"Anh đang ở đâu?", "Anh đi đâu, mấy giờ về?", "Anh ngồi đó với ai?", "Ăn nhậu gì nhiều thế?", "Có em út hay không?", "Gọi mấy cuộc sao không nghe máy?", "Bật video call cho em xem" và hàng loạt câu hỏi dồn khác của vợ khiến một số quý ông điên cái đầu mỗi khi vắng nhà.
Không chỉ vậy, có cô vợ còn cài đặt định vị đồng bộ với điện thoại của chồng khiến nửa còn lại lúc nào cũng thấy mình như bị cầm tù, mỗi di chuyển của người chồng đến địa điểm khác là cô vợ đều gọi hỏi ngay "anh đi đâu?".
Vợ "quản thúc" như... em bé
Cưới nhau chưa được 3 năm, anh Hữu Thiện (25 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nói mình đã phát ngán với những điệp khúc vợ hỏi theo kiểu "kiểm soát toàn diện" mỗi khi ra khỏi nhà.
Đó là chưa kể thời gian biểu mà vợ đã sắp xếp để anh phải thực hiện, buổi tối phải làm gì từ mấy giờ tới mấy giờ. Ngày nghỉ sẽ có những công việc gì phải làm, nếu không có việc nhà cũng phải ở nhà.
Muốn đi chơi đâu anh Thiện phải nói với vợ trước để biết kế hoạch sắp xếp. Hôm nào ở chỗ làm có chút việc không thông báo kịp hay mải vui chưa kịp gọi về nhà là y như rằng vợ ở nhà nổi cơn lôi đình chờ anh về để "xử".
Anh kể ban đầu thấy cũng vui vui vì nghĩ có yêu thì vợ mới quan tâm, lo lắng như vậy. Nhưng càng ngày sự quan tâm ấy càng trở nên kỳ dị, thái quá khiến anh cảm thấy ngột ngạt, bí bách vô cùng dù mình không làm gì sai trái.
Trong khi đó, anh Minh Quân (34 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hằng ngày đi làm về, vợ đều mở ví ra xem hôm nay anh còn bao nhiêu tiền để kịp khuyến cáo nếu anh lỡ phóng tay quá trớn. Mỗi tuần vợ phát 500.000 đồng để ăn trưa, xăng xe và tiêu vặt.
Vợ anh Quân giao hẹn, nếu lỡ hết tiền mà chưa hết tuần thì phải tự xoay xở. Thế nên mới có chuyện có bạn học cũ ở quê có việc lên thành phố, tranh thủ đến thăm anh. Họ kéo nhau ra quán cà phê gần công ty hàn huyên, từ sáng đến chiều rồi mạnh ai nấy về vì ngay ngày cuối tuần nên ví anh Quân đã bẹp dí không thể mời bạn một bữa trưa cho đàng hoàng.
Anh Quân than: "Mình đi ra ngoài còn dễ thở, chứ cứ về đến nhà, ai gọi điện thoại là vợ, dù đang làm gì, cũng dỏng tai lên nghe cho bằng được. Có tin nhắn là bả chụp cái điện thoại, mở ra xem rồi tra hỏi lung tung".
Có lần chị vợ lân la trên Facebook của anh thế nào rồi về nhà làm rùm beng lên chỉ vì những dòng hài hước hay lãng mạn kiểu chém gió, có vài cô gái vào bình luận hưởng ứng hay trêu đùa.
Thường thì anh nhịn vợ vì nghĩ rằng vợ kỹ càng với tiền bạc là để lo cho gia đình, con cái, vợ yêu mình mới "ghen", nhưng càng lúc anh càng thấy không nhịn được nữa.
Quản chặt hay buông?
Việc quản nhau quá chặt trong gia đình có thể gây ra những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của hai vợ chồng.
Vợ quản chồng quá chặt có thể được xem như một hình thức kiểm soát, làm cho người đàn ông cảm thấy ngột ngạt và mất tự do trong mối quan hệ hôn nhân của mình.
Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những căng thẳng và mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân. Người bị kiểm soát cảm thấy bị đánh mất chính mình. Vì vậy, để tạo ra một gia đình tốt đẹp, cả vợ và chồng nên tôn trọng, cho nhau không gian cá nhân và đặt niềm tin vào nhau.
Việc quản chồng quá chặt có thể dẫn đến những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, dễ khiến cho người đàn ông sinh ra bất mãn. Nếu người vợ mạnh mẽ trong cách cư xử và quản mọi hoạt động của chồng thì hôn nhân của cả hai khó có thể phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Vợ cảm thấy hài lòng khi bắt buộc chồng tuân thủ các quy tắc và yêu cầu của mình. Trong khi đó, người đàn ông có thể cảm thấy bị áp đặt và không có tự do cá nhân.
Bị vợ quản quá chặt, người chồng có thể cảm thấy không được tin tưởng và mất sự tự tin của bản thân. Chính điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe tâm lý của người đàn ông. Chồng không có tự do để làm những việc mình thích hay phát triển các mối quan hệ xã hội khác.
Khi xây dựng hôn nhân, mỗi người đều phải xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng mái ấm. Đó là phải thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, công việc nuôi dạy con cái.
Nếu mỗi người đều làm tốt vai trò của mình thì sẽ không có chuyện kiểm soát lẫn nhau.
Lạt mềm buộc chặt
Thực tế cho thấy hôn nhân sẽ bất cập khi một bên bị bạn đời kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống. Bởi dù là chồng hay vợ đều không phải là robot để chúng ta lập trình, kiểm soát mọi hành động của họ trong cuộc sống, trong công việc và các mối quan hệ xã hội khác.
Người chồng cũng không phải là đứa trẻ để vợ muốn thế nào thì phải làm theo thế ấy.
Mọi sự kiểm soát dù ít hay nhiều đều khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt, nảy sinh những hành vi, suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.
Do đó, người vợ không cần phải kiểm soát, quản lý chồng theo kiểu sở hữu một món hàng hay một tài sản không hơn không kém. Sau khi kết hôn, cả hai hãy thống nhất với nhau một vài nguyên tắc trong cuộc sống hôn nhân.
Ví dụ về kinh tế, quỹ chung của gia đình do ai nắm giữ. Mỗi người có trách nhiệm đóng góp vào quỹ chung đó như thế nào. Sau thời gian dành cho công việc, vợ chồng sẽ dành cho gia đình ra sao, chia sẻ việc nhà, hỗ trợ nhau trong việc đối nội, đối ngoại hai bên bố mẹ ra sao.
Khi có con, vợ chồng sẽ có trách nhiệm trong việc nuôi dạy, chăm sóc con hằng ngày thế nào... Khi mọi việc được cụ thể hóa, mỗi người nghiêm túc thực hiện, hôn nhân sẽ hạnh phúc.
Buông bỏ, chữa lành và hàn gắn!
Việc kiểm soát chỉ xuất hiện khi vợ chồng mất niềm tin lẫn nhau, hoài nghi về những mối quan hệ của đối phương bên ngoài. Bấy giờ, hôn nhân đã có vết rạn, việc kiểm soát ấy cũng chỉ khiến cho vết rạn rõ hơn.
Hãy cố gắng buông bỏ, hiểu nhau để chữa lành và cùng hàn gắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận