31/08/2011 09:38 GMT+7

Anh ở đâu trong "cuộc chiến" giữa em và mẹ?

THANH THANH
THANH THANH

TTO - Sau bài Bố mẹ chồng cũng nên "cải thiện" cách ứng xử?, một số ý kiến cho rằng chính người chồng mới là "nhân vật chính" hóa giải những khúc mắc giữa gia đình nhỏ và gia đình lớn của mình, ngay cả trong chuyện tiền nong hay cách ứng xử giữa các bên.

SzsQJIlU.jpgPhóng to

Người con trai, người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc xây đắp quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng - con dâu - Ảnh minh họa từ internet

Khổ vì chồng nắm hết tiền bạc

Chồng tôi nắm hết tiền bạc mà anh ấy làm được và chỉ chỉ trả những gì tính được như tiền điện, nước, ga, gạo... Thậm chí cả nồi cơm anh ấy cũng nấu vì sợ tôi nấu dư cơm, do đó mẹ con tôi thường đói ăn.

Kinh tế anh ấy khá vững nhưng cho đến hiện giờ tôi vẫn ở trong căn nhà cấp 4, con tôi chưa biết đến bữa ăn nhà hàng, thậm chí đến cả việc sử dụng máy nước nóng, nước lạnh cũng không biết. Việc mong mỏi được một cái máy lạnh trong phòng ngủ là điều quá xa vời.

Con tôi, nay đã lớn, có đứa đã đi làm, đứa đang học đại học, được cái chúng rất thương tôi vì cả đời vất vả đi kiếm tiền nuôi con.

Làm đàn ông phải đứng mũi chịu sào

Đòi hỏi bố mẹ chồng hay con dâu thay đổi ứng xử là một nhỏ, phần chính là người con trai, người chồng phải biết cân bằng quan hệ hai bên. Anh ta là người đứng giữa, chỉ cần hơi lệch một bên hay nhu nhược là không được.

Tôi lập gia đình 10 năm nay, trong nhà cha mẹ tôi và vợ tôi tất nhiên cũng có khi không bằng lòng nhau vài chuyện nhưng không bao giờ có xích mích. Đơn giản vì nếu ông bà mà có ý gì ép con dâu là tôi đứng ra phản kháng đầu tiên, còn nếu con dâu mà có ý gì trách móc ông bà thì tôi cũng chỉnh vợ trước. Cái gì vô lý mình phải mạnh mẽ bài bác, bức xúc nào có lý thì mình từ từ góp ý lại bên kia sau, nhưng từ miệng của mình, coi như ý của mình

Từ từ rồi cả cha mẹ lẫn vợ đều "kình" tôi và quay sang kết phe với nhau! Thế là yên ổn vì cha mẹ có bực con ruột, vợ có bực bội chồng một tí thì cũng dễ dàng xoa dịu. Làm đàn ông phải mạnh mẽ đứng mũi chịu sào. Mỗi lần đọc những chuyện con dâu mẹ chồng xích mích tôi cứ bực mình tự hỏi "cái thằng cha làm con, làm chồng trốn ở đâu mà để xảy ra thế này?".

Chồng cần để vợ nắm tài chính

Tôi cũng đang làm dâu, làm vợ. Trong chuyện chu cấp tiền nong cho nhà chồng thì người chồng là người quan trọng. Vợ nên thẳng thắn nói với chồng các khoản chi tiêu cần thiết và đề nghị chồng cho vợ được nắm tài chính gia đình (người vợ giữ tiền cho gia đình là chuyện bình thường thôi). Mặt khác có thể công khai các khoản vay ngân hàng với gia đình chồng và đề nghị gia đình chồng giúp đỡ ngược lại để xem gia đình chồng phản ứng ra sao.

Sao anh không công bằng hơn?

Tôi cũng là con dâu hiếu thảo, luôn thương yêu và muốn bù đắp cho ba mẹ chồng. Tôi chưa làm một điều gì cho cha mẹ để báo hiếu vì cha mẹ không cần đến sự đền đáp của con. Mà mỗi khi muốn làm việc gì cho cha mẹ ruột của mình mà chồng biết được đều bàn ra và nói những lời rất vô tâm.

Nhiều lần như vậy tôi rất buồn và chẳng muốn thiết tha gì đến nhà chồng nữa. Sao đàn ông ích kỷ thế, chỉ biết cho mình thế thôi?

Vợ chồng nên công khai thu - chi

Tôi rất thông cảm với các bạn trong hoàn cảnh khó xử với gia đình chồng liên quan đến chuyện tiền bạc. Nếu là con lớn trong gia đình, lại mang nặng chữ hiếu, chắc chồng các bạn cũng rất khó xử trước những yêu cầu của gia đình. Bạn có nói sao thì gia đình chồng bạn cũng chỉ nghĩ được là bạn không muốn giúp đỡ họ thôi, họ không thể thông cảm được cho hoàn cảnh của bạn vì những lí do rất chủ quan.

Theo tôi, nên cùng chồng công khai tất cả các khoản thu, chi trong tháng, trong năm chia đều cho các tháng và dự trù để sinh con rồi thống nhất khoản tiền gửi về giúp đỡ gia đình mỗi tháng. Nếu số tiền ấy tương đương số tiền vẫn gửi mà chưa đủ theo yêu cầu thì chỉ cần nói rằng bạn đã cố gắng hết sức nhưng tháng này bạn có việc đột xuất phải chi nên không đáp ứng được, mong gia đình thông cảm, tìm cách khắc phục.

Tuy nhiên, cũng nên có thái độ quan tâm đến gia đình chồng: lâu lâu hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, việc học của các em và khuyên tụi nó ráng lo học và phụ giúp cha mẹ khắc phục hoàn cảnh khó khăn vì việc làm bây giờ khó kiếm mà đồng tiền lại mất giá (hoặc có món quà nhỏ nhân dịp về thăm cha mẹ chồng phù hợp khả năng của bạn và ý thích của các cụ).

Chồng có hiếu thì sẽ yêu thương cả ba mẹ vợ

Tôi thấy, việc chăm sóc, phụng dưỡng, báo hiếu với ba mẹ chồng như thế nào tùy thuộc vào tính cách của mỗi người chồng. Người chồng biết hiếu thảo với ba mẹ chồng, lo lắng cho gia đình chồng cũng sẽ biết hiếu thảo với ba mẹ vợ và lo lắng cho gia đình vợ. Hiếu thảo, quan tâm lo lắng không chỉ có vật chất mà còn phải có tấm lòng. Tôi cũng đã hy sinh nhiều vì gia đình chồng (bỏ một công việc lương cao để theo chồng với mức lương thấp hơn, nuôi luôn em chồng ăn học,...) tuy nhiên tôi cũng có thể lo cho ba mẹ của mình chu đáo.

Tôi rất nguyên tắc, tôi trực tiếp nuôi em chồng thì hàng tháng tôi vẫn phải trích thu nhập của tôi để lo cho em tôi ăn học ở TP.HCM (dù số tiền nhỏ - 1 triệu/tháng - ba mẹ tôi không yêu cầu điều đó). Tôi và chồng chấp nhận vẫn ở nhà thuê, vẫn còn khó khăn đủ thứ (lo cho con nhỏ chưa đầy 1 tháng) nhưng không vì thế mà tôi không làm tròn bổn phận của mình. Bên nội, bên ngoại tôi đều lo lắng (trong khả năng vật chất của hai vợ chồng).

Nhiều khi cũng suy nghĩ tại sao lấy chồng lại phải lo cho nhà chồng đủ hết, phải nuôi em chồng dù ba mẹ chồng còn lao động được và lo được), tuy nhiên đó là ý kiến của chồng, chồng tôi không muốn ba mẹ vất vả. Anh vẫn hay nhắc tôi chuyển tiền cho em tôi ăn học. Tôi nghĩ chẳng qua chồng tôi không có điều kiện về kinh tế, nếu có anh cũng đối xử với ba mẹ, gia đình vợ tốt như gia đình anh.

Bạn có đang căng thẳng trong mối quan hệ với gia đình chồng? Bạn có lời khuyên nào cho bạn Bình Nguyên? Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email [email protected]. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

THANH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên