"Cái này mày cũng không biết làm nữa hả. Mẹ dạy mày sao mà mày quên vậy hả". Cách dãy bàn chúng tôi ngồi, người mẹ ra sức dạy dỗ cô con gái cỡ 7-8 tuổi làm bài tập với giọng nói to, gằn từng tiếng.
Thế là hai tiếng hẹn cô bạn lâu ngày không gặp của tôi nơi quán cà phê ở bờ kênh xanh mát trở thành những giây phút tụt "mood" (tâm trạng).
"Anh đại", "chị đại" nơi quán cà phê
"Rồi, cái này thì làm gì tiếp?". Cô bạn tôi chựng lại, nhìn qua bàn bên.
Người phụ nữ còn khá trẻ vẫn tỉnh bơ, tiếp tục chì chiết con gái mình. Trên bàn có vài quyển sách vở, một cái iPad được dựng lên.
Con gái chị hết ngồi lại đứng, gương mặt khổ sở, có lúc cô bé đi vài bước lòng vòng thì bị quát. Khách xung quanh cũng nhìn, nhưng rồi chịu thôi.
Thấy "chị đại" vẫn tiếp tục, chúng tôi đành đổi qua chiếc bàn ở cuối quán. Vài người khách cũng đổi bàn, khuôn mặt lộ vẻ khó chịu.
Đành rằng dạy con là câu chuyện khó nhọc nhưng đe nẹt đứa trẻ nơi không gian chung như thế này và mặc kệ người xung quanh thì thật quá đáng.
Nghĩ vậy thôi, chứ mỗi khi đi uống cà phê mà gặp tình trạng làm lố, không quan tâm thiên hạ nghĩ gì của một số "thượng khách" thì đa số mọi người sẽ im lặng. Tôi từng tạm biệt quán cà phê nhỏ nhắn xinh xắn quen thuộc trong một con hẻm vì sự xuất hiện của một cặp đôi quá ư đặc biệt.
Ngày thuận buồm xuôi gió, cặp đôi sẽ nói chuyện vui vẻ, quàng vai bá cổ hôn nhau, cười ha hả. Dù quán đã có nhạc sẵn nhẹ nhàng, nhưng anh chàng vẫn mở "nhạc giựt" trên điện thoại và ngồi phì phèo thuốc lá.
Ngày không bình yên, họ cãi nhau, rồi đem chuyện nhà ra chửi người này người kia trong câu chuyện. Cô nàng đùng đùng bỏ về.
Những "anh đại", "chị đại" còn gọi điện thoại mở loa hết cỡ rồi nói như hét. Họ nói tới tàn canh gió lạnh luôn mà không thấy mệt, chẳng thấy nghỉ xả hơi.
Người xung quanh bất đắc dĩ nghe hết chuyện đời họ, biết luôn gốc gác, công việc. Hằm bà lằng thông tin cứ lọt vô lỗ tai, nhức cả đầu.
Coi người xung quanh như vô hình
Lạ một điều là đối với những người hay ồn ào này thì người xung quanh như vô hình. Thậm chí khi người khác tỏ thái độ khó chịu, phản ứng bằng cách đổi chỗ ngồi… thì họ vẫn tỉnh bơ.
Có người chọn cách góp ý với nhân viên để nhắc nhở những khách gây ồn ào, nhưng trường hợp này rất ít.
Chị L.A., một người ghiền đi cà phê, kể rằng tới nhiều quán hay thấy cảnh nhiều nhóm chụp hình hết góc này đến góc khác.
Họ cứ chụp đi chụp lại, tới lui nói cười, đứng ngồi các kiểu như ngoài công viên, ảnh hưởng đến những khách khác.
Thường ngồi quán cà phê để làm việc, anh H. chia sẻ: "Quán xá là nơi gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, nhưng có một số người rất vô ý thức, làm ồn ở những nơi này.
Họ hồn nhiên giỡn hớt và cười rất to. Tôi cũng sợ nhất là những người đi cà phê dẫn theo con cái nhưng không kiểm soát được tụi nhỏ. Họ để chúng chạy nhảy lung tung, la hét".
"Tại các quán cà phê sân vườn, nhiều người cũng không ý thức được mình đang làm ồn. Họ nói lớn, át tiếng những bàn bên cạnh. Và một nỗi khổ mà tôi hay gặp là họ gọi video nhưng bật loa ngoài, trò chuyện vô tư, văng tục thoải mái như ở nhà vậy" - chị Y., một người hay dẫn cả nhà đi cà phê cuối tuần, kể.
Đến quán cà phê là để thư giãn, tán gẫu hoặc vì công việc. Nhưng nên ý thức kiểm soát lời nói, hành vi, đừng làm phiền và khiến người khác khó xử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận