Nhiều năm rồi, tôi thức giấc trước 4 giờ 30 sáng, uống ly cà phê hòa tan nóng hổi và thong thả đọc mấy tờ nhật báo còn thơm mùi mực in. Vậy nhưng trong tuần qua, tôi lại có cảm giác buồn thảm khi đọc những mẩu tin ngắn trên các tờ báo.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa khởi tố bị can và bắt giữ một ông phó giám đốc Sở Tài chính, một ông phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này. Cả hai ông đều có dấu hiệu tham ô khi làm công tác đền bù, di dân tái định cư ở huyện Mường La. Sơn La là một tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc còn nhiều khó khăn. Dấu hiệu tham ô của hai ông này diễn tiến từ lâu, đến nay mới có quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án.
Ở Nghệ An, Tỉnh ủy tỉnh này vừa ra quyết định khiển trách ông nguyên chủ tịch huyện Tương Dương và cảnh cáo ông trưởng Phòng Tài chính kế hoạch của huyện này. Họ đã ém số tiền 5,6 tỉ đồng của Chính phủ hỗ trợ cho học sinh miền núi từ năm 2013 - 2014. Họ dùng số tiền ấy chi vào xây dựng cơ bản (?) chứ không giao qua cho ngành giáo dục cấp cho học sinh. Đến tháng 9-2017 sau khi có ý kiến của cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện, họ mới chịu trả lại. Nói cách khác, họ ăn chặn trên đầu trên cổ của hàng ngàn em học sinh miền núi nghèo và chỉ chịu nhả ra khi có dư luận phanh phui hành vi sai trái của họ.
Ở tỉnh An Giang, Huyện ủy Châu Phú vừa cảnh cáo một ông phó chủ tịch huyện và khiển trách ông trưởng Phòng Tài chính kế hoạch của huyện này. Họ đã có hành vi “bùa phép” giấy tờ nhà đất, ăn trên đầu trên cổ của người nghèo khi xây dựng khu dân cư vượt lũ, trục lợi cả tỉ đồng. Hành vi thì có dấu hiệu tham ô mười mươi nhưng việc cấu thành tội phạm thì chưa nghe nói tới.
Trong khi đó, Tỉnh ủy Kiên Giang đã kỷ luật cảnh cáo ông giám đốc Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh này. Ông đã làm mất vốn của nhà nước 11 tỉ đồng, không loại trừ khả năng có hành vi tư túi. Đồng thời với trường hợp này, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đang xem xét hành vi giúp đương sự tẩu tán tài sản của hai thẩm phán ở TAND huyện Phú Riềng.
Những nhân vật trên đều có tên có tuổi, đều là cán bộ nhà nước hoặc đứng đầu một ngành hay một địa phương, hoặc không đứng đầu thì cũng là người thừa hành chức quyền quan trọng. Các anh là ai và ỷ lại vào cái gì mà tham ô, tư túi quá vậy? Trước mắt nhìn của nhân dân, các anh là những người quan trọng; chỉ đến khi bị cơ quan công an bắt giữ hay bị cấp trên xử lý kỷ luật thì phẩm giá “dân chi phụ mẫu” của anh mới không đáng một xu!
Quan lại trong các chế độ phong kiến ngày xưa học hành không nhiều so với cán bộ ngày nay. Rất ít viên quan nào tốt nghiệp bằng cấp chính trị, nghĩa là tư duy chính trị của họ rất hạn hẹp mà sao vẫn có những viên quan sạch đến vậy, thương yêu nhân dân đến vậy, giàu khí tiết làm người đến vậy? Anh em cán bộ ngày nay phần lớn đều có bằng cấp cao và học chính trị mà sao có người tham quá vậy, nhũng nhiễu một cách tệ hại quá vậy?
Kẻ tham ô kia, anh là ai vậy? Tôi biết anh có vợ có con; vợ con anh là những người trong sáng, lương thiện; sống giữa cộng đồng với phẩm giá làm người rực rỡ. Anh có thương tiếc, quý trọng phẩm giá của những người thân yêu ấy không? Tôi tin là có, rất có. Vậy tại sao anh thản nhiên tham ô của nhà nước, tham ô của nhân dân, làm những công việc bất chính bậy bạ để kiếm đồng tiền bẩn rồi ra tòa hay chịu nhận kỷ luật của cơ quan, tổ chức. Anh đã làm nhục lây gia đình mình, vợ con mình! Lẽ nào anh không biết được điều ấy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận