04/01/2014 08:21 GMT+7

Anh hùng mà chi khi dân không phục

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Câu chuyện “Anh hùng khai man” đã đến hồi kết, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có kết luận chính thức: ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã đồng ý đề nghị Nhà nước hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã trao cho ông Mãn (xem Tuổi Trẻ ngày 3-1-2014).

Dư luận ở Thừa Thiên - Huế rất vui mừng khi trung ương đã giải quyết “vụ việc phức tạp và nhạy cảm” một cách rất mạnh mẽ. Và không chỉ ở Huế, bạn đọc báo Tuổi Trẻ ở nhiều địa phương trong nước, qua ý kiến phản hồi của họ, đều bày tỏ sự đồng tình rất cao với cách giải quyết này. Vậy là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu vinh dự của Nhà nước, đã buộc phải thu hồi vì trao nhầm. Đó là một nỗi đau, nói như một vị lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là “một tổn thất cho Huế”, nhưng chữa lành nó thì tạo ra niềm vui gấp bội. Đó là lý do người dân lại vui khi đón nhận quyết định của Ban Bí thư.

Vui nhưng người dân cũng không quên đặt ra câu hỏi: vì sao cả một hệ thống cơ quan tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn, gồm hệ thống của chính quyền, các cấp ủy Đảng và các cấp chỉ huy quân đội từ cấp huyện đến trung ương, quy mô và bài bản như vậy mà lại để bản thành tích giả lọt qua? Người dân phê bình ông Mãn, nhưng bất bình với các cơ quan đó không chỉ để lọt qua mà còn xác nhận đó là thành tích thật.

Đã có người đưa ra câu trả lời: là vì lúc đó ông Mãn đương chức bí thư tỉnh ủy nên các cơ quan của tỉnh không thể không làm theo chỉ đạo. Trong buổi làm việc với các cựu chiến binh đã tố cáo sự khai man này (hôm 2-1), ông Lê Hồng Liêm - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - cho biết Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã sai khi xác nhận bản thành tích này, nhưng nhiều cơ quan khi xem xét hồ sơ lại chỉ dựa vào xác nhận của Văn phòng Tỉnh ủy.

Hỏi chuyện một vài vị cán bộ trong các cơ quan này, họ nói nếu quay trở lại thời điểm đó sẽ thấy khó mà không xác nhận, dù cũng đã nghe lời phản đối với đề nghị phong tặng Anh hùng này.

Ngay khi ông Mãn vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng, đã nghe dậy lên dư luận bất bình. Những người tố cáo ông Mãn chính là những người đã từng cùng ông nằm hầm bí mật, đã cùng thoát chết qua những trận đánh ác liệt mà nhiều đồng đội họ đã ngã xuống. Họ rất công bằng khi nói về ông, rằng ông là một du kích rất gan dạ và mưu trí, nhưng nếu nói ông là người chỉ huy hàng trăm trận đánh, tiêu diệt hàng trăm nhân mạng địch thì họ không thể chấp nhận. Chính vì vậy mà ngay cả người anh họ, đồng thời là đồng đội của ông, cũng ký tên vào lá đơn tố cáo đau lòng này. Họ nói nếu ông đừng làm cái việc khai man này thì đồng đội và cả hậu thế sẽ không bao giờ quên những chiến công rất oanh liệt của ông. Như thế ông sẽ thật sự là anh hùng, đúng nghĩa cả lý lẫn tình!

Suy cho cùng, mọi danh hiệu cao quý sẽ được cuộc sống thẩm định một cách chính xác. Anh hùng thật sự là anh hùng chỉ khi được nhân dân công nhận. Anh hùng mà chi khi nhân dân không “tâm phục, khẩu phục”?

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên