Gần 10 học sinh, trong đó có em nhỏ nhất là 8 tuổi, xung phong làm mặt nạ chống giọt bắn gửi tặng hỗ trợ chống dịch - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ngày 9-7, Tuổi Trẻ Online đã tìm đến Nhà thiếu nhi An Giang, nơi mà gần 1 tuần qua có gần 10 "tình nguyện viên nhí" xung phong tham gia làm mặt nạ chống giọt bắn. Hằng ngày, các em được cha mẹ đưa đến, 10h rước về nhà nghỉ trưa, 14h chiều các em quay lại làm tiếp.
Tại đây, hai em làm một công đoạn. Đầu tiên là dùng kim bấm miếng xốp và dây thun vào tấm kính nhựa. Sau đó, hai em khác sẽ dùng keo dán thêm một lớp xốp mềm cố định chắc chắn và che ghim đi, khi đội sẽ không bị ghim làm trầy da. Cuối cùng, có hai em gắn logo của Nhà thiếu nhi An Giang lên.
Anh hai chở em gái bằng xe đạp, hằng ngày hai buổi, đến Nhà thiếu nhi An Giang tham gia làm cùng các bạn - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Khâu Thị Hồng Thắm - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP Long Xuyên - là người nhỏ tuổi nhất tham gia công việc này. Được hỏi cảm thấy mùa hè này có gì khác hơn so với những mùa hè trước, Hồng Thắm chợt khựng lại một chút, nói mùa hè này em không còn được đi chơi nhiều nơi như trước đây.
"Nhưng em lại rất vui vì được tham gia cùng các bạn làm mặt nạ chống giọt bắn này. Em hy vọng sẽ có thật nhiều cô chú anh chị cảm thấy có ích trong khi làm nhiệm vụ chống dịch" - Hồng Thắm chia sẻ.
Các em thiếu nhi làm mặt nạ chống giọt bắn phòng COVID-19 gửi các lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu - Video: ĐẶNG TUYẾT
Hai anh em Nguyễn Lê Phước An và Nguyễn Ngọc Bảo Châu cùng tham gia công việc này. Lúc đầu, ba mẹ giao cho An đưa - rước Châu đi đến nhà thiếu nhi cùng làm với các bạn. Sau đó, An cảm thấy công việc này có ý nghĩa nên đã ở lại làm cùng với các em.
"Thay vì hè này em ở nhà chơi game, bấm điện thoại thì nay có "nhiệm vụ" đầy ý nghĩa này, vừa giúp cho em gái có một mùa hè bổ ích, vừa giúp em cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn ở tuổi 16 này" - An nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trương Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Nhà thiếu nhi An Giang - cho biết tình hình chung năm nay là hạn chế tập trung đông các em, vì thế mình không thể tổ chức được một hoạt động nào cả: "Xuất phát từ trăn trở là làm sao để các em có một mùa hè ý nghĩa hơn, bớt lệ thuộc vào mạng xã hội và điện thoại, máy tính…, chị cùng các phụ huynh trước đó đã hướng dẫn các em làm "tai giả", giúp đeo khẩu trang dễ dàng hơn.
Đến nay, chị nhận thấy nhiều địa phương, các tình nguyện viên đang cần mặt nạ chống giọt bắn nên tiếp tục cùng các nhà hảo tâm, các phụ huynh mua vật liệu, rồi cùng các em thiếu nhi chia việc ra làm".
Phan Hoàn Thảo Nguyên, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, làm công đoạn thứ hai, dán cố định và giấu ghim bấm để khi đeo không bị trầy da - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
"Tuần đầu tiên các em làm chưa quen, nên chỉ được hơn 3.000 cái và đã gửi đi các bệnh viện ở TP Long Xuyên và Huyện đoàn Chợ Mới. Đến nay, các em đã rành các khâu, chia nhau từng công đoạn nên làm nhanh hơn. Dự kiến trong 10 ngày sẽ hoàn thành 16.000 cái gửi đi các huyện trong tỉnh", bà Thúy nói.
Ngoài ra, có nhiều em nhỏ cũng xin ba mẹ đến nhà thiếu nhi lấy vật liệu đem về nhà làm, do không thể tập trung đông cùng một chỗ. Phía Tỉnh đoàn An Giang cũng đến nhận vật liệu và cùng làm trong thời gian rảnh, đã hỗ trợ được hơn 1.000 cái. Sau đó, các đoàn viên chủ động phân phát trên địa bàn TP Long Xuyên cho những người buôn bán ở vỉa vè, bán vé số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận