30/10/2022 09:54 GMT+7

Anh nhân viên 5 lần nhận giải thưởng

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Họ là những người thợ trực tiếp sản xuất nhưng không tự bằng lòng mà luôn thao thức tìm cái mới, lời giải cho những vấn đề khó trong quá trình làm việc...

Anh nhân viên 5 lần nhận giải thưởng - Ảnh 1.

Huỳnh Thanh Vũ bên hệ thống máy đã được cải tiến từ sáng kiến của anh - Ảnh: C.K.

Hôm nay (30-10), Thành Đoàn TP.HCM trao Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cho 44 bạn trẻ có nhiều sáng kiến, cải tiến hay vào thực tiễn công việc giúp làm giảm chi phí nhưng lại tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.

Các sáng kiến của mình sao cho máy móc phục vụ tốt hơn, góp phần giảm chi phí nhưng xí nghiệp tăng năng suất, giúp mình cùng nhiều người lao động khác có thu nhập ổn định hoặc tăng thêm.

HUỲNH THANH VŨ

5 lần nhận giải thưởng

Dù chỉ 8 năm công tác nhưng đây là lần thứ năm anh Huỳnh Thanh Vũ - nhân viên xưởng cơ điện Xí nghiệp bao bì Liksin (Tổng công ty Liksin) - được trao Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi của Thành Đoàn TP.HCM. 

Anh từng nhận giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc" của Trung ương Đoàn, đoạt danh hiệu "Thanh niên tiêu biểu TP.HCM", bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM với thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2021.

Vốn không chấp nhận làm việc một cách an toàn, cấp trên giao gì làm nấy, Thanh Vũ luôn tự đặt câu hỏi tại sao cho mình trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị. Điều này lý giải vì sao đến nay "bộ sưu tập" sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh đã đến con số 20, và khi áp dụng vào thực tế sản xuất đã giải quyết nhiều tình huống đặt ra mà mỗi sáng kiến có khi làm lợi hoặc tiết kiệm cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Riêng lần ứng cử Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay, anh Vũ trình làng bốn sáng kiến. Thấy công nhân phải đứng lên, ngồi xuống liên tục trong quá trình cắt cuộn carton rất mất thời gian và khá vất vả, anh đã cho ra đời sáng kiến "Thiết kế và gia công bàn cắt giấy carton cho phân xưởng khắc mạ". 

Anh đề xuất kết hợp cùng phân xưởng cơ điện thiết kế lại bàn cắt, thu gọn diện tích lắp đặt, lắp hai cuộn carton cùng lúc. Nhờ đó tiết kiệm chi phí, diện tích, lại giúp thao tác cắt cuộn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, năng suất và chất lượng cũng tăng lên.

Anh còn có ba sáng kiến khác đều cải tiến từ chính các vật liệu và thiết bị sẵn có đã được công nhận, triển khai vào thực tế đều làm giảm chi phí, tăng chất lượng. Hầu như các thiết bị, máy móc sau khi nhập về làm đơn hàng cho khách đều được anh cùng đồng nghiệp "tháo ra, ráp vào" cải tiến để có thể chạy những đơn hàng theo mẫu mã mới. 

Vừa làm vừa tranh thủ, Anh Vũ đã liên thông đại học ngành cơ điện tử để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Sáng kiến "1 phút = 7 ngày"

Lần đầu tiên cô công nhân trẻ Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang - chuyên viên phòng quản lý chất lượng sản phẩm Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi với sáng kiến "Tầm soát vệ sinh bề mặt tiếp xúc thực phẩm bằng máy ATP".

Anh nhân viên 5 lần nhận giải thưởng - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Trang kiểm tra vệ sinh máy móc bằng máy ATP - Ảnh: K.ANH

Bản thân mình luôn tự hỏi còn có cách nào làm tốt hơn hiện tại không, chỉ cần nghĩ như thế mình sẽ có cách đi tìm lời giải cho những câu hỏi tự đặt ra đó.

NGUYỄN HOÀNG QUỲNH TRANG

Trang dẫn chúng tôi theo chân vào xưởng với chiếc máy ATP nhỏ gọn trên tay, cầm que lấy mẫu rồi đưa vô máy, các chỉ số vệ sinh hiện lên ngay sau đó. Việc dùng máy đo ATP tầm soát vệ sinh bề mặt tiếp xúc thực phẩm (tay, thiết bị, dụng cụ...) được áp dụng mang lại hiệu quả nhanh chóng và giảm chi phí.

Đề xuất cách làm này, Trang mong có thể kiểm tra nhanh chóng tại các xưởng sản xuất, kết quả kiểm tra có trong 1 phút và cho phép khắc phục kịp thời. 

Việc đo này giúp kiểm tra tay người lao động, thiết bị chế biến thực phẩm bề mặt tiếp xúc tần số cao trong cơ sở có đảm bảo đủ sạch hay không trước sản xuất nhằm tránh nhiễm chéo vào sản phẩm. Qua đó, nâng cao nhận thức vệ sinh của công nhân, khắc phục kịp thời các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do vấn đề vệ sinh gây ra.

Nếu theo phương pháp truyền thống thì sẽ cần môi trường nuôi cấy vi sinh tốn kém hơn so với phí mua que test theo phương pháp ATP. Theo tính toán, áp dụng cách này, mỗi năm có thể giảm hơn 60 triệu đồng chi phí. 

Quan trọng hơn là giúp rút ngắn thời gian kiểm tra, chỉ cần 1 phút cho ra kết quả, thay vì trước đây mất 3-7 ngày nên nếu muốn xử lý tình huống cũng rất khó khắc phục. Xa hơn, phương pháp mới giảm gánh nặng cho môi trường vì phương pháp nuôi cấy vi sinh vật sẽ thải ra rất nhiều thạch vào môi trường sống, làm tăng lượng chất thải cần xử lý.

"Làm sao cùng mọi người trong công ty đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Có sáng kiến hiệu quả, lãnh đạo công ty đều xem xét cho áp dụng vào thực tế và còn khen thưởng, với mình đó là phần thưởng khích lệ lớn", Trang chia sẻ.

26 thanh niên công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi 26 thanh niên công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

TTO - Lễ tuyên dương và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần 8 - 2015 cho 26 thanh niên công nhân tiêu biểu được Thành đoàn TP.HCM tổ chức tối 15-10.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên