21/03/2018 07:46 GMT+7

'Anh đợi tôi chút, tôi gửi lại anh tiền thừa'

LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)
LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)

TTO - Chỉ một câu nói ấy thôi, nhưng theo bạn đọc Lương Đình Khoa cũng đủ để làm lòng mình thực sự dịu lại giữa phố, quên đi cái mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Và, đó là 'hồn quê" ở phố!

Anh đợi tôi chút, tôi gửi lại anh tiền thừa - Ảnh 1.

Giữa lòng phố thị mang tên Hà thành này, nhiều khi chỉ cần bắt gặp một cái gì đó, hình ảnh nào đó... lạc, không cùng gu với phố, khác đi với phố, cũng đủ để ánh nhìn mình hút vào.

Không phải vì tò mò, để soi mói. Mà là để trân trọng. Để tìm một chút gì mộc mạc nhất, chân thành nhất, gần gũi nhất, ấm áp nhất, thậm chí là cả thánh thiện nhất trong lòng Hà Nội. 

Như những người từ quê, hoặc mang hồn quê, tấm lòng quê tảo tần trong lòng phố - cái tảo tần vẫn còn giữ nguyên được sự thật thà, chân thành. 

"Trong cái xô bồ của cuộc sống mạnh được yếu thua, đôi khi phải cám ơn những người quê gánh tảo tần. Họ đã mang bình yên, mang cả sự yêu thương vào trong lòng thành phố".

Lương Đình Khoa

Tựa người đàn ông này, chiều 30-5-2016, mình gặp trên hè đường ở chợ Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội). Thực ra định rẽ qua đó mua chút khoai lang về làm salad Nga. Nhưng bất giác gặp hình ảnh này, bị hút vào ngay. Vì ông như có phần lạc với khu chợ, lạc với cả chính những người bán hàng rau xung quanh.

Lạc - không chỉ bởi ông chỉ có một ít rau - không nhiều như họ; chẳng phải bởi ông gánh rau bằng hai cái mẹt buộc dây thép vút lên, còn xung quanh họ là chỗ ngồi có vẻ đèm đẹp, mát mẻ. 

Lạc vì cái hồn quê chất phác như củ lạc, củ khoai, như vài mớ mùng tơi, rau dền, một làn mướp của ông - những thứ rõ là trông trong vườn nhà mang bán, chứ không phải đi buôn lại từ chợ đầu mối về để bán như những người khác.

Mình bị hút đầu tiên có lẽ bởi bộ trang phục: mũ cối, quần áo quân ngũ. Tất cả đều đã bạc màu. Nó thoáng gợi nhớ đến bố mình. Bao nhiêu năm rồi, ở nhà ông cũng vẫn thích và đi đâu ra ngoài vẫn cứ quen mặc bộ đồ quân ngũ cũ sờn ấy. Cả dáng người gầy gò, khắc khổ nữa...

Những chiếc mẹt đựng mướp của ông, lại gợi nhớ trong mình về một bà cụ chừng 80 tuổi ở chợ ven đường đoạn Bát Tràng - mà mỗi lần từ nhà ra Hà Nội, mình vẫn dừng lại mua hết cả mẹt mướp giúp bà và mua thêm rau củ quả khác của mấy người xung quanh. 

Gần đây không thấy bà ra ngồi đó. Không biết bởi hết mùa mướp, hay bà như chiếc lá mong manh đã nương theo gió rời cành?

Người đàn ông bán rau bên hè phố này cũng như bố mình thôi - là cha của một em trai, em gái, hoặc một người bạn, người anh chị nào đó mà mình chưa được biết. Nhưng có một điều mà mình biết, không ai nói ra nhưng mình cảm nhận được: Ấy là sự tảo tần của ông là cho gia đình, cho những người ông yêu thương. 

Và tình yêu thương đó của ông cũng vĩ đại như bao người cha khác khác trên thế gian này - sự vĩ đại không nhất thiết cứ phải đến từ những gì thật đao to búa lớn...

Bỏ ý định tìm mua khoai lang ban đầu, mình dựng xe xuống hỏi mua mùng tơi và mướp. Ông hỏi:

- Mười  hai nghìn đồng một cân. Anh mua bao nhiêu?

- Dạ, bác cứ nhặt cho con đi ạ, con mua nhiều.

- Vậy để tôi lấy chỗ mướp mới trong làn cho anh.

Ông lui cui quay lại cái làn xanh sờn màu phía sau, bỏ mấy tàu lá chuối bên trên ra và lấy những quả mướp tươi hơn cho mình.

- Ba cân anh ạ. Thêm hai mớ mùng tơi. Tổng cộng là 52 nghìn.

- Vâng, con gửi bác tiền.

- Anh đợi tôi chút, tôi gửi lại anh tiền thừa.

Cả cái cách gọi, cách nói chuyện, cách ngồi trên hè phố - một chân đi dép, một chân đất (vì dép kia lót để ngồi)... Tất cả đủ để làm lòng mình thực sự dịu lại giữa phố, quên đi cái mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng.

Cám ơn những người quê gánh tảo tần, mang bình yên, mang cả sự yêu thương vào trong lòng thành phố.

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Bán cùng lúc 40 ổ, bánh mì Sài Gòn mất một mối quen

TTO - 'Bánh mì Sài Gòn, 1 ngàn 1 ổ đặc biệt thơm ngon' - với nhân chứng là bà bán bánh mì, được tác giả Hồ Quốc Minh kể lại cho chuyên mục "Những ký ký đẹp". Một chuyện tình lãng mạn và... đúng chất sinh viên.


LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên