Sự rối loạn giấc ngủ bao gồm rối loạn về chất lượng, số lượng, tính chu kỳ của giấc ngủ và rối loạn nhịp sinh học thức ngủ; những rối loạn này đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động, sinh hoạt của con người khi tỉnh.
Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ
Sự rối loạn giấc ngủ hay tình trạng mất ngủ được biểu hiện có liên quan đến thời lượng giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ, chức năng hoạt động ban ngày, rối loạn tâm thần kèm theo, sang chấn tâm lý và sự kiện bất lợi trong cuộc sống.
- Thời lượng giấc ngủ
Có biểu hiện giảm thời gian ngủ, ngủ ít; mỗi ngày chỉ ngủ được từ 3 đến 4 giờ, thậm chí có thể thức trắng suốt đêm hay thường tỉnh giấc về đêm.
Thường người bị mất ngủ có thời gian ngủ giảm hơn 1 giờ so với người bình thường, không có cảm giác buồn ngủ, trằn trọc không ngủ được; thời gian này kéo dài nửa giờ hoặc hàng giờ. Tình trạng mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ xảy ra ít nhất mỗi tuần 3 lần trong ít nhất 1 tháng.
Một biểu hiện khác của rối loạn giấc ngủ là ngủ không liên tục, bị chia cắt; ngủ chập chờn, không ngon giấc; khi thức giấc trong đêm rất khó ngủ lại. Người mất ngủ bị thức giấc 2 lần trong đêm so với người bình thường. Hiệu quả của giấc ngủ giảm và hiệu quả này được tính theo công thức: số giờ ngủ / số giờ nằm trên giường x 100%. Người mất ngủ có hiệu quả giấc ngủ giảm và được xác định tùy theo mức độ nặng nhẹ. Nếu mức độ nặng thì hiệu quả giấc ngủ thường dưới 65%; trong khi đó người bình thường là trên 85%.
Ngoài ra, một biểu hiện cũng cần được quan tâm là hiện tượng thức giấc sớm, phần lớn các trường hợp thường ngủ ít và tỉnh dậy sớm; cố gắng nằm lại trên giường để mong ngủ lại nhưng vẫn không ngủ được. Vì vậy thời gian rời khỏi giường còn gọi là thời gian nằm trên giường rất dài so với lúc chưa bị mất ngủ.
- Chất lượng giấc ngủ
Có sự khác biệt rõ ràng giữa người mất ngủ và người bình thường. Ở người bình thường, sau một đêm ngủ sẽ cảm thấy thoải mái, thư thái, khỏe khoắn, không còn mệt nhọc. Đối với người mất ngủ, không có các cảm giác này; trái lại bị mệt mỏi, nhiều khi không biết bản thân mình đã ngủ hay chưa; hai mắt thâm quầng, hay ngáp vặt; có trạng thái bức rức, bực dọc, khó chịu...
- Chức năng hoạt động ban ngày
Có tình trạng không thoải mái, mệt mỏi vào ban ngày; đây là trạng thái thụ động của tình trạng thiếu hụt giấc ngủ. Người bị mất ngủ thường có cảm giác uể oải, mệt nhọc, ít quan tâm đến công việc, luôn nghĩ về sức khỏe và giấc ngủ, khó hoàn thành được nhiệm vụ công việc trong ngày; giảm khả năng hứng thú và tích cực trong công việc, học tập, nghiên cứu, quan hệ, tiếp xúc với mọi người; luôn có cảm giác không được thoải mái, thiếu sự tỉnh táo nhất là vào thời điểm từ 12 đến 16 giờ. Vào buổi trưa thường có hiện tượng ngủ gà, ngủ gật.
- Rối loạn tâm thần kèm theo
Người mất ngủ ở một số trường hợp thường có trầm cảm tâm can nhẹ, khó tập trung sự chú ý, hay quên; có tình trạng lo âu kéo dài, dễ cáu gắt, bực bội, cảm xúc bị ức chế. Sự lo âu thường xảy ra vào buổi tối nhiều hơn ban ngày, nhất là khi chuẩn bị đi ngủ. Nhiều người lúc chuẩn bị đi ngủ tự nhiêm cảm thấy sợ hãi, lo lắng và cho rằng mình lại không ngủ được.
- Sang chấn tâm lý và sự kiện bất lợi trong cuộc sống
Yếu tố gây khởi phát tình trạng mất ngủ có thể do tác động của sang chấn tâm lý. Thực tế ghi nhận triệu chứng mất ngủ thường xảy ra đột ngột sau sang chấn tâm lý và tình trạng này lại duy trì rối loạn giấc ngủ. Hiện tượng mất ngủ thường tăng lên vào thời điểm có sang chấn tâm lý. Các nhà khoa học nhận thấy nhiều trường hợp sang chấn tâm lý mất đi nhưng tình trạng mất ngủ vẫn tiếp tục kéo dài. Chúng được duy trì bởi nỗi sợ hãi không ngủ được hoặc nỗi lo âu bị thức giấc vào ban đêm khi ngủ.
Các sự kiện không thuận lợi trong cuộc sống cũng có khả năng tác động lên giấc ngủ như: sự thay đổi chỗ ngủ, thay đổi môi trường sống, thay đổi múi giờ ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học. Ngoài ra, những người có khó khăn về kinh tế, về mặt xã hội cũng dễ bị mất ngủ; các yếu tố này là điều kiện để làm tăng thêm rối loạn giấc ngủ hoặc tạo thuận lợi cho sự mất ngủ xảy ra.
Điều trị tình trạng mất ngủ
Tình trạng mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ có thể được xem là một loại bệnh lý, trên thực tế tùy theo nguyên nhân tác động ảnh hưởng mà xem xét việc điều trị bằng các biện pháp khác nhau.
Cần loại trừ các yếu tố khởi phát hoặc tạo thuận lợi gây nên sự rối loạn giấc ngủ như giải quyết những vấn đề khó khăn về mặt kinh tế, về mặt xã hội; sự thay đổi môi trường sống, môi trường sinh hoạt, những sang chấn về tâm lý...
Cần tạo nên một môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thuộc, thích hợp, tin cậy... đối với người bị bệnh lý mất ngủ.
Phải tập thói quen ngủ đúng giờ, đủ giờ trong môi trường yên tĩnh, không bị rối loạn và ồn ào. Nên có một chỗ ngủ thoải mái, nếu có thể thì cần có đủ điều kiện tiện nghi, phù hợp với tính cách và đặc điểm của người bị bệnh lý mất ngủ. Nếu người có tập quán ngủ hoàn toàn trong bóng tối thì không được để có ánh sáng trong phòng ngủ. Khi người bị rối loạn giấc ngủ hay lo sợ trong khi ngủ, cần phải có người ở cùng trong phòng ngủ thì phải đáp ứng điều kiện này để khắc phục...
Trong một số các trường hợp, có thể dùng những loại thuốc ngủ, thuốc an thần theo sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa; người bị mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ không được tùy tiện sử dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khi chưa có ý kiến tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ không ít người, đặc biệt là người lớn tuổi do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau nên rất dễ có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng sinh hoạt, lao động, công tác, học tập... Khi cơ thể tự điều chỉnh, khắc phục được trong thời gian ngắn thì không thành vấn để nhưng nếu để tình trạnh này kéo dài mà không có biện pháp xử trí can thiệp phù hợp có thể gây nên những nguy hại đối với sức khỏe, vì vậy đây là việc cần được quan tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận