1. Trong tâm trí nhiều người thì cuộc chiến không dễ kết thúc. Tôi nhớ năm 2002, khi vào thăm một đại học cộng đồng ở Seattle, tôi bất ngờ được mời gặp hiệu trưởng.
Ông từng tham chiến ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên ông gặp một người Việt đến từ trong nước. Ông hỏi tôi về những thay đổi ở Sài Gòn và chia sẻ những ký ức cuộc chiến.
Từ đó đến nay, gặp nhiều người Mỹ thuộc "thế hệ chiến tranh Việt Nam", hay trẻ hơn, tôi thường nghe những câu hỏi tương tự.
Có không ít người, như vừa rồi trong chuyến đi này, Kelly và Eric - những đồng nghiệp giáo dục, sinh vào thập niên 1970, cũng đã hỏi tôi về những kỷ niệm của một thời binh lửa, về ấn tượng với người Mỹ thời ấy và bây giờ, kể cả cái nhìn của tôi về triển vọng bang giao hai nước.
Tôi thưa, năm 1975, tôi chỉ là một cậu bé Sài Gòn 13 tuổi, không chứng kiến những giây phút thảm khốc của các cuộc giao tranh.
Hình ảnh cuối cùng nơi tôi về người Mỹ trong cuộc chiến là những chiếc trực thăng vần vũ trên bầu trời suốt buổi tối 29-4, bốc đi người Mỹ và người Việt di tản.
Sau này ngẫm nghĩ, chúng cũng bốc đi một chương lịch sử nhiều đau buồn, tuy nhiên những hệ lụy sau chiến tranh vẫn còn nặng nề, không dễ phôi pha.
Trong đó, một hệ lụy lớn lao là không dễ tạo lập ngay niềm cảm thông và niềm tin giữa những người tham gia cuộc chiến từ nhiều phía.
2. Thế nhưng thời gian và thời thế là phương thuốc diệu kỳ. Người dân hai nước - dù ở thế hệ chiến tranh hay hậu chiến - đều đang chứng kiến cuộc chuyển mình xích lại gần nhau, bình thường hóa và nâng cấp bang giao nhiều mặt lên tới toàn diện ở mức cao nhất giữa hai nước từng có lúc xa cách và đối đầu.
Rõ nét nhất là vào một thập niên gần đây, chúng ta đã thấy những cuộc thăm viếng ở cấp thượng đỉnh chưa từng có. Giá trị giao thương và đầu tư hai bên vượt con số hàng trăm tỉ đô la Mỹ, đặc biệt ba chương trình gia tăng hợp tác mới nhất về công nghiệp bán dẫn, khai thác đất hiếm và năng lượng tái tạo.
Ngay trong giáo dục, ngày trước khó có thể hình dung sẽ có một trường đại học do hai chính phủ bảo trợ ra đời ở Việt Nam - mang tên nghị sĩ Fulbright và đào tạo theo kiểu Mỹ.
Số du học sinh Việt Nam hiện tại nằm trong top 5 sinh viên quốc tế tại Mỹ, với hơn 20.000 người, nhiều gấp đôi con số du học sinh miền Nam - trước tháng 4-1975.
Lần này trở lại Mỹ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy đây đó một nước Mỹ giàu có vẫn đang gánh chịu không ít hệ lụy kinh tế - xã hội "hậu covid" gay gắt, giá cả sinh hoạt leo thang, người "homeless" gia tăng, nhiều cửa hàng đóng cửa.
Tranh luận trước bầu cử tổng thống có thêm nhiều vấn đề mới, ngổn ngang. Quan hệ Mỹ với hai siêu cường - Trung Quốc và Nga căng thẳng tột bậc. Lò lửa chiến tranh khởi động ở Ukraine, Gaza, Biển Đỏ và Trung Đông và rồi có thể bùng nổ ở nhiều đại dương khác.
Bản thân nước Mỹ hiện tại hay bất cứ quốc gia nào đang bươn chải vượt lên các khó khăn bất định, đều càng cần thêm những "đồng minh" về chính trị cũng như kinh tế.
Trên đường về quê nhà sau hai tuần đi thăm các đối tác giáo dục và bạn bè ở Mỹ, trong tâm trí tôi vẫn hiện lên mùa hoa anh đào rực rỡ.
Song cùng với nó, có lẽ không chỉ riêng tôi, mọi người đều đang có nỗi lo ngấm ngầm - thế giới giờ đây không còn an lành, nhiều tai họa thiên nhiên và sai trái của con người đang ập đến.
3. Suốt chuyến bay, có lúc tôi miên man nghĩ về các thời kỳ lịch sử thế giới. Thời nào cũng vậy, nước nào cũng thế, khi bang giao với nhau ở mức độ gì cũng đều hướng đến quyền lợi quốc gia của mình.
Nước này nước kia chỉ "chơi được" với nhau khi nhận thức quyền lợi chung hòa hợp, đôi bên cùng có lợi. Nước nào cũng muốn, nhất là nước nhỏ, không vướng vào xung đột an ninh và kinh tế, không bị "ăn hiếp" hay xâm lấn lãnh thổ hoặc gây rối chủng tộc và tôn giáo.
Từ lúc Việt Nam trở lại kinh tế thị trường, mở cửa đầu tư, gia nhập ASEAN và hội nhập quốc tế thì thêm bạn bớt thù là điều phải đến.
Trong kinh doanh và quan hệ quốc tế, thời đương đại người ta gọi đó là win-win - các bên cùng thắng, tất cả đều vì có lợi lẫn nhau.
Quan hệ Việt - Mỹ và các nước khác thời hậu chiến tất yếu phải hướng đến và tuân theo "luật chơi" thực tế và thực dụng đó thôi.
Trong khi đó, quan hệ giữa những người Việt Nam có quan điểm khác nhau về cuộc chiến sau gần nửa thế kỷ thống nhất sơn hà, cũng phải thay đổi.
Theo tôi, đã đến lúc bằng mọi cách mọi nơi, chúng ta nên đều cùng phải suy nghĩ và hành động win-win vì những lợi ích chung tối thượng của đất nước là cường thịnh, văn minh, độc lập và tự do.
Người Việt Nam có đồng thuận mục tiêu đó thì mới tận hưởng được giá trị bình yên sau chiến tranh, thế mạnh của non sông một dải.
Hơn thế nữa, tạo cho các thế hệ mới của người Việt trong và ngoài nước niềm tin yêu và tự hào: đất nước mình phải cường thịnh, tiến lên tránh được các tai ương.
Người Việt Nam phải đồng thuận một mục tiêu vì đất nước cường thịnh, văn minh, độc lập, tự do thì mới tận hưởng được giá trị bình yên sau chiến tranh, thế mạnh của non sông một dải, tạo cho các thế hệ mới của người Việt trong và ngoài nước niềm tin yêu và tự hào và tránh được tai ương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận