18/10/2017 17:27 GMT+7

Anh nông dân trẻ cứu sống hai nữ sinh bị nước cuốn

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Hai nữ sinh Lâm Đồng trên đường đi học thêm về bị rơi xuống cầu và bị dòng nước dữ cuốn đi nhưng may mắn thoát chết nhờ một nông dân trẻ giỏi bơi lội.

Anh nông dân trẻ cứu sống hai nữ sinh bị nước cuốn - Ảnh 1.

Nơi hai nữ sinh bị rơi xuống nước - Ảnh: M.VINH

Sự việc diễn ra vào khoảng 20h ngày 17-10 tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Từ khi người dân phát hiện sự cố cho đến khi hai nữ sinh được cứu chỉ khoảng 10 phút.

Lúc đó, Lưu Nguyễn Trâm Nhi (lớp 12 Trường THPT Đơn Dương) và em gái là Lưu Nguyễn Trâm Anh (lớp 10 Trường THPT Lê Lợi) đi học thêm về bằng xe máy. Đến gần giữa cầu Ông Thiều, một cây cầu sắt cũ bắc qua sông Đa Nhim, thì cầu rung lắc mạnh. Không làm chủ được tay lái, hai cô gái loạng choạng ngã rơi xuống nước. 

Nông dân trẻ Nguyễn Thanh Tùng

Chỉ trong tích tắc, hai chị em đã bị nước cuốn xa khoảng 80m. Hai chị em đã cố ôm chặt nhau mặc cho nước quăng quật. Trâm Anh ôm được một mô đá giữa sông và bám thật chặt.

Người dân xung quanh chứng kiến cảnh đó đã tri hô kêu cứu. Một nam thanh niên sống bên kia cầu đã chạy tới và không ngần ngại nhảy xuống dòng nước bơi theo hai chiếc nón bảo hiểm màu trắng của hai cô gái.

Lúc này trên cầu có đông người theo dõi nhưng không ai dám bơi theo hỗ trợ vì nước chảy rất xiết. Một mình người thanh niên đã cứu được hai nữ sinh. Hai em được chuyển ngay đến Trung tâm y tế huyện Đơn Dương và sau một đêm thăm khám đã có thể về nhà tiếp tục theo dõi.

Anh nông dân trẻ cứu sống hai nữ sinh bị nước cuốn - Ảnh 3.

Nông dân trẻ Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, quê Vạn Ninh, Khánh Hòa) - Ảnh: M.VINH

Chàng trai dũng cảm đó tên là Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, quê Vạn Ninh, Khánh Hòa). Khi được hỏi chuyện cứu người, anh ái ngại không muốn kể, nhưng mọi người động viên anh nói.

Tùng nói mình gốc là dân biển, trước khi đến Lâm Đồng làm nông, anh từng đi đánh cá với gia đình hằng ngày. Tùng đã đến xã Tu Tra làm nông được 10 năm, từ năm 20 tuổi. Nhà Tùng ở đầu cầu Ông Thiều, cách nơi hai nữ sinh rơi xuống nước khoảng 80m.

Tùng kể: "Mình đang ăn cơm trong nhà thì nghe tiếng hô hoán, mình chạy ào ra cầu quên mang dép luôn. Tâm thế lúc đó mình nhớ rất rõ là chạy ra để cứu người chứ không phải vì tò mò". Nhìn thấy giữa dòng nước chảy mạnh lấp ló hai chiếc nón bảo hiểm màu trắng, Tùng đã "mừng thầm" mà nhảy ngay xuống.

Tùng nhớ là chính mình cũng bị nước cuốn trước khi anh xoay trở thắng được lực nước. "May là có một đoạn đất bồi, mình cào chân vào đó nên dừng lại sớm", Tùng kể. Lúc này, hai nữ sinh ở cách Tùng khoảng 15m, đang cố bám vào mỏm đá và bị nước quật mạnh.

Tùng nghe rõ tiếng kêu "chú ơi, cứu con!" - giọng gào lớn nhưng không có tiếng khóc. Tùng la to "đừng lo, sắp tới rồi!" rồi thận trọng vừa bơi, vừa nhắm vào mỏm đá để lỡ có bị cuốn thì còn có chỗ bám mà cứu hai em.

Bà Đoàn Thị Bích Thu, người sống bên cầu Ông Thiều, kể: "Lúc thằng Tùng nhảy xuống mọi người kêu chắc chết hết vì nước chảy mạnh. Người ta im thin thít vì sợ. May quá, Tùng nó sống rồi cứu được mấy đứa nhỏ".

Anh nông dân trẻ cứu sống hai nữ sinh bị nước cuốn - Ảnh 4.

Sách vở của hai nữ sinh được hong khô sau tai nạn - Ảnh: M.VINH

Trâm Anh đến chiều 18-10 vẫn còn mệt mỏi nhưng đã tỉnh táo. Trâm Anh kể: "Khi chạm được chú ấy (Tùng - PV) thì con và chị lả rồi. Tụi con không còn nghĩ gì hết, vừa ôm nhau vừa cố bám được lúc nào hay lúc đó".

Trâm Anh nhớ rõ lúc trước trên cầu, em đang đi thì bánh xe trước cấn vào một gờ sắt. Xe ngã ở mép cầu còn hai chị em bị rơi xuống nước.

Trưa 18-10, chị Nguyễn Thị Thục Quyên (mẹ hai em) đã đến tận nhà Nguyễn Thanh Tùng để cảm ơn. 

Chị nghẹn ngào nói, nước mắt ngân ngấn: "Chú mà không cứu được tụi nhỏ chắc tôi chỉ có nước chết theo. Nghe bà con gọi nói tụi nhỏ té sông mà tôi không còn hồn vía. Về tới nhà, thấy người ta xúm lại đông đen, tôi cứ sợ. Tới chừng nghe con Nhi nó khóc mẹ ơi, mẹ hời tôi mới tỉnh táo lại".

Anh nông dân trẻ cứu sống hai nữ sinh bị nước cuốn - Ảnh 5.

Cha mẹ hai nữ sinh cảm ơn anh Nguyễn Thanh Tùng - Ảnh: M.VINH

Tùng bảo đêm qua anh ngủ chập chờn vì nỗi lo âu: "Lỡ mình không đến đó kịp thì chuyện gì sẽ xảy ra". Sống gần cây cầu sắt cũ này, anh đã chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm. Cách đây vài ngày, một em nhỏ rớt xuống cầu, khi anh chạy ra thì nước đã cuốn đi quá xa.

"Cho đến giờ tôi vẫn cứ tiếc về chuyện hôm đó. Cứ nghĩ tới là thấy thương, rồi nghĩ ngợi", anh nhìn ra phía cây cầu sắt, nước sông đang lên sâm sấp mặt cầu. Mỗi khi xe tải chạy ngang, tiếng những tấm sắt đạp vào thân cầu nghe ầm ầm.

Trước đó, ngày 7-10, chị Ka Nga (ngụ xã Tu Tra) chở theo hai con nhỏ qua cầu Ông Thiều cũng vướng vào một thanh sắt khiến xe ngã, cả 3 mẹ con rơi xuống sông bị nước cuốn trôi. Chị và một con may mắn được người dân cứu, nhưng cậu bé K’Minh (8 tuổi) đã không còn.

Cầu Ông Thiều bắc qua sông Đa Nhim dài khoảng 40m, nối xã Tu Tra với trung tâm huyện Đơn Dương. Cầu đã rất xuống cấp, chỉ là những tấm sắt dạng lưới hoặc liền miếng vá víu tạm bợ. Khi trời mưa, những tấm sắt trở nên trơn trợt, khi nhiều xe cùng qua thì cầu rung lắc mạnh, vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó sông thì rộng, nước chảy xiết.

mv_cuu nguoi-06

Cầu Ông Thiều đã cũ, không có hành lang, mặt cầu gần ngay mặt nước - Ảnh: M.VINH

Sáng 19-10, UBND huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã tổ chức đoàn đến tận nhà tuyên dương, khen thưởng Nguyễn Thanh Tùng vì hành động dũng cảm và quyết đoán ngày 17-10. UBND huyện Đơn Dương đã trao giấy khen cùng 5 triệu đồng tiền thưởng cho anh Tùng.

Sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã Tu Tra cũng đã cử lực lượng túc trực hai bên cầu để điều phối xe cộ, đồng thời chuẩn bị sẵn áo phao, phao cứu hộ đề phòng trường hợp khẩn cấp.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên