Ngày 31-3, cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Anh với các nước Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã kết thúc, với tuyên bố chung kết thúc quá trình đàm phán gia nhập CPTPP của Anh.
Động thái này sẽ mở đường cho việc ký kết dự kiến vào cuối năm nay và phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên vào năm sau 2024.
Những lợi ích của Việt Nam
Trả lời Tuổi Trẻ, Đại sứ Iain Frew cho biết Việt Nam đã ủng hộ Anh trong suốt năm vòng đàm phán giữa Anh với tất cả thành viên CPTPP. Vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Phú Quốc (Việt Nam) vào cuối tháng 2 đầu tháng 3-2023, đã giải quyết gần như tất cả các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.
"Kể từ vòng đàm phán đó, chúng ta đã thấy kết quả cuối cùng tuyệt vời của các cuộc đàm phán suốt hai năm qua. Tôi vui mừng và rất tự hào về vai trò của Việt Nam trong hợp tác với nước Anh", Đại sứ Iain Frew bày tỏ.
Không chỉ đại sứ Anh, trong cuộc họp trực tuyến ngày 31-3, các bộ trưởng Anh và CPTPP cũng đã gửi thông điệp đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức thành công vòng đàm phán tại Phú Quốc.
Đáp lại, trên cơ sở kết quả đàm phán cả về mặt đa phương và song phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam ủng hộ Anh sớm hoàn tất quá trình gia nhập CPTPP.
Chia sẻ thêm về lợi ích của việc Anh sắp trở thành thành viên CPTPP, Đại sứ Iain Frew cho biết sự có mặt của Anh sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương mà Anh đã ký kết với các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam.
Một số mặt hàng xuất khẩu sang Anh của các nước thành viên, vốn chưa được miễn giảm thuế dựa trên các hiệp định song phương, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi hơn trong khuôn khổ CPTPP.
Khi được hỏi về các cam kết giảm thuế cụ thể của Anh đối với Việt Nam, Đại sứ Iain Frew cho biết nội dung chi tiết sẽ sớm được công bố, có thể là vào tuần sau.
Ông khẳng định các công ty Việt Nam đang tiếp cận thị trường Anh rất tốt và những cam kết giảm thuế của Anh trong khuôn khổ CPTPP "sẽ còn tốt hơn nữa".
Những ngành xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Ở chiều ngược lại, Anh cũng có thể tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thiết bị, công nghệ phức tạp sang Việt Nam. Dòng đầu tư từ Anh sang các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ mở rộng hơn trước nhờ sự gia nhập này.
Chiến thắng của phe ủng hộ Brexit
Dù nhiều quốc gia thành viên CPTTP được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều từ việc Anh gia nhập hiệp định này, nhưng lợi ích kinh tế của chính nước Anh trước mắt sẽ khá hạn chế. Các dự báo của riêng Anh, được công bố vào năm 2021, cho thấy việc tham gia CPTPP sẽ chỉ thúc đẩy nền kinh tế của nước này thêm 0,08%.
Điều này là do Anh đã có các thỏa thuận thương mại song phương với hơn một nửa quốc gia CPTPP. Lợi ích đó có thể tăng lên nếu các quốc gia như Thái Lan và Hàn Quốc gia nhập hoặc Anh nâng cấp các hiệp định sẵn có.
Việc gia nhập CPTPP sẽ là một chiến thắng lớn đối với các nhà đàm phán của Anh, đặc biệt là đối với Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những người ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit - có hiệu lực từ tháng 1-2020).
Song theo ông Shanker A Singham - cựu trợ lý bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh, tuyên bố kết thúc đàm phán CPTPP ngày 31-3 là cột mốc đánh dấu việc Brexit không thể bị đảo ngược, theo báo Telegraph.
Điều này là do CPTPP yêu cầu các nước phải tự chủ trong việc kiểm soát hệ thống các quy định pháp lý, trong khi EU yêu cầu tất cả thành viên phải tuân theo luật chơi chung của khối về thương mại.
Một vấn đề khác khi Anh trở thành thành viên CPTPP là lá phiếu của London sẽ dành cho Trung Quốc đại lục hay Đài Loan - những nền kinh tế đang xin gia nhập khối.
Theo quy định, việc kết nạp cần được sự đồng ý của tất cả thành viên hiện có. Các chính khách Anh, trong một số cuộc gặp với giới lãnh đạo Đài Loan, đã né tránh cho biết quan điểm về việc này.
Trả lời tờ Politico, bà Minako Morita-Jaeger, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại quốc tế tại Trường Kinh doanh Đại học Sussex (Anh), cho biết chủ tịch Nhóm công tác kết nạp Anh vào CPTPP là Nhật Bản đã làm việc "thực sự nghiêm túc" để "Anh chấp nhận tất cả các quy tắc hiện có của CPTPP mà không có bất kỳ ngoại lệ nào".
Lý do, theo bà Minako Morita-Jaeger, là bởi Nhật Bản không muốn tạo ra tiền lệ thỏa hiệp để Trung Quốc tận dụng.
Nước Anh cảm ơn Việt Nam!
"Việt Nam đã liên tục và nhất quán ủng hộ tư cách thành viên của Anh và chúng tôi thực sự biết ơn cũng như đánh giá cao sự hỗ trợ đó", Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew trả lời Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn nhanh ngày 31-3.
Năm ngoái, Anh đã ký với Singapore, một thành viên của CPTPP, một hiệp định về kinh tế số.
Trả lời Tuổi Trẻ liệu có một hiệp định tương tự như vậy giữa Anh và Việt Nam trong tương lai, ông Iain Frew cho biết hiện tại chưa có kế hoạch cho việc này. "Song tôi rất mong muốn được nhìn thấy hai nước thiết lập nền tảng cho thương mại kinh tế kỹ thuật số trong tương lai bởi đó là hướng đi cho tất cả các nền kinh tế", đại sứ Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận