12/03/2017 18:24 GMT+7

Ánh mắt Việt Nam và câu chuyện Hàn Quốc

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Ngày thứ sáu 10-3, khi thông tin về vị Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye chính thức bị phế truất, dịch giả Lê Huy Khoa viết trên trang cá nhân của mình một status dài gồm 11 ý nhận định xung quanh bối cảnh con người Hàn Quốc, trong đó có một ý:

“Các bạn trẻ đọc quyển này sẽ có thêm nội lực rất nhiều

Dịch giả Lê Huy Khoa

“Chính trị là để phục vụ dân chứ không phải là cai trị: xã hội Hàn Quốc đang gặp nhiều điều bí bách cần phải giải quyết (cuộc đốt nến tập hợp ban đầu chỉ là yêu cầu tổng thống không có năng lực ra đi, nhưng bây giờ thì yêu cầu của họ đã chuyển sang cải cách thể chế chính trị, yêu cầu sửa đổi quan hệ lao động...)”.

Và đến sáng thứ bảy, dịch giả Lê Huy Khoa lại có cuộc giao lưu tại Đường sách TP.HCM về quyển sách hồi ký của cựu tổng thống Lee Myung Bak: Không có gì là huyền thoại, do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành.

Trong tập sách này, ông Lee Myung Bak có nói một ý: “Những lúc gặp khó khăn, tôi thường nhìn các bạn trẻ. Và từ ánh mắt của họ, tôi thấy được nhiệt huyết hướng đến tương lai... Quyển sách này có lẽ là câu trả lời cho những ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết đó”.

Và chúng ta cũng nhìn thấy những ánh mắt tương tự như vị tác giả sách nổi tiếng kia đề cập, trong ánh mắt những bạn trẻ đến với đường sách hôm nay, dự một buổi nói chuyện về quá trình lập thân của một người Hàn Quốc, xa nhưng không lạ.

Đa số người Hàn Quốc biết rõ chuyện đời của tổng thống Lee Myung Bak, hai chữ “huyền thoại” cũng là do người đời gán cho ông. Còn với ông, cuộc đời này không có gì là huyền thoại cả, tất cả đều do nỗ lực, bất khuất, vươn lên bằng chính mồ hôi và cả máu của mình.

Nhưng những ánh mắt của bạn trẻ Việt Nam thì chờ đợi gì từ những trang sách cuộc đời như vậy? Có thể là rất nhiều thứ. Chẳng hạn như câu chuyện vào năm 1945, vừa 4 tuổi, Lee Myung Bak cùng cha mẹ, anh chị em từ Nhật Bản hồi hương Hàn Quốc bằng đường biển.

Chẳng may tàu đắm, tuy được cứu thoát nhưng gia đình ông đã về đến quê hương với hai bàn tay trắng. Và làm thế nào mà một cậu bé trong gia đình nghèo xơ xác như thế, sống trong chiến tranh, vẫn theo đuổi việc đến trường? Hãy nghe ông nhớ lại tuổi thơ của mình:

“Tôi thường bị đuổi học vì không thể đóng học phí. Mỗi lần như vậy tôi đều leo lên núi phía sau trường, chơi một lúc và quay vào lớp nói với thầy cô rằng, cha mẹ tôi nói vài hôm nữa sẽ đóng ngay. Vì ai chẳng biết, tôi có về nhà thì cũng chẳng lấy đâu ra tiền mà đóng cả”.

Những ai từng trải qua một thời cơ cực thuở cắp sách đến trường, đọc những dòng tâm sự này dễ chừng đồng cảm đến rớt nước mắt được. Nhưng không chỉ có thế, tập sách còn những bài học về dạy dỗ con cái.

Mẹ của Lee Myung Bak đã dạy ông nghiêm khắc đến mức khi bụng đói meo mà phải đến nhà hàng xóm giúp phụ đám tiệc cũng không được nhận một miếng cơm thịt quà tặng gì đem về nhà cả, để giữ gìn sự trong sáng của tấm lòng giúp người không vụ lợi.

Rồi đến lúc làm cha, Lee Myung Bak lại dạy con gái mình biết phân biệt đúng sai, đến nỗi con ông kể rằng cô đã “nghỉ chơi” với một cô bạn chỉ vì cô này khi phạm lỗi giao thông lại đem uy thế người bố làm kiểm sát viên ra để xin được tha.

Quan trọng hơn, câu chuyện Lee Myung Bak khi làm đến phó giám đốc Hyundai, cưới vợ rồi vẫn ở nhà thuê, mà thuê nhà giá rẻ đến nỗi trong 3 năm phải chuyển nhà 8 lần, đến khi nhận chức phó giám đốc thứ hai của Hyundai thì ông mới sắm được căn nhà hơn 60 mét vuông!

Là người gắn bó lâu năm với Hàn Quốc, dịch giả Lê Huy Khoa cho rằng những bài học về cuộc đời ông Lee Myung Bak rất phù hợp với phong trào khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam. “Các bạn trẻ đọc quyển này sẽ có thêm nội lực rất nhiều” - ông chia sẻ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên