Ông Vũ Chí Thành - nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 16, phân khu II kể lại trận tấn công vào Tân Sơn Nhứt, tết Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tự Trung
“Tiểu đoàn của chúng tôi thành lập năm 1965 ở Thạnh Phú, Bến Tre. Tết Mậu Thân, đại đội 3 được phân làm nhiệm vụ trợ chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất, đại đội 2 của tôi được giao nhiệm vụ đánh chốt Bà Quẹo để chặn ngả tiếp viện, một mũi khác được phân đến Đài phát thanh. Cùng nhau tiến về Sài Gòn, chúng tôi bắt tay nhau trước lúc chia tay, chúc nhau một cái tết thắng lợi...
Ông CHÂU VĂN HÒA (thương binh 2/4, chiến sĩ tiểu đoàn 269, hiện sống ở Đức Huệ, Long An)
Hôm nay, những nhân chứng và cũng là những người lính 50 năm trước kể về những khoảnh khắc lịch sử ấy...
Kỳ 1: Ngày mùng 2 tết
Trong tác phẩm ghi chép Việc từng ngày, tác giả Đoàn Thêm ghi nhận: "31-1-1968 (tức mùng 2 Tết Mậu Thân tính theo lịch miền Nam) tại đô thành Sài Gòn và Gia Định, quá nửa đêm, nhiều cơ sở bị tấn công: tòa đại sứ Mỹ, tòa đại sứ Phi Luật Tân, dinh Độc Lập, trại Châu Văn Tiếp, ngã tư Hàng Xanh, bến Bạch Đằng, Bộ Tư lệnh hải quân, phi trường Tân Sơn Nhứt và trại Hoàng Hoa Thám, trường Sinh ngữ quân đội, tiểu khu Gia Định, Đài phát thanh...".
Vài dòng ghi chép đơn giản thế thôi nhưng với những người đã bước vào Tân Sơn Nhứt đêm ấy, đó là những thời khắc chưa bao giờ mờ phai.
Ra trận như... tết
Ông Vũ Chí Thành - nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 16, phân khu II, hiện sống ở Lộc Giang, Long An - nhớ lại: "Đời chiến đấu của tôi đã cùng tiểu đoàn 16 tham dự hàng chục trận đánh lớn, nhưng đêm tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhứt ấy là trận ác liệt nhất, hi sinh lớn nhất, khiến chúng tôi tự hào nhất về tinh thần của anh em... Không thể nào quên. Từng chi tiết vẫn cứ mồn một mỗi khi nhắc lại".
Tiền thân là đoàn 5 từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam năm 1966, tiểu đoàn 16 đã tham dự nhiều trận đánh lớn ở Tây Ninh.
Ngày 29-1, tức 30 tết, tiểu đoàn được lệnh hành quân. Suốt đêm từ Tây Ninh xuyên qua Củ Chi, chiều 30-1, 100% quân số tiểu đoàn - tức 550 người của các bộ phận - đã tập kết tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, Long An.
Chưa biết lệnh, kế hoạch, chiến lược cụ thể nhưng từ vị trí đóng quân, họ đoán mình sẽ tiến vào Sài Gòn. Sự phấn khởi bùng lên xóa hết nhọc mệt. Người dân nô nức mang bánh trái đến cho. Thế là ăn tết.
Vào khoảng 4h chiều, lệnh tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Bộ chỉ huy miền tới nơi. Tiểu đoàn 16 được giao mục tiêu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhứt từ góc Tây Nam, yêu cầu giữ được 24 giờ.
Chính ủy rất lạc quan phổ biến: "Rất nhiều đơn vị đang cùng tấn công, đại quân đang tiến vào. Hẹn mùng 5 tết hội quân ở dinh Độc Lập, sẽ đãi mỗi người một chai bia 333".
Một số chiến sĩ vừa lên cơn sốt rét trước đó đã được phân ở lại, nghe vào Sài Gòn lập tức bật dậy xin đi.
Yêu cầu của chỉ huy lúc ấy: vật dụng cá nhân chôn giấu tại chỗ, balô chỉ chứa đạn, mỗi người vác thêm mấy quả B40, pháo DKZ75.
Lội qua bưng Vĩnh Lộc đến tập trung tại Nhà máy dệt Vinatexco đúng giờ G đã hẹn (tức 0h giờ ngày 31-1). Tuy nhiên có chút trục trặc nên qua 0h mà vẫn yên tĩnh. 2h sáng 31-1, tiểu đoàn 16 bắn những quả cối 82 đầu tiên về phía sân bay...".
Huy hiệu cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 - Ảnh: TỰ TRUNG
Cùng tiến về Tân Sơn Nhất
Ký ức Tết Mậu Thân 1968 hiện ra với ông Ngô Văn Miềng - nguyên tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin, tiểu đoàn 267 - hiện sống ở Tân An, Long An, như sau:
"Tiểu đoàn 267 của chúng tôi được thành lập năm 1965 ở Kiến Tường (hiện là Mộc Hóa, Long An), mới đầu có ba đại đội với 350 người. Chỉ sau hai năm, chúng tôi đã trở thành một tiểu đoàn chủ lực của phân khu II, có bảy đại đội, hơn 1.000 người, được trang bị cả vũ khí hạng nặng như trọng pháo DKZ 75, chuyên nhiệm vụ đánh đồn, chống càn, mở rộng vùng giải phóng.
Ngày 29 Tết Mậu Thân chúng tôi được thông báo địa điểm tập trung. 30 tết cả tiểu đoàn đã có mặt tại Vĩnh Lộc A, ém ngoài bụi tre, bờ ruộng.
Người dân được tin, mang bánh ú, bánh tét đến nhét vào từng balô, bóc ra đưa tận tay, mời ăn tận miệng. Chúng tôi ở đó suốt một ngày đêm chờ đợi và ăn tết cùng bà con.
Đêm mùng 1 có lệnh tấn công. Mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhứt. Các cô gái giao liên biệt động môi son má phấn, quần trắng áo màu, giày cao gót đến dẫn đường.
Tôi thầm nghĩ: "Chà, các cô này làm sao băng đồng lội bưng, làm sao chạy băng qua lộ mà không trúng đạn?". Ấy vậy mà rồi các cô ấy đã xách giày, xắn quần, lội bưng đưa chúng tôi đi ào ào.
Tiểu đoàn 16 cũng đã có mặt đủ quân số. Chúng tôi lần lượt mở đột phá khẩu qua hàng rào, ào vào bên trong sân bay. Băng lộ, vượt hàng rào đã gay go, nhưng trận chiến ác liệt chính là trên đường băng Tân Sơn Nhứt...".
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt- nơi các tiểu đoàn 16, 267, 269 tấn công trong tết Mậu Thân 1968 - Ảnh: Tự Trung
Mất yếu tố bất ngờ
Trận kịch chiến đã diễn ra ngay sau đó. Sân bay Tân Sơn Nhứt là địa điểm được canh phòng, bảo vệ cẩn mật nhất. Quân đội Việt Nam cộng hòa không bao giờ ngờ có ngày hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân đặt chân được lên đường băng sân bay.
Yếu tố bất ngờ tăng rất lớn cho cơ hội hoàn thành nhiệm vụ nhưng một sai lệch nhỏ trong việc tính ngày âm lịch giữa miền Bắc và miền Nam đã trở thành một vấn đề lớn của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân.
Khi hiệu lệnh tấn công vang lên trên đài Hà Nội bằng bài thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch đúng giờ giao thừa, miền Nam vẫn im ắng vì mới là đêm 29 tết.
Hôm sau, ngày 30 tết, ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên súng đã nổ, trong khi đó tại các đô thị và Sài Gòn, khâu chuẩn bị vẫn đang gấp rút. Yếu tố bất ngờ đã mất đi...
Không cân sức
Khi các tiểu đoàn 16, 267, 269 giật bộc phá hạ lô cốt, xé hàng rào tiến vào sân bay, trong các hanggar máy bay đã có hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến với tất cả vũ khí sẵn sàng chờ sẵn. Trận kịch chiến đã diễn ra như thế.
Sau đó đến lượt hàng loạt trực thăng, xe tăng mau chóng được quân đội VNCH điều đến đối chọi với các chiến sĩ giải phóng quân chỉ có sự quả cảm trong tim.
*************
Kỳ tới: Đồng đội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận