07/04/2015 22:41 GMT+7

Cực kỳ nguy hiểm nếu hộp chứa nguồn phóng xạ bị mở

T.V.N. - MAI VINH
T.V.N. - MAI VINH

TTO - Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu hộp chứa nguồn phóng xạ bị người không có kiến thức an toàn phóng xạ mở, phá hủy.

GS.TS Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Trung tâm An toàn bức xạ (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt)

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Trung tâm An toàn bức xạ (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) - người từng tham gia huấn luyện an toàn bức xạ cho nhân viên Công ty thép Pomina. 

Ông cho biết theo những dữ liệu ông có được thì nguồn phóng xạ Co-60 của nhà máy bị thất lạc được chứa trong một hộp chắn xạ đúng quy cách. 

Hộp này không chắn hoàn toàn được phóng xạ là tia gamma vì tia này có năng lượng rất mạnh có khả năng xuyên thấu thép đến vài chục xentimét và vài chục mét trong không khí tùy vào mức năng lượng còn lại sau thời gian được sử dụng.

Nguồn phóng xạ này bị thất lạc và nhiều khả năng sẽ ở đâu đó trong những khu vực dân cư. 

Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu hộp chứa nguồn phóng xạ bị người không có kiến thức an toàn phóng xạ mở, phá hủy. 

“Phóng xạ sẽ phát tán đa hướng trong tình trạng hoàn toàn không được che chắn nên cường độ của phóng xạ sẽ rất mạnh. Vật liệu chứa phóng xạ Co-60 bản chất là một cục thép nhỏ nên rất khó nhận biết bằng mắt thường, thậm chí người làm trong ngành hạt nhân tiếp xúc chưa chắc có thể nhận diện được nếu không có thiết bị dò phóng xạ. Nếu bị một người vô ý đập hoặc cắt nhỏ thì nguồn phóng xạ sẽ bị chia nhỏ và phát tán với diện rộng hơn” - ông Hùng nói.

Giải thích mức độ nguy hiểm của phóng xạ Co-60, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Theo tính toán của tôi, nếu đứng cách nguồn phóng xạ bị thất lạc 10 cm trong vòng một giờ thì một người bình thường có thể bị nhiễm xạ với liều gấp 2,6 lần giới hạn cho phép đối với một người trong một năm (1 mSv/năm). Khi bị nhiễm phóng xạ liều cao, người bình thường sẽ bị tổn thương các mô sống”.

Nguồn phóng xạ nguy hiểm 

Theo ông Hùng, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nguồn phóng xạ Co-60 đươc sử dụng phổ biến trong y tế, các cơ sở công nghiệp (sản xuất thép, ximăng, alumin), ngành chế biến thực phẩm (thanh trùng thực phẩm, nông sản). 

Tuy nhiên, việc quản lý nguồn phóng xạ chỉ dừng ở mức cơ quan nhà nước biết được cơ quan nào có sở hữu nguồn phóng xạ thông qua đăng ký, còn tình hình sử dụng, di chuyển thì hầu như các cơ quan chức năng không giám sát từ xa và thường xuyên được.

Ông Hùng nói: “Đã từng có tai nạn hi hữu tại một nước thuộc khu vực Đông Nam Á - tôi không muốn nêu tên. Khi di dời bệnh viện do không quản lý chặt nguồn phóng xạ và trong quá trình thu gom vật liệu phế thải, một người dân đã nhặt lấy vật liệu chứa phóng xạ mang về nhà và để bên cạnh mình trong thời gian dài. Sau một thời gian người này tử vong trong tình trạng các cơ quan trọng yếu của cơ thể tổn thương tế bào nghiêm trọng”.

Chưa có quy chuẩn quản lý thiết bị chứa phóng xạ trong ngành thép

Ông Phạm Chí Cường - nguyên chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hiện là chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim VN - đã khẳng định như vậy khi đề cập đến trường hợp thiết bị phóng xạ dùng để đo mức thép lỏng trong lò luyện phôi thép của Nhà máy luyện phôi thép thuộc Công ty CP thép Pomina (KCN Phú Mỹ 1, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bị thất lạc.

Theo ông Cường, tùy theo công nghệ của các nước sản xuất hiện đại đến đâu thì thiết bị phóng xạ mới được đưa vào thiết bị đo lường để đo mức thép lỏng.

“Lần đầu tiên tôi mới thấy được thiết bị này trang bị cho Pomina, vì hiện nay chỉ có mỗi Pomina có thiết bị lò luyện 120 tấn. Còn với các dự án thép khác thì không thấy có trang bị thiết bị này. Và hiện nay cũng chưa có quy định, tiêu chí nào để kiểm soát vấn đề thiết bị phóng xạ đi kèm trong dây chuyền thiết bị đồng bộ được nhập khẩu trong lĩnh vực sản xuất thép”, ông Cường khẳng định.

Ông Cường cho rằng đã đến lúc cần báo động và cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu thiết bị đồng bộ, để “nếu có thiết bị đo lường thì phải chắc chắn thiết bị đó có chứa hợp chất phóng xạ hay không”.

"Vì phần lớn các dự án xây dựng nhà máy sản xuất/luyện phôi thép hiện nay, nhà sản xuất thường chọn hình thức hợp đồng mua thiết bị/dây chuyền trọn gói từ nước ngoài. Nhà cung cấp sẽ tiến hành lắp ráp, chạy thử và chuyển giao công nghệ cho nhà sản xuất sau khi thiết bị vận hành ổn định, nên chỉ có nhà cung cấp thiết bị biết được chính xác dây chuyền với công nghệ mà họ đang bán cho nhà sản xuất có thiết bị chứa chất phóng xạ hay không, cài đặt ở khâu nào, cách dùng ra sao” - ông Cường nói.

Ông Cường cũng đề xuất cần có cơ chế kiểm soát đặc biệt cho những trang thiết bị chuyên dụng, đặc thù, được nhập khẩu “trọn gói” trong quá trình lắp đặt mà có thể gây nguy hiểm, như nguy cơ nhiễm phóng xạ, sự cố cháy nổ, độc hại… thì bên cung cấp thiết bị phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho bên sử dụng, cũng như các giải pháp xử lý an toàn một khi có sự cố xảy ra.

 

T.V.N. - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên