31/01/2014 10:53 GMT+7

Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời

LƯU ĐÌNH TRIỀU
LƯU ĐÌNH TRIỀU

TTXuân - Ở vùng biển Tây Nam, hòn Khoai cao 316m, hòn Chuối cao 139m so với mặt nước biển. Cùng “hộ khẩu” Cà Mau, hòn Khoai không dân, có một con đường, hòn Chuối thì ngược lại.

kRMJwupo.jpg
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương, người lính ở Hòn Khoai còn ngày ngày dạy chữ cho các em - Ảnh: Huy Thọ

Từ dưới gành lên trạm rađa hòn Chuối, theo chân lính, tôi men khe đá len lách leo theo một lối mòn hằn trên vách núi gần như dựng đứng. Bước chân cứ lỡ cỡ, chồng chềnh, vừa đi vừa thở phì phò. Lên tới đỉnh, mở ra trước mặt tôi một mảnh đất khá bằng phẳng, sạch thoáng tựa như một khu nghỉ dưỡng mini.

“Quán trà đàm” lộ thiên nằm ngay trên rẻo đất cao của trạm. Giàn chanh leo trĩu quả, đan liền với tán cây mít già cỗi tạo một khoảng xanh thoáng mát rộng lớn, làm thành chiếc dù phủ che hai bộ bàn ghế đá bên dưới. Khung cảnh nên thơ, thanh thoát. Nhâm nhi chung trà Bắc, rảo mắt một vòng lại phát hiện chuồng trăn với một mẹ hai con và cạnh đấy là một lồng chim sáo. Thỉnh thoảng giữa câu chuyện râm ran bên chén trà về đời lính đảo xa, sáo lại minh họa những âm thanh. Ngộ nghĩnh nhất là khi sáo rít từng hồi, sắc lẻm, âm vang tiếng kéo thuốc lào.

“Trà đàm” thật ra chỉ là những phút giây thư giãn hiếm hoi của lính. “Một ngày như mọi ngày của lính hòn Chuối nhiều việc lắm” - Trần Văn Vận, chàng trai có thâm niên năm năm trên đảo, nói gọn. Ngày, chủ yếu trực chuyên môn, huấn luyện. Chiều, ra sân đá bóng, đánh bóng chuyền hoặc tăng gia sản xuất (ngoài heo gà như hòn Khoai, ở đây còn nuôi cả mấy con bò). Tối, sinh hoạt, xem tivi… Tôi đã thâm nhập vào góc riêng của lính sau những giờ họ mệt nhoài làm nhiệm vụ. Giường chiếu ngăn nắp gọn gàng. Trên đầu giường ngoài ống tre đựng bàn chải, kem đánh răng, đôi khi lại có một quyển sách.

Giống như các doanh trại khác của lính biển Tây Nam, tủ sách trên đảo thường nhỏ, ít sách, nhưng lại rất thấm nhuần lời nhắn nhủ mà tôi đọc được trên trạm rađa 610: Đọc sách là một văn hóa. Giữ sách, sắp đặt tủ sách ngăn nắp cũng là văn hóa. Chất văn hóa trong phòng ngủ của lính đảo còn thể hiện ở nhiều góc cạnh khác nhau. Gây ngạc nhiên đến sửng sốt là cây đàn bầu bóng loáng treo trên tường. Vũ Văn Tiệp - chủ nhân cây đàn - thật tình thừa nhận mình không biết đàn nhưng được một người thân tặng anh cũng xách luôn ra đảo treo cho đẹp phòng.

Trên đỉnh cao, trong màn mưa xám, một ngôi nhà quét vôi vàng ẩn hiện giữa rừng nguyên sinh. Đó là trạm rađa 595 thuộc Vùng 5 Hải quân. Chỗ đóng quân của lính nhưng xung quanh cây cối, rau quả tốt tươi như một sân vườn. Thấy tôi có vẻ quan tâm đến cái hồ nước khá lạ, đáy được căng lót bằng một tấm nilông lớn, ở bên hông nhà, trạm trưởng Hoàng Huy Hùng cười giải thích: “Ở hòn Khoai nước ngọt hiếm hoi lắm, phải tranh thủ mùa mưa làm hồ này để lấy nước dành tưới rau”.

Cuộc sống của người lính tiền tiêu hôm nay được cải thiện nhiều về vật chất lẫn tinh thần, nhưng so với đời sống người hậu phương thì các anh vẫn còn nhiều thiếu thốn và đầy ắp gian lao. Việc đi lại vận chuyển hàng hóa trên các vách núi cheo leo không những khó khăn, vất vả mà chỉ cần một cú sảy chân là nguy hiểm đến tính mạng như chơi. Điện không có, xài máy nổ, chỉ được vài tiếng mỗi ngày. Máy cũ, hư lại phải mất vài ngày đưa vào đất liền sửa chữa. Khi ấy chỉ trông cậy vào cây đèn pin mini hay đèn dầu leo lét. Phương tiện ra vào đất liền khó khăn. Đó là chưa kể sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa nắng lo chuyện phòng cháy rừng. Mùa mưa đối đầu với dông to, sóng lớn…

Vừa xong ca trực chuyên môn, trung úy Nguyễn Thọ Trường cùng tôi chuyện ngắn chuyện dài trên hành lang nhỏ nhưng như một xa lộ gió. Dõi mắt nhìn ra biển xa mênh mông, Trường bồi hồi nhớ lại thuở nhập cư hòn Khoai. Dạo ấy, chàng trai quê Thái Bình mới 22 tuổi, lần đầu đặt chân lên đảo, ngỡ ngàng. Vắng vẻ quá, không dân, chỉ rừng một bên và biển một bên. Anh cảm thấy buồn và nỗi buồn kéo dài cũng ròng rã mất mấy tháng trời. Lâu dần, theo lời Trường, quen địa hình, quen môi trường lại đâm ra có tình cảm. Trường mộc mạc: “Nói nôm na là tôi có duyên với vùng đất này”. Trường tâm sự rất thật, bởi vì anh đã có 15 năm bám trụ hòn Khoai, chẳng xin chuyển đổi.

Trên chuyến tàu HQ 637, ngày cuối cùng cho chuyến “lãng du” cùng biển đảo Tây Nam, tôi lân la dò hỏi những cán bộ hải quân về chuyện “có duyên” như Trường cảm nhận. Đại tá Đậu Khải Hoàn, chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cho biết lính trên đảo quê ở miền Bắc, miền Trung cũng khá nhiều. Trong số đó lính có duyên với vùng biển đảo này như trung úy Trường ngày càng gia tăng. Không chỉ cắm chân lâu dài, có người lấy vợ là dân địa phương, có người đón vợ con từ quê vào và chọn nơi này làm quê hương.

Chợt nhớ đến một đêm giao lưu cùng lính biển, trong không khí thân tình, ấm áp, khi khách đề nghị cùng hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, một lính bật đứng dậy, cất giọng run run, xúc động. Đó là thượng úy Đào Minh Sửu, quê Hà Tĩnh, nơi đã xây hồ Kẻ Gỗ. 18 tuổi, vào lính, Sửu rời quê nhà ra vùng biển Tây Nam ngay. Dù cách xa hàng nghìn cây số, nỗi nhớ quê nhà vẫn đau đáu trong lòng, nên trong đêm giao lưu, được hát một bài ca quê nhà, với anh là niềm hạnh phúc. Vẫn thương quê, vẫn nhớ quê, nhưng có lẽ cũng vì chữ “duyên”, Sửu đã gắn bó ở vùng biển đảo này 21 năm. Anh còn thuyết phục vợ - một cô giáo ở Hà Tĩnh - chuyển ra đây dạy học và sinh sống.

Và như thế, tôi ngộ ra “em một bên” trong ca khúc Chút thơ tình người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa - nhạc Hoàng Hiệp) là rất thực tế với nhiều lính biển Tây Nam: Cho dẫu mai đây xa ánh đèn thành phố/Anh đến buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời /Anh vẫn thấy đời không lẻ loi/Biển một bên và em một bên.

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên