Mắt sẽ nhanh mệt mỏi, khô rát khi dùng máy tính mà không có ánh sáng xung quanh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chị X.H. (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.9, TP.HCM) tâm sự: "Vì đặc thù công việc nên tôi thường xuyên mang việc về nhà làm. Sau khi các con ngủ, hơn 22h tôi mới bắt đầu làm việc.
Do sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ các thành viên trong gia đình nên tôi tắt hết đèn phòng, sau đó điều chỉnh ánh sáng màn hình máy tính ở mức cao nhất để thấy rõ chữ". Sau đó đầu chị cứ tỉnh tỉnh, không ngủ ngay được. Sáng dậy người mệt lừ, mắt rất khô và rát.
Ánh sáng xanh
Trong cuộc sống hiện đại, ánh sáng nhân tạo hiện diện khắp nơi và buộc chúng ta phải tiếp xúc với chúng cả ngày mà không thể nào né tránh được như điện thoại, tivi, máy tính, đèn LED...
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, các thiết bị trên đều phát ra ánh sáng xanh - loại ánh sáng đang âm thầm làm suy hại sức khỏe, đặc biệt là mắt.
Ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo đều chứa ánh sáng xanh, tuy nhiên ánh sáng nhân tạo từ các thiết bị điện tử chứa nhiều ánh sáng xanh hơn.
"Nguồn phát ra ánh sáng xanh ngày càng nhiều, xuất phát từ các nguồn sáng nhân tạo" - BS Đoàn Lương Hiền (chuyên khoa võng mạc Bệnh viện Mắt TP.HCM) nói.
BS CKII Tăng Hồng Châu (Bệnh viện Mắt Sài Gòn) cho biết ánh sáng xanh là một phần thiết yếu khi hiển thị màu sắc. Nhưng trong trực quan, ánh sáng xanh là thẳng nhất và có năng lượng cao nhất, không được hấp thụ bởi giác mạc và thủy tinh thể của mắt.
Vì thế có thể dẫn đến suy giảm chức năng võng mạc của mắt, gây mỏi mắt, khô mắt, rối loạn giấc ngủ... khi tiếp xúc trong thời gian dài.
Giảm độ sáng màn hình, tăng độ sáng xung quanh
Rõ ràng chúng ta không thể sống thiếu ánh sáng nhân tạo. Vậy phải tiếp xúc như thế nào để hạn chế những tác hại?
BS Hồng Châu cho hay khi mắt chúng ta tập trung vào một điểm nào đó có ánh sáng nhân tạo, ánh sáng môi trường xung quanh phải được bao quát, hài hòa, nghĩa là mắt chúng ta vẫn cần ánh sáng xung quanh.
Nếu không có ánh sáng xung quanh, mắt sẽ nhanh rơi vào tình trạng mệt mỏi, khó chịu.
TS Trịnh Thị Bích Ngọc - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội - khuyến cáo khi làm việc với ánh sáng xanh quá mức cho phép sẽ khiến võng mạc mắt bị tổn thương, các tế bào thị giác bị suy yếu.
Vì vậy mắt chúng ta thường gặp các triệu chứng như khô, nhức, đỏ, khó chịu... Một số trường hợp nặng có thể bị đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.
Quy tắc 20-20, 45-45
Sử dụng đèn đúng quy chuẩn. BS Hồng Châu cho biết trong ánh sáng của các loại đèn, chỉ bóng đèn dây tóc là ánh sáng liên tục, còn lại ánh sáng từ màn hình máy tính, tivi, điện thoại, đèn LED, đèn neon... là ánh sáng không liên tục.
Chúng ta có thể nhận thấy ánh sáng không liên tục từ tivi, máy tính khi chụp ảnh, lúc này sẽ xuất hiện những sọc ngang nhảy liên tục trên màn hình.
Thay vì dùng bóng đèn có kích thước dài thì nên dùng nhiều bóng đèn có kích thước ngắn, bởi khoa học đã chứng minh càng nhiều đèn thì sự mất liên tục của ánh sáng càng giảm và đạt gần như là liên tục.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu không thay đổi được thời lượng tiếp xúc ánh sáng xanh vì nhu cầu sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi..., mọi người nên áp dụng các gợi ý dưới đây:
Thứ nhất, đảm bảo khoảng cách từ mắt đến màn hình 50-60cm. Thứ hai, giảm độ sáng màn hình, tăng độ sáng xung quanh bằng cách tăng số lượng bóng đèn chiếu sáng và sử dụng bộ lọc lọc ánh sáng không liên tục (tấm kính chắn màn hình).
Thứ ba, luôn luôn ghi nhớ quy tắc 20-20, quy tắc làm việc 20 phút trên máy tính thì cho mắt nghỉ ngơi 20 giây, hoặc có thể 45-45.
Thứ tư, kết hợp sử dụng ánh sáng nhân tạo và ánh sáng tự nhiên, thư giãn mắt trong khoảng không gian ngoài trời.
Vì ánh sáng mặt trời làm tăng tổng hợp vitamin D, giúp làm chắc lớp vỏ nhãn cầu do đó sẽ giảm cận thị và các triệu như chứng khô mắt, mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu... khi mắt điều tiết quá mức.
Liên quan tới nguy cơ ung thư vú, mất ngủ
Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) công bố tháng 8 vừa qua đã chỉ ra sự liên quan chặt chẽ giữa nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ và tình trạng tiếp xúc với nhiều ánh sáng nhân tạo của môi trường sống vào ban đêm.
Trong nghiên cứu này, chuyên gia dịch tễ học Peter và các cộng sự đã theo dõi tình trạng phát bệnh ung thư vú của 109.672 y tá trong 24 năm.
Nhà ở của từng y tá này được mã hóa theo khu vực địa lý và mức độ ánh sáng trung bình tại khu vực sinh sống của họ vào ban đêm được ước lượng từ các ảnh chụp vệ tinh. Tổng cộng 3.549 trường hợp mới được chẩn đoán ung thư vú.
Nghiên cứu nhận ra mối quan hệ trực tiếp giữa độ sáng ban đêm tại khu vực sinh sống của một phụ nữ trước khi chẩn đoán ung thư và nguy cơ phát bệnh sau đó của người này. Mức độ ánh sáng càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường Nhãn khoa Đại học Houston (Mỹ) công bố trên tạp chí Ophthalmic & Physiological Optics mới đây cho biết ánh sáng xanh (ánh sáng nhân tạo) tỏa ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân đáng kể dẫn tới tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay.
"Kết luận quan trọng nhất rút ra ở đây là ánh sáng xanh ban đêm thực sự làm giảm chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng để tái tạo nhiều chức năng trong cơ thể chúng ta" - TS Lisa Ostrin, chủ trì nghiên cứu trên, nói.
D.KIM THOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận