Bức ảnh Tình mẫu tử gây tranh cãi của Hồ Văn Điền |
Cuộc thi mà tác giả Hồ Văn Điền (SN 1979) tham gia là cuộc thi ảnh ASEAN về đa dạng sinh học 2015 (ASEAN Centre for Biodiversity), trao giải vào ngày 2-10 tại Philippines. Hồ Văn Điền đoạt giải ba với tác phẩm Tình mẫu tử chụp chim đầu rìu tha mồi về cho con, xếp sau giải nhất của tác giả Thái Lan và giải nhì của tác giả Myanmar.
Lập tức, bức ảnh được đưa lên các trang diễn đàn chụp chim trên mạng để “mổ xẻ”. Một người chụp chim tên Đức Hoàng mở đầu chủ đề bằng cách đặt nghi vấn: “Loài chim đầu rìu làm tổ trong bộng cây. Có khả năng nào cho chim non đứng trên cành chờ mẹ mới mồi như ảnh đoạt giải ASEAN về đa dạng sinh học hay không?”.
Ý kiến của Đức Hoàng được những người chụp chim khác chia sẻ. Một người chụp chim khác tên Nguyễn Bảo phán đoán: “Đây chắc chắn là hình dàn dựng. Mấy con chim non không thể tự nhảy lên cành mà đậu có hàng có lối như vậy”.
Thêm một người khác tên là Nguyễn Tuấn nhận xét: “Con chim non này chưa thể tự đứng trên cành. Nó phải còn ở trong hốc cây hay hốc gì đó. Nó bị bắt ra ngoài chắc luôn. Như thế khác gì cổ động cho phong trào bắt chim non dàn dựng rồi chụp”.
Không phải ngẫu nhiên mà những bức ảnh chụp chim mẹ với chim non đoạt giải bị “soi” đến mức như vậy. Phong trào bắt chim non cột trên cành cây, rồi nhử chim mẹ về mớm mồi để chụp ảnh ngợi ca “tình mẫu tử” đã diễn ra trong giới nhiếp ảnh nhiều năm trở lại đây.
Cách đây vài tháng, các thành viên trên các diễn đàn nhiếp ảnh đã phản ứng, công kích dữ dội về cách làm này.
Những người bảo vệ chim cho rằng cách những người chụp chặt cành lấy tổ, bắt chim non nhử mẹ mớm mồi… là hành hạ chim non, phá hoại môi trường. Họ bàn về đạo đức của người chụp ảnh chim non.
Một trong những giải pháp được đề nghị để chấm dứt, không khuyến khích hành vi này là yêu cầu các cuộc thi không trao giải cho những bức ảnh nghi vấn hành hạ chim non, phá hoại môi trường như vậy.
Trước những dư luận đang đặt nghi vấn vào mình, tác giả Hồ Văn Điền cho hay anh cảm thấy buồn và bị sốc. Nhưng anh khẳng định mình không phá tổ, bắt chim con rồi dán keo, cột chân để nhử chim mẹ như mọi người làm.
Anh kể: “Tôi thấy chim mẹ, chim cha bay qua bay lại nhiều lần, rồi phát hiện tổ chim đầu rìu trong bộng cây sầu đông. Tôi đặt một cành cây vào bộng cây, sao cho chim con có thể theo cành cây đi ra. Lúc đầu là một con, sau đó là hai con, rồi ba con… Tôi mất ba ngày để canh tổ chim, chụp được bức ảnh này. Đó là còn nhờ may mắn, vì có những tổ chim vành khuyên khiến tôi phải nằm trên nóc nhà người khác đến bảy ngày”.
Là người đam mê chụp ảnh chim, trước giải thưởng ASEAN, Hồ Văn Điền đã nhận ba giải thưởng khác trong nước đều là ảnh chụp chim. Anh cũng cho biết với các tổ chim khác không phải chim đầu rìu, anh phải dựng một cành cây sao cho chim mẹ bay về có chỗ đậu, và chim con có thể theo ra.
“Mình chụp ảnh phải bảo vệ môi trường rồi, nhưng cũng phải tìm ra được cái hướng chụp, để chụp cho được” - tác giả tâm sự.
Không biết những lời giải thích của Hồ Văn Điền có đủ xua tan những ý kiến nghi ngờ anh trong giới nhiếp ảnh hay không? Nhưng chắc chắn là giờ đây, những bức ảnh chụp chim mẹ và chim con đều được cộng đồng “soi” rất kỹ.
Điều đó sẽ khiến những người chụp ảnh chim, lẫn những người chấm ảnh chim phải cân nhắc, chịu trách nhiệm kỹ hơn với những bức ảnh liên quan đến môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận