16/08/2024 19:06 GMT+7

Anh hùng Phạm Tuân kể về súng chống tăng đầu tiên của Việt Nam

Dù với trang thiết bị rất thô sơ nhưng với ý thức tự lực, tự cường, với lòng yêu nước và quyết tâm rất cao, giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng với cán bộ, kỹ sư của ta sản xuất thành công súng chống tăng Bazooka đầu tiên.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - Ảnh: HÀ THANH

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - Ảnh: HÀ THANH

Suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thực tiễn lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam đã minh chứng rằng bộ đội ta không chỉ giỏi về đánh trận mà còn rất giỏi trong nghiên cứu khoa học, làm chủ vũ khí trang bị.

Chế tạo vũ khí từ bàn tay, khối óc người Việt Nam

Tại cuộc gặp các anh hùng, tướng lĩnh tại nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) ngày 15-8, trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - người đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ - nhắc đến hai yếu tố then chốt để xây dựng quân đội ta, gồm con người và vũ khí.

"Hai yếu tố đó luôn song hành với nhau. Phải xây dựng con người và trang bị vũ khí, và chính con người sử dụng các vũ khí đó" - ông nói.

Anh hùng Phạm Tuân kể, nhân chuyến công tác ở Paris (Pháp) vào năm 1946, với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ đã thuyết phục được rất nhiều nhà khoa học, cán bộ trẻ về nước tham gia xây dựng quân đội, trong đó có giáo sư, viện sĩ, thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (tức Phạm Quang Lễ).

Lúc bấy giờ, Trần Đại Nghĩa đang là một kỹ sư của Pháp, đã theo Bác Hồ về nước và nhận nhiệm vụ lên xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên. Tại đây, ông đã nghiên cứu sản xuất vũ khí, chế tạo súng chống xe tăng dựa theo mẫu súng Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp.

Dù với trang thiết bị rất thô sơ nhưng với ý thức tự lực tự cường, với lòng yêu nước và quyết tâm rất cao, với nhiệt huyết của một nhà khoa học, giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng với cán bộ, kỹ sư của ta sản xuất thành công khẩu súng chống tăng đầu tiên mang tên Bazooka, kịp thời cung cấp cho chiến trường.

Ngay đầu tháng 3-1947, súng Bazooka đã lập chiến công đầu tiên. Bằng 3 khẩu Bazooka với 10 quả đạn, bộ đội Trung đoàn thủ đô đã diệt 2 xe tăng của địch ở Chúc Sơn - Chùa Trầm (huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội), khiến giới quân sự Pháp ngạc nhiên vì không biết Việt Nam lại có súng như vậy.

Sau súng Bazooka, để đáp ứng yêu cầu trên chiến trường, cùng các kỹ sư của ta lại một lần nữa nghiên cứu một loại vũ khí mạnh hơn có khả năng tiêu diệt, xuyên thủng các boong ke, lô cốt của địch.

Đó là súng SKZ (còn gọi là súng không giật) hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, với công nghệ chế tạo của người Việt Nam. Súng SKZ đã được ứng dụng ngay trên chiến trường trong trận đầu tiên ở Phố Lu (Lào Cai) và lập chiến công xuất sắc, phá tan boong ke kiên cố của Pháp.

"Địch bỡ ngỡ về vũ khí của chúng ta từ đâu mà ra. Đó chính là từ bàn tay, khối óc của con người Việt Nam. Tôi muốn nói điều đó để thể hiện được rằng, quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác nhưng sản xuất vũ khí cũng là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội ta" - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân chia sẻ.

Xây dựng quân đội phải bắt nguồn từ giáo dục lòng yêu nước

Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam "chính quy, từng bước hiện đại", một số quân binh chủng "tiến thẳng lên hiện đại" như lực lượng Không quân, Hải quân. Do đó, việc trang bị vũ khí, sản xuất vũ khí của chúng ta hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện thế giới hiện nay.

Theo trung tướng Phạm Tuân, quân đội ta phải luôn quán triệt quan điểm tự lực tự cường, làm sao sản xuất được những loại vũ khí tốt nhất để trang bị cho quân đội. "Đây là yếu tố hết sức quan trọng, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, nâng cao sức chiến đấu và khả năng chiến đấu của bộ đội ta. Với vấn đề vũ khí, tất cả các nước trên thế giới đều làm như vậy, không chỉ riêng nước ta" - ông nói.

Suốt 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sáng ngời truyền thống "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, anh hùng Phạm Tuân cho rằng không chỉ giữ gìn truyền thống mà thế hệ trẻ phải làm sao phát huy được truyền thống đó lên tầm cao mới, lập nên những chiến công lớn hơn nữa trong các lĩnh vực. Đặc biệt cần phải có được những nhà khoa học nổi trội, những nhà nghiên cứu để sản xuất ra các loại vũ khí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam chúng ta.

"Phải vươn lên, phải học tập tốt hơn, trong đó gốc rễ là giáo dục truyền thống, để thấy được rằng từ 34 chiến sĩ (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - PV), qua các giai đoạn cách mạng, qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chúng ta đã trưởng thành và qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ chúng ta càng trưởng thành hơn.

Để xây dựng quân đội phải bắt nguồn từ giáo dục lòng yêu nước. Không có lòng yêu nước thì muốn nói đến đâu cũng không thể làm được. Đó là cốt lõi nhất của giáo dục chính trị" - trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân nhắn nhủ đến thế hệ trẻ.

Anh hùng Phạm Tuân kể về súng chống tăng đầu tiên của Việt Nam- Ảnh 2.

Anh hùng, tướng lĩnh hội ngộ ở rừng thiêng ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quânAnh hùng, tướng lĩnh hội ngộ ở rừng thiêng ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Ngày 15-8, tại Cao Bằng diễn ra chương trình gặp mặt, tri ân các đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với chủ đề 'Về nơi khởi nguồn'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên