 2.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây-Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - Ảnh: TTXVN

Sau này khi tôi về Tổng cục 2, anh Sáu Nam lúc đó là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người ký quyết định cử tôi đi làm tùy viên quân sự ở Thái Lan. Tôi biết nhiều người khác, cũng từng bị anh la mắng, nhưng anh không ghét bỏ mà vẫn tin dùng.

Anh Sáu Nam là vậy, rất nghiêm nhưng rất bao dung. Anh Sáu Nam sống tình cảm lắm, rất thương lính, gần gũi với lính. Nhờ có anh mà nhiều người đi chiến trường Campuchia về khi nghỉ hưu đỡ phải vất vả về chuyện nhà cửa, có chỗ ở ổn định cho gia đình.

Tôi còn nhớ câu chuyện của anh Huỳnh Điểu - chuyên gia trinh sát của Binh đoàn 3 giúp bạn đóng ở cửa khẩu Poipet giữa Campuchia và Thái Lan. Ở đó có 3 tiểu đoàn bạn trấn giữ nhưng lần lượt từng tiểu đoàn bỏ trốn hết. Bộ tư lệnh Mặt trận yêu cầu anh Điểu về Sài Gòn báo cáo trực tiếp với anh Sáu Nam - khi đó là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Sau khi nghe anh Điểu báo cáo xong, anh Sáu Nam hỏi: "Cậu quê ở đâu? Có vợ con gì chưa?" Anh Điểu lúc đó có người yêu nhưng không dám nói, chỉ bảo là đã có bạn nhưng lâu rồi chưa được gặp. Anh Sáu nói với đồng chí bên Cục tác chiến: "Bố trí tạo điều kiện phương tiện cho đồng chí Điểu đi thăm bạn bè".

Anh Sáu Nam nhìn thấy sự gian khổ của lính ở chiến trường nên thương, rất tâm lý. Kể cả với một anh sĩ quan cấp thấp mới hàm đại úy như anh Điểu lúc đó.

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy

TTO - Đúng vào những ngày tháng Tư đặc biệt của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh đã chia tay gia đình, đất nước để về với một thế giới khác...

MY LĂNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên