Zhu Ting (26 tuổi) là đội trưởng của tuyển bóng chuyền Trung Quốc. Sau Olympic Tokyo, cô nhận được hàng loạt chỉ trích, vu khống trên mạng xã hội, khi để thua tại vòng bảng. Trước đó, họ từng giành được HCV ở Olympic Rio 2016.
Ngôi sao bóng chuyền này đã chụp lại hàng loạt báo cáo về các bằng chứng cô thu thập được, đăng tải kèm caption: "Bằng chứng đã được xác nhận. Tôi đã đưa đến cảnh sát và thực hiện các yêu cầu trách nhiệm hình sự. Tiếp theo, Toà án Nhân dân".
Luật sư được ủy thác của Zhu đã thông báo "từ ngày 19-9 đến ngày 2-8, một số cư dân mạng đã tung tin đồn về Zhu và cố tình bôi nhọ cô ấy".
Theo lý giải về thành tích sút kém của tuyển bóng chuyền Trung Quốc tại Olympic Tokyo, Zhu đã gặp chấn thương khiến cô không đạt được phong độ tốt nhất.
Tuy nhiên qua lời dân mạng, hàng loạt tin đồn xoay quanh Zhu về sự bất hoà giữa cô và các đồng đội, cùng những hợp đồng quảng cáo - chính là điều dẫn đến thành tích kém cỏi tại kỳ Thế vận hội này.
Rất nhiều bình luận đã để lại phía dưới bài đăng, ủng hộ hành động của ngôi sao bóng chuyền Trung Quốc.
Một cư dân mạng viết: "Internet không phải là nơi nằm ngoài pháp luật. Chúng tôi ủng hộ Zhu Ting bảo vệ quyền lợi của mình theo luật pháp và bảo vệ chính bản thân mình trước pháp luật".
Yan Yimming, một luật sư bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại Thượng Hải, trả lời với Thời báo hoàn cầu: "Bạo lực mạng rất có thể cấu thành tội phạm, trong đó, phỉ báng và lăng mạ là hai hình thức phạm tội rất phổ biến trên không gian mạng.
Thông thường, việc công khai xúc phạm người khác có thể bị phạt tù không quá 3 năm nếu xét tình tiết nghiêm trọng. Mọi người nên tôn trọng các vận đông viên Trung Quốc, không chỉ Zhu Ting".
Phó giáo sư Liu Hailong thuộc Trường Báo chí và Truyền thông, ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng, những người đổ lỗi cho Zhu rất có thể là fan của cô. Tuy nhiên, khi thần tượng có một màn trình diễn thất bại tại một đấu trường thể thao lớn, đã khiến họ "sụp đổ" và quay ra chỉ trích thần tượng của mình.
Tuy nhiên, giáo sư Liu nhận định rằng việc Zhu đã đẩy sự việc đi quá xa khi nhờ cậy đến pháp luật. Ông cho hay: "Người nổi tiếng nên có tâm lý chấp nhận rủi ro trước dư luận. Bảo vệ quyền lợi bằng luật pháp rất lạnh lùng, có thể khiến người hâm mộ ngần ngại khi muốn nhắc đến thần tượng của mình. Còn trên mạng, đăng đàn giải thích sẽ phù hợp hơn".
Sau Olympic Tokyo, Zhu Ting không phải là vận động viên duy nhất bị "bạo lực mạng" vì màn trình diễn không đạt yêu cầu. Thậm chí, có những trường hợp dù thi đấu xuất sắc đến mấy, đem về huy chương vàng nhưng vẫn bị chỉ trích vì... trang phục, cân nặng, xu hướng tính dục hay ngoại hình.
Thế mới thấy, "anh hùng bàn phím" ở đâu cũng có!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận