Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - Ảnh: H.T.DŨNG
Gạo "ngon nhất thế giới"
Ông Hồ Quang Cua tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Trường Đại học Cần Thơ năm 1978. Sau khi lấy bằng kỹ sư, ông trở về quê nhà làm việc tại Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Năm 1997, ông giữ chức phó giám đốc Sở NN-PTTN tỉnh Sóc Trăng.
Ghi nhận thành tích và đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam, kỹ sư Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN-PTNT, đoạt hạng nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.
Cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017).
Năm 2011 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2013, ông nghỉ hưu.
Sau khi về hưu, ông thành lập 2 doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang và Hồ Quang Trí, do con trai ông làm giám đốc, còn ông làm cố vấn.
Có thời gian, người ta thấy GS Võ Tòng Xuân hay đi đi, về về giữa Việt Nam - Campuchia. Không ít người bị "sốc" khi có tin đồn vị giáo sư đáng kính của làng nông nghiệp Việt Nam và thế giới sang nước láng giềng Campuchia "học trồng lúa".
Tháp tùng với giáo sư Xuân, anh hùng lao động Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng, người nổi tiếng khi nghiên cứu cho ra đời dòng lúa ST, cũng là học trò của GS Xuân. GS Xuân nói ông và học trò của mình đi sang Campuchia không ngoài mục đích để quan sát cách mà nước láng giềng được giúp làm thương hiệu. Người Campuchia được hưởng nhiều lợi ích từ việc làm thương hiệu gạo. Gạo của họ nhiều năm được công nhận ngon nhất thế giới. Giá gạo thơm của họ cao hơn nhiều gạo thơm xuất xứ Việt Nam.
Xu hướng tìm mua gạo ngon - lành và sự thành công của Campuchia ít nhiều cũng tác động lên những nghĩ suy của người làm lúa gạo Việt Nam.
Với dòng gạo ST, loại gạo thường xuất hiện ở những nhà hàng cơm ngon, ở những buổi tiệc cơm sang trọng... ông Cua cho rằng, về mức độ thơm ngon gạo ST24 không thua gạo "ngon nhất thế giới" của Campuchia. Ông càng quyết tâm đưa đẳng cấp hạt gạo thơm ST về đúng vị trí mà nó xứng đáng.
Tháng 11 năm ngoái (2017), tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo, do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo đặc sản Sóc Trăng (ST24) có những phẩm chất vượt trội như: ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa...đã được chọn và vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.
ST24 là giống lúa cải thiện ngắn ngày, trồng được quanh năm. "Ngắn ngày là một ưu điểm cực lớn, có ưu thế cho thóc tươi quanh năm nên đã lọt vào mắt xanh của ban giám khảo", kỹ sư Anh hùng lao động Hồ Quang Cua ví von.
Tin tức chiến thắng của gạo ST14 không chỉ làm nở mặt ngành lúa gạo Việt Nam, mà còn như một lời tuyên bố về năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng vùng gạo ngon - lành mang thương hiệu Việt ra thế giới.
Hạt gạo hãnh tiến
Ông Hồ Quang Cua kể, khi xưa vùng đất Bãi Xào thuộc tỉnh Sóc Trăng, quê hương ông, đã nổi tiếng về gạo ngon. Từ năm 1914 gạo Bãi Xào được "xuất ngoại" đi Âu Châu. "Phát huy một di sản đã trở thành trầm tích của kẻ hậu bối được xem là nhiệm vụ của chuyên viên nông nghiệp địa phương", kỹ sư Cua chia sẻ.
Việc chọn tạo giống lúa mang họ ST diễn ra với nhiều cảm xúc. Ông biết mình đi đúng hướng và quyết tâm đi cho tới cùng đã cho ra đời những giống lúa ST thích ứng ở mỗi giai đoạn. Nhưng giai đoạn nào thì ông cùng các cộng sự cũng chứng minh được, khi thành quả của sáng tạo thích ứng với cuộc sống và đòi hỏi của thị trường. Năm 2001, ST3 thơm ngon được Bộ NN&PTNT xét đặc cách công nhận là giống lúa quốc gia. Đến nay, ST3 tuy đã hết vai trò, nhưng nguồn gen thơm ngon của nó vẫn lưu truyền trong các giống ST sau này. Sau đó, những giống lúa vừa mang họ ST lần lượt ra đời. Nó tạo nên những điểm nhấn quan trọng cho đồng đất, lại được thị trường đánh giá cao. Như năm 2008, 2 giống ST19 và ST20 được thị trường tiêu thụ với giá 6.000 đồng/kg lúa tươi, một kỷ lục lúc đó.
Khi được hỏi về sức sống của những giống lúa nhà ST, ông Cua hóm hỉnh: "Trồng ở đâu cũng được nhưng nay nó được đi huy động để chống biến đổi khí hậu rồi". Ông giải thích thêm: "Như nhiều "anh em" nhà ST khác, ST24 rất chịu đất mặn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, bán đảo Cà Mau nhưng đưa vào đất phèn Mộc Hóa, Kiến Tường nó cũng tốt luôn". Theo kỹ sư Cua, nếu trồng ở chính vụ, ST24 là lúa cao sản, nhưng chi phí thấp vì ít tốn tiền mua thuốc.
Ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao những đóng góp của kỹ sư Hồ Quang Cua. "Những năm qua, thị trường có nhiều loại gạo ST nổi tiếng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Sóc Trăng đã và đang có nhiều dự án phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, tập trung vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Chuyện cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận