Quảng cáo và truyền thông được cho là cũng có trách nhiệm trong việc gây ra tình trạng béo phì của người dân - Ảnh: AFP
Theo số liệu của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh (PHE), hơn 60% người trưởng thành ở Anh được xếp vào diện thừa cân hoặc béo phì. Còn theo báo Telegraph, khoảng 1/10 trẻ em bắt đầu vào tiểu học ở Anh bị béo phì và lên cấp 2 tỉ lệ này tăng lên 1/5.
Các vấn đề sức khỏe liên quan cân nặng đã gây tốn kém khoảng 6 tỉ bảng Anh (7,69 tỉ USD) cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) và chỉ riêng trong năm ngoái, gần 900.000 ca bệnh nhập viện liên quan tới béo phì, trích số liệu của báo Telegraph.
“Mọi người đều hiểu việc giảm cân khó khăn thế nào, vậy nên chúng tôi sẽ hành động quyết liệt để giúp những ai cần làm điều đó.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock
Thủ tướng Johnson muốn giải quyết tình trạng béo phì sau khi kết quả nghiên cứu của PHE cho biết những người bị thừa cân hay béo phì có nguy cơ chết vì các bệnh hiểm nghèo hay COVID-19 cao hơn 40%.
Bản thân thủ tướng Anh cũng đã phải đương đầu với thách thức giảm cân kể từ sau khi ông phải nằm điều trị trong phòng hồi sức tích cực vì mắc COVID-19.
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh chia sẻ thông điệp của chính quyền: "Dịch bệnh COVID-19 đã cảnh báo chúng ta về những nguy cơ trước mắt và lâu dài của việc thừa cân và thủ tướng bày tỏ rõ là chúng ta phải tận dụng thời điểm này để sống khỏe mạnh hơn, tích cực hơn và ăn uống lành mạnh hơn".
Theo đó, nước Anh sẽ triển khai những kế hoạch cụ thể nhằm tạo động lực để người dân "kiểm soát tương lai bằng cách giảm cân, tích cực và chủ động duy trì một lối sống lành mạnh hơn". Các dịch vụ kiểm soát cân nặng sẽ được mở rộng trong NHS.
Mặc dù chiến dịch giảm cân sẽ có lợi với tất cả mọi người, song mục tiêu hướng tới của nó là khoảng 35 triệu người Anh được xác định là những người cần giảm cân ngay lúc này.
Sẽ có những quy định cụ thể như cấm quảng cáo về đồ ăn nhanh trên tivi hay trên các nền tảng trực tuyến trước 21h mỗi ngày ở phạm vi toàn quốc; chấm dứt các chương trình khuyến mãi kiểu "mua 1 tặng 1" với những loại thức ăn nhanh và buộc phải nêu rõ lượng calo của món ăn trên các thực đơn tại các nhà hàng, chuỗi cà phê hay bán đồ mang đi có hơn 250 nhân viên.
Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng sẽ khởi động quá trình tham vấn về việc có cần ghi rõ lượng calo trên các đồ uống có cồn. PHE sẽ kêu gọi người dân duy trì lối sống lành mạnh hơn và giảm cân nếu cần với sự hỗ trợ của một loạt công cụ và ứng dụng trên thiết bị điện tử.
"Giảm cân là việc khó nhưng với một vài thay đổi nhỏ, chúng ta có thể cảm thấy cân đối, khỏe mạnh hơn", Hãng tin Reuters dẫn chia sẻ của Thủ tướng Boris Johnson.
Giới quảng cáo lo lắng
Bà Sue Eustace - giám đốc phụ trách truyền thông tại Hiệp hội Quảng cáo ở Anh - cho rằng những biện pháp chống béo phì của chính phủ là "cực đoan", "không cần thiết" và cũng sẽ có ít tác dụng trong việc giảm tình trạng béo phì.
Bà cảnh báo các biện pháp này sẽ gây thêm "những hệ lụy trên diện rộng" cho ngành kinh doanh thực phẩm, cũng như các trang báo mạng đang cố gượng dậy sau ảnh hưởng của dịch bệnh và phong tỏa.
Dù vậy, biên tập viên sức khỏe Hugh Pym của Đài BBC cho rằng nếu được thực thi, chính sách mới chống béo phì của Chính phủ Anh vẫn sẽ tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức tiếp thị thực phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận