Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Alok Sharma - bộ trưởng Chính phủ Anh, chủ tịch COP26 - chiều 28-5 - Ảnh: VGP
Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 26 (COP26) sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây tại Glaslow, Scotland. Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong các lãnh đạo thế giới được mời tham dự.
Việc chuyển dịch và phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn đa dạng hóa đầu tư từ nước ngoài - những yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn.
Bộ trưởng Alok Sharma (chủ tịch COP26)
* Vì sao COP26 quan trọng, thưa ông?
- Đây sẽ là cơ hội và hi vọng cuối cùng để kìm hãm sự nóng lên của Trái đất như những gì mà chúng ta đã cam kết tại Paris vào năm 2015 - duy trì mức tăng toàn cầu ở 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trên thực tế, kể từ ngày Thỏa thuận Paris được ký kết, các khủng hoảng liên quan đến khí hậu vẫn tiếp tục xảy ra, đặt cuộc sống của hàng triệu con người vào rủi ro.
Trước những thách thức đó, Vương quốc Anh - với tư cách nước chủ trì COP26 - sẽ kết nối các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội nhằm thúc đẩy các nỗ lực trong năm lĩnh vực chính bao gồm thích ứng và khả năng chống chịu, thiên nhiên, năng lượng, giao thông và tài chính.
* Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry đã chỉ trích Trung Quốc gay gắt vì hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than ở nước ngoài. Ông nghĩ như thế nào về quan điểm trên?
- Phải nói rằng tôi rất mừng khi chính quyền mới của Mỹ cuối cùng đã lựa chọn trở lại tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông John Kerry và tôi chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng trong việc tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề này. Mới đây, các nước công nghiệp phát triển G7 đã nhóm họp và khẳng định cam kết ngừng hỗ trợ tài chính để phát triển điện than từ năm nay.
Riêng đối với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu đưa nước này đạt trung hòa cacbon trước năm 2060, cũng như giảm tiêu thụ than đến năm 2030.
Tuy nhiên, cái mà chúng tôi muốn thấy là Trung Quốc sẽ thực sự làm những gì để thực hiện các cam kết đó hơn là chỉ nói bằng lời. Trung Quốc vẫn là quốc gia có mức phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Do đó, việc nước này hành động ra sao mang ý nghĩa sống còn đối với tất cả chúng ta.
Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng cần nhìn trực diện vào viễn cảnh tồi tệ chắc chắn sẽ xảy ra nếu thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.
* Đề án Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đã bị hoãn thông qua tới sớm nhất là tháng 6-2021. Theo ông, có những vấn đề nào Việt Nam cần lưu ý trong quá trình rà soát này?
- Nhiều nghiên cứu đã cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên quá 2 độ C, đẩy cuộc sống của khoảng 17 triệu hộ gia đình vào nguy kịch.
Nền kinh tế vốn đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam cũng sẽ phải gánh những thiệt hại nặng nề nếu không có những hành động cấp bách để cắt giảm 70% mức phát thải hiện tại.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, đặt trọng tâm vào chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững.
Việc rà soát Quy hoạch điện VIII là cơ hội để cải thiện cấu trúc thị trường và kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Trước các quyết định đầu tư, dù có hứng thú với việc rót vốn vào thị trường năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp vẫn luôn muốn biết về các chính sách, ưu đãi mà họ sẽ được nhận và đảm bảo có các hợp đồng mua bán điện dài hạn.
Chính phủ Việt Nam cần phải cho họ thấy được những cơ hội khi tham gia quá trình chuyển dịch từ than đá sang năng lượng tái tạo, cũng như xu hướng chung của toàn cầu khi các nước lớn đang tiến dần đến nền kinh tế cacbon thấp vào năm 2030.
Một điều đáng chú ý nữa, dù Quy hoạch điện VIII đặt tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất, riêng tỉ trọng điện than giảm nhưng sản lượng vẫn tiếp tục tăng. Đây là điểm rất cần phải xem xét.
* Vương quốc Anh dự định triển khai dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới tại Bình Thuận, Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của dự án này?
- Bất chấp việc phải chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể là nước dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng nhờ tiềm năng điện gió và điện mặt trời dồi dào. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để loại bỏ từ từ sự phụ thuộc vào điện than.
Nhìn vào Anh như một ví dụ, chúng ta sẽ thấy vào năm 2012, có 40% lượng điện của chúng tôi đến từ các nhà máy điện than. Ngày nay tỉ lệ đó đã giảm đáng kể còn ít hơn 2%. Sự thay đổi này là nhờ chúng tôi phát triển điện gió ngoài khơi.
Với những kinh nghiệm sẵn có, Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình xây dựng hệ thống này trên cả phương diện đưa ra các chính sách về khí hậu lẫn tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh.
Cần phải nhấn mạnh rằng cộng đồng doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, với tư cách là nhà đầu tư vào các dự án năng lượng cũng như bên tiêu thụ năng lượng.
Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh
Theo Cổng thông tin Chính phủ, trong cuộc gặp Bộ trưởng Anh Alok Sharma chiều 28-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song Việt Nam luôn xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững, đang từng bước chuyển đổi ổn định, hài hòa, hợp lý, có hiệu quả; trong đó quan tâm đến việc làm và đời sống của người lao động trong quá trình chuyển đổi.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít cacbon và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tại các khu vực đang ngày càng chịu các tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
DIỆU AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận